Nghiên cứu xây dựng mô hình Tổng cục Hàng hải Việt Nam-giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải

12/11/2016 05:40

Đóng góp của ngành Hàng hải là rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển, kinh tế thương mại, du lịch, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường biển.


TS. Lê Quốc Tiến

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam                             

ThS. Bùi Văn Minh

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng

Người phản biện:

TS. Trần Văn Lượng

TÓM TẮT: Đóng góp của ngành Hàng hải là rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển, kinh tế thương mại, du lịch, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường biển. Do đó, để phát triển ngành Hàng hải xứng tầm vóc, vị thế cần phải nghiên cứu mô hình phù hợp hơn cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành, góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hải và kinh tế biển nói chung theo Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI...

Từ khóa: Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, mô hình quản lý, thực thi và hiệu quả .

ABSTRACT: The contribution of the maritime sector plays an important  role and having certain effect on the development of country economy, sea economy, trading, tourism; and also contribute to protect the sovereignty, national rights and, ensure defence, security and marine environment protection. Therefore, need to research better Maritime Administration Model to improve the enforcement and effectiveness of the maritime administration sectors, in order to contribute to promoting the maritime economy, sea economy generally as mentioned in Resolution No. 09-NQ/TW regarding Vietnam Sea Strategy to 2020, and create a breakthrough in development of maritime infrastructure, promoting the role as a focal point to connect to other transport sectors.

Keywords: Vietnam maritime, Maritime Administration, Administration Model, enforcement and effectiveness.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) là cơ quan trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện quản lý nhà nước về Hàng hải theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước. Nhiệm vụ của Cục HHVN được quy định tại Quyết định 1155/QĐ-BGTVT ngày 3/4/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT trên các lĩnh vực chính: Quản lý nhà nước về cảng biển; hệ thống phao, tiêu báo hiệu và luồng hàng hải; quản lý về tàu biển, thuyền viên, hoa tiêu và nguồn nhân lực khác, về vận tải biển và dịch vụ hàng hải, về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, về quản lý đầu tư xây dựng, hợp tác quốc tế về hàng hải, là đầu mối quan hệ với các tổ chức hàng hải quốc tế.

hinh1
Hình 1.1: Hệ thống cảng biển Việt Nam

Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là định hướng chiến lược hoàn chỉnh, đồng thời cũng là quan điểm chỉ đạo rõ ràng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển nước ta trong thời gian tới. Để thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, đòi hỏi ngành HHVN phải có sự đổi mới về hệ thống tổ chức bộ máy theo mô hình phù hợp, tương xứng cả về quy mô và chức năng, nhiệm vụ. Do đó, việc nghiên cứu cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải là rất cần thiết nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, phát huy vai trò là đầu mối kết nối với các ngành giao thông khác, hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là: “Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn” [5].

2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN

2.1. Hình thành và phát triển

Cục Vận tải Đường thủy được thành lập năm 1955. Đến ngày 5/5/1965, Bộ GTVT ra Quyết định số 1046 giải thể Cục Vận tải Đường thủy để thành lập Cục Vận tải Đường biển và Cục Vận tải Đường sông. Ngày 10/7/1965, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 136/CP, chính thức thành lập Cục Vận tải Đường biển, tiền thân của Cục HHVN ngày nay. Với chức năng trực tiếp quản lý và điều hành các cơ sở vật chất của ngành HHVN, gồm: Hệ thống cảng biển đội tàu biển, đại lý tàu biển, bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp sửa chữa cơ khí, xây dựng công trình thủy và trường đào tạo công nhân kỹ thuật đường biển…

Sau kháng chiến chống Mỹ, hình thức tổ chức Cục Vận tải Đường biển không còn thích hợp, đòi hỏi một tổ chức cao hơn thay thế. Ngày 28/11/1978, Chính phủ ra Quyết định số 300 thành lập Tổng cục Đường biển Việt Nam, trực thuộc Bộ GTVT. Với mô hình Tổng cục, ngành Đường biển Việt Nam chuyển sang thời kỳ phát triển mới.

Ngày 4/4/1989, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ra Quyết định số 264/TCCB-LĐ về việc chuyển đổi Tổng cục Đường biển thành Liên hiệp HHVN trực thuộc Bộ GTVT. Ngày 14/5/1990, Hội đồng Bộ trưởng chính thức ra quyết định thành lập Liên hiệp HHVN. Các xí nghiệp thành viên do Liên hiệp quản lý, điều hành theo kế hoạch của Bộ GTVT. Liên hiệp Hàng hải ra đời với chức năng là tổ chức sản xuất kinh doanh XHCN, đồng thời được Bộ ủy quyền tham mưu giúp Bộ thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải trong phạm vi cả nước.

