Người giữ đường Tây Bắc

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 07/02/2019 07:22

Giữ vững truyền thống gia đình, tận tâm với công việc, vận động người dân bảo vệ tài sản và hành lang ATGT, chia sẻ nỗi nhọc nhằn, vất vả của công việc “giữ đường”, nhưng vượt lên tất cả chính là lòng yêu nghề, tình yêu mà gia đình anh Nguyễn Đức Tuấn - Hạt trưởng Hạt 3 QL279 thuộc Công ty Cổ phần Đường bộ 226 gắn bó với xứ sở hoa ban bấy lâu nay.

 

Anh chính

Anh Nguyễn Đức Tuấn (ngồi giữa) dùng bữa cơm trưa cùng anh em "giữ đường" Tây Bắc ngay bên vệ đường

3 đời làm giao thông

Hơn 30 năm nay, đã trở thành thói quen, cứ 5 giờ sáng anh Nguyễn Đức Tuấn lại thức giấc chuẩn bị dụng cụ lên xe đi tuần đường. Mỗi gốc cây, cột cây số, từng đoạn cua đã hằn sâu trong tâm trí anh như những người thân trong gia đình.

Sinh ra trong gia đình có bố, mẹ đều làm trong ngành GTVT nên anh hiểu rõ được sự vất vả của người làm giao thông, đặc biệt là công việc của những người “giữ đường” ở miền núi… Anh chia sẻ, nghề phu đường thường được anh chị em đùa nhau “Cha lái lu, mẹ duy tu, đẻ thằng cu… đứng đường”, ấy vậy mà cái nghiệp đó lại bám vào gia đình anh, từ đời này sang đời khác.

Quê anh ở tận vùng chiêm trũng Hà Nam Ninh (nay là xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Bố anh theo tiếng gọi của Đảng, của Cụ Hồ lên Khu tự trị Thái Mèo làm giao thông ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Trong lần về quê lấy “quân”, ông bà quen nhau và… bén duyên ở vùng đất Điện Biên Phủ.

Năm 1987 khi mới 23 tuổi, thanh niên Nguyễn Đức Tuấn bước chân vào ngành GTVT tiếp bước công việc của bố mẹ đã lựa chọn. Anh về công tác khi Công ty Quản lý Đường bộ 226 mới thành lập được một năm, khi đó anh vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp GTVT Miền Núi… Thấm thoát cũng hơn 30 năm gắn bó với ngành, mới đây anh gọi điện thông báo cho chúng tôi tin vui, đứa con trai lớn của anh cũng xin được tiếp nối truyền thống gia đình xin vào ngành Đường bộ và anh nghĩ rằng, không đâu đào tạo tốt bằng từ cơ sở nên anh đưa cháu xuống đội sản xuất để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm…

Chia sẻ về công việc, anh Tuấn cho biết đơn vị được giao duy tu 58km QL279, qua thống kê có hơn 1.000 nóc nhà với trên 5.000 nhân khẩu của 14 thôn, bản nằm dọc tuyến. Với đặc thù vùng cao, địa hình hiểm trở, kết cấu đất không ổn định nên các tuyến đường thường xuyên xảy ra sụt sạt, đứt gẫy vào mùa mưa lũ. “Với tuyến này, trung bình mỗi năm có hàng trăm điểm sụt sạt, bồi lấp mặt đường lớn nhỏ xảy ra. Muốn giữ đường tốt, ngoài làm tốt công tác tuần đường, duy tu bảo dưỡng thường xuyên thì công tác “dân vận” cũng không kém phần quan trọng vì mỗi người dân như những “cọc tiêu”, “tai mắt” của người giữ đường”, anh Tuấn chia sẻ.