Kỳ họp thứ VII, ngày 30/6/1990, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật HHVN, có hiệu lực từ ngày 01/01/1991. Sự ra đời của Bộ luật có ý nghĩa quan trọng. Từ đây, ngành Đường biển đã có một cơ sở pháp lý cần thiết để xác lập các mối quan hệ kinh doanh hợp pháp, tạo ra uy tín cho ngành có thể hội nhập với thị trường hàng hải quốc tế.

Ngày 29/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định thành lập Cục HHVN. Cục HHVN ra đời với trọng trách thay mặt Nhà nước quản lý về mặt nhà nước chuyên ngành Hàng hải trên phạm vi cả nước. Một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Cục là xây dựng chiến lược dài hạn phát triển ngành HHVN trong phạm vi cả nước. Việc thành lập Cục HHVN đã mở ra một bước ngoặt mới, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển ngành HHVN. Cũng từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều văn kiện của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đặt vấn đề xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hùng mạnh về biển. Từ năm 1993, Cục HHVN đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Nhà nước giao, vận dụng sáng tạo đường lối xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đứng trước vận hội mới, ngành HHVN ý thức được vai trò tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa về kinh tế của đất nước.

2.2. Thành tựu

Hiện nay, đội tàu biển Việt Nam có 1.895 tàu với tổng trọng tải 7,97 triệu DWT và tổng dung tích 5,13 triệu GT, gồm 39 tàu container, 162 tàu hàng rời, 1.052 tàu hàng bách hóa, 161 tàu dầu, hóa chất, 10 tàu khí hóa lỏng, 45 tàu khách, còn lại là các loại tàu khác. Mặc dù năng lực tài chính, quản lý còn có hạn chế, số chủ tàu đã đạt trên 600 [6].

Về hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, cả nước có 256 bến cảng (402 cầu cảng) thuộc 44 cảng biển (gồm 14 cảng biển loại I, 17 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III), tổng chiều dài cầu bến đạt 59.405m. Năng lực thiết kế thông qua đạt 500 triệu tấn/năm. Năm 2015, lượng hàng qua cảng đạt khoảng 427,3 triệu tấn (85,5% năng lực thiết kế), trong đó hàng container là 12,0 triệu TEU [6]  (Hình.1.1).

Về dịch vụ hàng hải, cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa [6]. Năm 2016, Ngân hàng Thế giới xếp hạng năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam đạt 2,98 điểm, đứng thứ 64/160 quốc gia [15].

Nước ta có khoảng 120 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu biển trọng tải từ 1.000DWT trở lên, một số nhà máy đóng tàu đã lựa chọn được mẫu tàu chiến lược để làm cơ sở cho việc phát triển của đơn vị như Công ty TNHH MTV 189 - Bộ Quốc phòng, Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm…[8]    

Về cơ sở đào tạo, có 02 trường đại học, 4 trường cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực hàng hải, bao gồm cả thuyền viên [6]. Công tác đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản sử dụng nguồn nhân lực trong Ngành. Đội ngũ thuyền viên được đào tạo theo chương trình sát với Công ước STCW 78/95 sửa đổi Manila 2010.

Hiện nay, Việt Nam có 45.014 thuyền viên, hoa tiêu với đội ngũ sỹ quan quản lý là 10.578 người (trong đó: 294 hoa tiêu, 4.045 thuyền trưởng, 3.585 máy trưởng, 1.782 đại phó, 1.245 máy hai), sỹ quan vận hành có 9.673 người (trong đó: 4.833 sỹ quan boong và 4.715 sỹ quan máy các hạng, 125 sỹ quan kỹ thuật điện), còn lại 24.469 thủy thủ, thợ máy, thợ kỹ thuật điện các loại [6].

2.3. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, nhân lực của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải

Cục HHVN thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải trong phạm vi cả nước. Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục HHVN được quy định tại Quyết định số 1155/QĐ-BGTVT ngày 3/4/2015 của Bộ GTVT.

Nhân lực: Tổng số nhân lực của Cục HHVN hiện có khoảng 3.000 người, trong đó khối Hành chính sự nghiệp có 176 biên chế hành chính, trong đó có 47 biên chế thanh tra, 1.716 biên chế sự nghiệp, bao gồm 1.027 biên chế Cảng vụ hàng hải, 316 biên chế Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải, 180 biên chế Trường Cao đẳng Hàng hải I, 178 biên chế Trường Cao đẳng nghề Hàng hải TP. Hồ Chi Minh, 15 biên chế Trung tâm Thông tin An ninh Hàng hải (Hình 2.1).

hinh2
Hình 2.1: Sơ đồ cơ cấu tổ chức Cục Hàng hải Việt Nam

 

3. ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ TỒN TẠI, KHÓ KHĂN

3.1.Về vị trí, chức năng

Theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Hàng hải được xác định là ngành có vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế biển, giúp kinh tế hàng hải vươn lên vị trí thứ nhất sau năm 2020. Trong hội nhập quốc tế, Cục HHVN cũng được giao là đầu mối quan hệ với các tổ chức hàng hải quốc tế, trực tiếp giao dịch, đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận quốc tế; tham mưu gia nhập các công ước quốc tế về hàng hải, đồng thời chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam ký kết, gia nhập. Tuy nhiên, vị trí, chức năng và mô hình tổ chức hiện tại chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tầm quan trọng để gánh vác những trọng trách nói trên.

3.2. Về nhiệm vụ và quyền hạn

Theo quy định hiện hành, Cục HHVN là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước. Như vậy, Cục HHVN phải có đầy đủ quyền hạn và thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành vẫn chưa được phân cấp triệt để hoặc lại được giao cho một số cơ quan, đơn vị khác, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, không bảo đảm tính thống nhất, tập trung, đồng bộ trong công tác quản lý chuyên ngành.

Một số nhiệm vụ cấp thiết mà Cục HHVN đang thực hiện lại chưa được đưa vào chức năng, nhiệm vụ của Cục; cần phải bổ sung nhiệm vụ cho ngành HHVN trong các lĩnh vực như quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; về bảo vệ môi trường từ các hoạt động hàng hải; về an ninh quốc phòng; về chủ quyền biển đảo, về phòng chống khủng bố và cướp biển...

3.3. Về cơ cấu tổ chức      

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập mới hoặc tổ chức lại các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo mô hình Tổng cục như: Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Đường bộ, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Năng lượng..., trong khi đó ngành Hàng hải chỉ là cấp Cục là chưa phù hợp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực quản lý ngành, đồng thời bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược trong thời kỳ mới. Hàng hải là ngành mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Cảng vụ Hàng hải - đơn vị trực thuộc Cục HHVN - được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác tại địa phương như Cục Hải quan, Biên phòng thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển. Tuy nhiên, mô hình tổ chức Cục quản lý ngành như hiện nay chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao và mô hình tổ chức quản lý các ngành, lĩnh vực tương đương khác.    

Mặt khác, với vai trò, trọng trách trong lĩnh vực hợp tác quốc tế cũng như để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch với các dịch vụ công ích trong lĩnh vực hàng hải, xây dựng... thì mô hình tổ chức Cục như hiện nay chưa đáp ứng được cả về cơ cấu và quy mô không bảo đảm được tính linh hoạt, chủ động, kịp thời trong thực hiện nhiệm vụ.  

Hiện nay, Cục HHVN là Cục hạng I, đang hưởng các chế độ tương đương Tổng cục, nhưng vẫn giữ tên Cục. Với vị trí pháp lý là Cục (kể cả Cục loại I) thì cơ cấu tổ chức bên trong của Cục HHVN vẫn chỉ là cấp phòng và không thể có các cục trực thuộc, như vậy là không phù hợp, chưa tương xứng với vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn.

Để phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực Hàng hải, cơ cấu tổ chức bên trong Cục HHVN cần có một số tổ chức có tính độc lập tương đối vừa có chức năng tham mưu, vừa có chức năng trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Đó là mô hình tổ chức của các Cục thuộc Tổng cục; theo quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì cơ cấu tổ chức của Cục không có Cục trực thuộc. Vì vậy, cần thiết phải thành lập Tổng cục HHVN có cơ cấu tổ chức Cục trực thuộc Tổng cục nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành HHVN hiện nay.