Nhiều ý tưởng sáng tạo

Thật bất ngờ khi đi qua QL279, khi bắt gặp 800 cây hoa ban được trồng ngay ngắn, thẳng tắp từ km53 đến km64 khiến cho những người qua đường không khỏi bất ngờ. Đây là sáng kiến của Hạt 3, thuộc Công ty Cổ phần Đường bộ 226. Điều đặc biệt, phong trào trồng cây dọc tuyến QL279 được người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ bởi cây hoa ban đã trở thành đặc trưng của mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Anh Tuấn cho biết, để làm được điều này anh đã đến vận động chính quyền địa phương, xin được họp cùng dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đến từng nhà, gặp từng người dân để tuyên truyền vận động tham gia gìn giữ đường. Thậm chí, anh vận động người dân hiến đất và góp cây giống để trồng cây, bảo vệ, làm hành lang ATGT... Với phương châm “mỗi cọc tiêu là một người CSGT”, “mỗi gốc cây hoa ban là một chiến sỹ biên phòng”…, anh đã đến và hòa nhập với bà con. Có được điều này chính là sự đồng tình của người dân và ủng hộ của chính quyền địa phương nằm dọc tuyến quốc lộ đi qua.

Hình ảnh người công nhân cầm máy cắt cỏ phát quang, khai thông dòng chảy trên đường hiện nay không phải là hiếm gặp, nhưng trong ngành Đường bộ không ai không biết đến sáng kiến của anh Tuấn trong ứng dụng máy cắt cỏ. Trước đây, máy cắt này chủ yếu sử dụng trong lâm nghiệp với lưỡi cắt bằng sắt, nếu ứng dụng cho công việc cắt cỏ của đường bộ sẽ rất nguy hiểm vì địa hình không ổn định. Từ thực tế đó, anh nghiên cứu, mày mò với đặc thù đường sá và đã thay lưỡi cắt cỏ bằng sợi dây thép, rồi bây giờ là dây cước để cắt vừa an toàn, cơ động, dễ thay thế, vừa mang lại hiệu quả cao trong công tác duy tu.

Là Phó Bí thư Chi bộ, Hạt trưởng, anh xác định nhiệm vụ chính của đơn vị là đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường được Công ty giao, đảm bảo giao thông khi có thiên tai, địch họa xảy ra trên tuyến đường Hạt quản lý, thi công các công trình đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng, có hiệu quả, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống cho CB, CNV, người lao động.

Với suy nghĩ đó, anh đã cùng tập thể lãnh đạo đơn vị bàn biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình cũng như công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường khi được cấp trên giao, thường xuyên chăm lo đến đời sống của người lao động trong phạm vi vốn đầu tư eo hẹp. Anh cùng anh em trong đơn vị xây dựng quy chế khoán sản phẩm đến tổ sản xuất và trực tiếp đến từng người lao động, thực hiện quy ước người lao động là chủ của mọi công việc.

Song song với nhiệm vụ chính của đơn vị là quản lý, khai thác có hiệu quả trạm trộn bê tông nhựa nóng phục vụ thi công các công trình và công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường khi được quản lý, anh còn cùng với Ban lãnh đạo đơn vị tích cực tìm kiếm thêm việc làm để tăng thu nhập cho người lao động. Chính vì vậy, năm 2017, người lao động Hạt 3 QL279 có mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong công tác quản lý thi công, việc kiểm tra đôn đốc của lãnh đạo đơn vị rất được chú trọng để chấn chỉnh kịp thời các tổ lao động sản xuất, các cá nhân còn thiếu sót; giữ mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan trong phạm vi, địa bàn công trình được đảm nhận thi công để tuyên truyền, vận động nhân dân. Nhờ những biện pháp tích cực đó, chất lượng các công trình Hạt tham gia đảm nhận thi công luôn luôn được khẳng định.

Anh tâm sự, nghề nào cũng có đặc thù riêng, nhưng khi gắn bó, yêu nghề rồi thì cái khó khăn, vất vả cũng qua mau, đọng lại trong đó là tình người. Mỗi cung đường tốt, an toàn thì những người “giữ đường” như chúng tôi cảm thấy rất tự hào

Ý kiến của bạn

Bình luận