4. SỰ CẦN THIẾT PHẢI ÁP DỤNG MÔ HÌNH TỔNG CỤC HHVN

Ngành Hàng hải là ngành đặc thù mang tính quốc tế hoá cao, đã và đang góp phần tích cực trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Xác định rõ lợi ích và tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Ngày 30/5/2007, Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là định hướng chiến lược đúng đắn, đồng thời cũng là quan điểm chỉ đạo rõ ràng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển nước ta trong thời gian tới.

Trong bối cảnh ngành Hàng hải cam kết mở cửa hội nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế hàng hải toàn cầu, chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020 cũng xác định kinh tế biển từ sau năm 2020 là ngành kinh tế giữ vị trí số một quốc gia. Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2017 với những quy định mang tinh thần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đã đưa ra những chính sách mang tính đột phá, khắc phục những bất cập hiện tại. Đây là bộ luật kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, được ban hành lần đầu vào năm 1990 và sửa đổi năm 2005.

Từ những vấn đề đã phân tích ở trên và để thực hiện thắng lợi chủ trương, chiến lược của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ, tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải không chỉ có chức năng quản lý hành chính đơn thuần mà còn bao gồm các lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động hàng hải như: Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế, chính sách về phát triển, hội nhập của kinh tế hàng hải; tổ chức quản lý theo chuyên ngành đối với việc đầu tư, xây dựng và khai thác cảng biển, đầu tư khai thác đội tàu biển Việt Nam, công nghiệp đóng mới - sửa chữa tàu biển và các hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng hải khác; đồng thời phối hợp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển và thềm lục địa cũng như quản lý hoạt động kinh tế biển và các nhiệm vụ liên quan khác.

Do đó, việc áp dụng mô hình Tổng cục HHVN là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải tại Việt Nam, trên cơ sở  tổ chức lại Cục HHVN là cần thiết và đáp ứng các yêu cầu cấp bách hiện nay với các ưu điểm sau:   

4.1. Mô hình Tổng cục HHVN nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải

Hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về hàng hải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nhưng có mối liên kết, tác động lẫn nhau, đó là: Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật và tính đồng bộ về cơ chế chính sách; tính dự báo trong quy hoạch, kế hoạch; việc quy định, phân công hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trong tổ chức và giữa các tổ chức với nhau; sự tập trung, tinh gọn, thống nhất về cơ cấu tổ chức; trình độ, năng lực và tính mẫn cán, công tâm, minh bạch của đội ngũ công chức, viên chức trong tổ chức.

Một trong các yếu tố trên có bất cập sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải. Cho đến nay, hệ thống pháp luật hàng hải đã cơ bản được hoàn thiện, các cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển Ngành đã được xây dựng và ban hành. Tuy nhiên, mô hình tổ chức Cục HHVN đã bộc lộ những hạn chế về cơ cấu, quy mô và hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành được giao. Do vậy, việc thành lập Tổng cục HHVN là bước cần thiết hoàn thiện cơ cấu tổ chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về hàng hải trong giai đoạn mới.

4.2. Mô hình Tổng cục HHVN góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển

Việt Nam là quốc gia có khu vực nội thủy, vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, do vậy, ngành Hàng hải không chỉ thực hiện các mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển và kinh tế quốc dân cũng như nâng cao vị thế của ngành HHVN trên trường quốc tế mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng xác định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành liên quan đều phải thực hiện. Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, với những diễn biến phức tạp trên biển Đông, nạn cướp biển và các hành vi bất hợp pháp trên biển có chiều hướng gia tăng và xu hướng giảm sự hiện diện quân sự hoặc can thiệp bằng vũ lực đối với các tranh chấp trên biển, đòi hỏi cần phải thành lập các lực lượng dân sự như đội tàu hải giám, kiểm ngư  đủ mạnh dưới sự quản lý, điều hành của cơ quan dân sự quản lý nhà nước về hàng hải, thủy sản nhằm kiểm tra, kiểm soát và ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam là cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế. Do vậy, việc thành lập Tổng cục HHVN là bước đi cần thiết, đúng đắn làm cơ sở cho việc thành lập lực lượng hải giám, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển.

4.3. Mô hình Tổng cục HHVN bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường

Thực thi các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và tìm kiếm, cứu người, tài sản gặp nạn trên biển là trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia ven biển và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hàng hải. Trong những năm qua, ngành Hàng hải đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ trên. Hệ thống pháp luật đã được xây dựng, từng bước hoàn thiện nhằm quản lý hoạt động hàng hải trên các vùng biển Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Hệ thống các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ trên biển như: Cảng vụ Hàng hải; Thông tin điện tử hàng hải; Tìm kiếm và cứu nạn Hàng hải; Bảo đảm an toàn hàng hải, trục vớt, cứu hộ; Hoa tiêu hàng hải đã được triển khai rộng khắp tại cảng biển và trên các vùng biển Việt Nam. Việc thành lập Tổng cục HHVN là bước đi cần thiết, phù hợp với quy mô phát triển và thực tế hoạt động, bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàng hải.    

4.4. Mô hình Tổng cục HHVN thúc đẩy kinh tế biển và kinh tế hàng hải phát triển

Việt Nam là quốc gia ven biển, việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển biển nhằm tận dụng lợi thế, khai thác tối đa tiềm năng của biển để phục vụ cho sự phát triển của đất nước là cần thiết khách quan, đã được Đảng và Chính phủ quan tâm triển khai thực hiện. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế hàng hải, đó là: Phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn tại vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng cho sự phát triển của cả nước; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Chiến lược cũng xác định các mục tiêu cơ bản và nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế hàng hải cũng như vai trò của kinh tế hàng hải trong kinh tế biển, xác định lấy kinh tế hàng hải làm yếu tố đột phá, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế biển. Mô hình tổ chức Tổng cục HHVN là cần thiết trong hoạt động quản lý để thúc đẩy kinh tế hàng hải và kinh tế biển cùng phát triển, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra.   

4.5. Mô hình Tổng cục HHVN bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế hàng hải trong nền kinh tế quốc dân

Ngành Hàng hải có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hàng hải nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung. Vận tải biển là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chở hàng với khối lượng lớn và hàng siêu trường siêu trọng. Thực tế cho thấy, trên 90% khối lượng hàng hóa lưu chuyển giữa các nước trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Vận tải biển cũng có tác động tích cực trong hoạt động du lịch, hàng năm có đến hàng triệu lượt người từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam du lịch bằng đường biển, góp phần giúp Việt Nam tiếp cận, giao lưu với các nền văn hóa thế giới và khu vực. GTVT - trong đó có giao thông hàng hải là mạch máu của mọi nền kinh tế. Để kinh tế phát triển, GTVT phải đi trước một bước. Trong suốt những năm qua, kinh tế hàng hải đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý nhà nước về hàng hải là cần thiết để chỉ đạo, quản lý phát triển kinh tế hàng hải, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế hàng hải trong nền kinh tế quốc dân. 

4.6. Mô hình Tổng cục HHVN thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng hàng hải thế giới

Hội nhập với khu vực và thế giới là xu hướng phổ biến của mọi nền kinh tế hiện nay. Hội nhập góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển của các nền kinh tế. Hàng hải là ngành có tính quốc tế hóa cao nên việc phát triển phải bảo đảm yêu cầu hội nhập với khu vực và quốc tế. Yêu cầu hội nhập phải được tính đến trong mọi lĩnh vực liên quan đến hoạt động hàng hải, trong đó hệ thống luật pháp hàng hải quốc gia phải phù hợp với các quy định, luật lệ quốc tế cũng như tích cực tham gia và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế về hàng hải, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường cũng như thủ tục hành chính tại cảng biển; đội ngũ thuyền viên phải được huấn luyện đáp ứng yêu cầu của Công ước STCW78/95. Hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển phải được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa về trang thiết bị xếp dỡ, quản lý hàng hóa trong cảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cập cầu của các loại tàu chuyên dụng, tàu container cỡ lớn. Đội tàu biển phải được trẻ hóa, hiện đại hóa và đa dạng về thành phần kết cấu đội tàu, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Hiệp hội các cơ quan quản lý hỗ trợ hàng hải và hải đăng quốc tế (IALA); Tổ chức Vệ tinh hàng hải quốc tế (INMARSAT); Diễn đàn các nhà lãnh đạo cơ quan hàng hải châu Á - Thái Bình Dương (APHoMSA); tham gia Thỏa thuận TOKYO về Kiểm tra Nhà nước cảng biển (TOKYO MOU) và Chương trình COSPAS-SARSAT. Việt Nam cũng đã gia nhập 20 Công ước và các Nghị định thư về hàng hải của IMO; ký kết 25 Hiệp định hàng hải với các quốc gia và 27 thỏa thuận về công nhận chứng chỉ chuyên môn thuyền viên theo công ước STCW 78/95.

Để thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên các tổ chức quốc tế cũng như triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế đã ký kết, gia nhập nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng hàng hải thế giới, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động, kinh doanh tại nước ngoài, cần phải có tổ chức quản lý nhà nước về hàng hải mạnh về nhân sự và hoàn thiện về cơ cấu tổ chức để thực hiện các yêu cầu hội nhập quốc tế nêu trên.  

4.7. Mô hình Tổng cục HHVN là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về mô hình tổ chức và khắc phục những bất cập, tồn tại của mô hình tổ chức hiện tại

Ngày 18/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó quy định: Mô hình tổ chức Tổng cục thuộc Bộ được thành lập để tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên sâu, ổn định và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, không phân cấp hoặc phân cấp hạn chế cho địa phương. Hàng hải là ngành mang tính quốc tế hóa cao, phạm vi quản lý rộng lớn, bao gồm tất cả các tỉnh, thành phố có hoạt động hàng hải, các vùng biển Việt Nam; đối tượng quản lý phức tạp gồm các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động hàng hải tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động hàng hải tại nước ngoài. Mặt khác, do tính chất đặc thù, chuyên sâu của ngành, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải không phân cấp cho địa phương mà tập trung vào các cơ quan trung ương như Bộ GTVT, Cục HHVN, Cảng vụ Hàng hải khu vực. Do vậy, việc thành lập Tổng cục HHVN là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về cơ cấu tổ chức.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức Tổng cục HHVN sẽ nâng cao vị trí, chức năng của tổ chức quản lý ngành, bổ sung đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải cũng như sắp xếp, cơ cấu lại các phòng tham mưu và các đơn vị trực thuộc phù hợp với thực tế hoạt động và tương xứng với các cơ quan quản lý ngành khác trong cả nước; khắc phục được những tồn tại, bất cập trong mô hình tổ chức cục quản lý ngành hiện nay, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Ngành.   

5. MÔ HÌNH ĐỀ XUẤT

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước theo yêu cầu nhiệm vụ mới, mô hình Tổng Cục HHVN trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở nâng cấp Cục HHVN như Hình 6.1, sẽ đáp ứng được các yêu cầu đề ra, nhằm đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy có khả năng bao trùm toàn bộ các lĩnh vực thuộc về quản lý nhà nước chuyên ngành trong phạm vi toàn quốc; có khả năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đã đề ra; có khả năng hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

hinh3
Hình 5.1: Sơ đồ cơ cấu tổ chức đề xuất cho Tổng cục Hàng hải Việt Nam

Hình 5.1: Sơ đồ cơ cấu tổ chức đề xuất cho Tổng cục Hàng hải Việt Nam                                                                 

Bài báo giới thiệu được bức tranh tổng thể về vai trò, tầm quan trọng của ngành Hàng hải đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, vai trò quản lý nhà nước của Cục HHVN. Đặc biệt, bài báo đi sâu phân tích, đánh giá về một số tồn tại, bất cập của mô hình cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng hải hiện nay.

Trên cơ sở những đánh giá, phân tích các ưu điểm, tồn tại, hạn chế, bài viết đưa ra giải pháp nâng cấp Cục HHVN hiện nay thành Tổng cục HHVN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về hàng hải trong giai đoạn mới, thúc đẩy ngành Hàng hải phát triển, bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GTVT, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, nâng cao vị thế của ngành HHVN trên trường quốc tế.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ luật HHVN.

[2]. Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

[3]. Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

[4]. Thông tư số 10/2013/TT-BGTVT ngày 8/5/2013 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

[5]. Chiến lược biển Việt Nam.

[6]. Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 của Bộ GTVT và Cục HHVN.

[7]. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

[8]. Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực Hàng hải giai đoạn đến năm 2020.

[9]. Port Reform Toolkit 2nd edition, World bank.

[10]. Bộ GTVT, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA (2010), Nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững GTVT Việt Nam, Báo cáo chuyên ngành Cảng và Vận tải biển.

[11]. http://www.cangvuhaiphong.gov.vn.

[12]. http://www.mt.gov.vn.

[13]. http://www.vinamarine.gov.vn.

[14]. http://www.vpa.org.vn.

[15]. http://lpi.worldbank.org.

Ý kiến của bạn

Bình luận