Nghiên cứu thử nghiệm vật liệu chống thấm dạng lỏng thẩm thấu ứng dụng cho mặt cầu bê tông xi măng

04/08/2015 04:14

Bài báo là một phần kết quả của đề tài nghiên cứu mã số DT144012, trình bày các kết quả so sánh, đánh giá ảnh hưởng của 3 mẫu vật liệu chống thấm VGT Seal+ S1, S2, S3 do đề tài sản xuất và 2 mẫu vật liệu chống thấm Crystal Lok, Radcon#7 do nước ngoài cung cấp đang được dùng phổ biến ở Việt Nam, đến tính chất mẫu bê tông mác 30MPa sử dụng cho bản mặt cầu.

ThS. Nguyễn Tuấn Hiển

Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải

ThS. Phạm Thị  Vinh Lanh

Trường Cao đẳng Xây dựng số 1

ª ThS. Tống Tôn Kiên

Trường Đại học Xây dựng

Người phản biện:

TS. Hoàng Vĩnh Long

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Phát

Tóm tắt: Bài báo là một phần kết quả của đề tài nghiên cứu mã số DT144012, trình bày các kết quả so sánh, đánh giá ảnh hưởng của 3 mẫu vật liệu chống thấm VGT Seal+ S1, S2, S3 do đề tài sản xuất và 2 mẫu vật liệu chống thấm Crystal Lok, Radcon#7 do nước ngoài cung cấp đang được dùng phổ biến ở Việt Nam, đến tính chất mẫu bê tông mác 30MPa sử dụng cho bản mặt cầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng vật liệu do đề tài sản xuất tương đương với các vật liệu ngoại nhập. Mẫu bê tông được xử lý bằng vật liệu chống thấm có độ hút nước mao quản và độ thấm iôn clo giảm tương ứng trên 60% và hơn 35%, tăng khả năng chống thấm nước lên 4÷6 atm; nhưng lại không ảnh hưởng lớn đến khả năng dính bám giữa lớp bê tông đã xử lý bằng vật liệu chống thấm với lớp phủ bê tông nhựa.

Từ khóa: Vật liệu chống thấm, hydrosol silic, VGT Seal+; Radcon#7; Crystal Lok.

Abstract: This article is a part of the results of research projects code DT144012, presents the results of comparison effects of three produced waterproofing materials VGT Seal+ S1, S2, S3 by the project and two imported waterproofing materials Crystal Lok, Radcon#7 used in Vietnam, to 30MPa concrete properties applications for bridge deck. Results showed that, quality of produced waterproofing materials are equivalent with imported waterproofing materials. The water absorption and chloride permeability of treated concrete decreased more than 60% and 35%, waterproof increase to 4 ÷ 6 atm; but not greatly affect the ability to bond between the treated concrete layer with waterproofing materials and asphalt concrete layer.

Keywords: Waterproofing Materials, hydrosol silica, VGTSeal+, Radcon # 7, Crystal Lok.

1. Giới thiệu

Như chúng ta đã biết, bê tông là loại vật liệu xây dựng nhân tạo được dùng nhiều nhất trên thế giới. Nó kháng nước khá tốt và là vật liệu dễ tạo hình các kết cấu xây dựng  với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau. Mặc dù bê tông có cường độ cao, độ đặc chắc lớn, nhưng ngay cả với các loại bê tông chất lượng cao thì trong cấu tạo bê tông vẫn chứa nhiều lỗ rỗng mao quản [4]. Do trong quá trình thủy hóa và rắn chắc, nước bốc hơi sẽ để lại hàng triệu bọng rỗng và ống khí trong bê tông. Ngoài ra, tại các vùng giao diện chuyển tiếp, giữa lớp đá xi măng và bề mặt các hạt cốt liệu, lại có khuynh hướng bị nứt trong quá trình rắn chắc của bê tông do sự co ngót, sốc nhiệt và các tải trọng bên ngoài. Những vi vết nứt xuất hiện tại vùng này thường có kích thước lớn hơn kích thước các lỗ rỗng mao quản trong bê tông. Hệ thống các lỗ rỗng và các vi vết nứt trong cấu trúc bê tông sẽ làm tăng độ xốp của cấu trúc bê tông, cho phép không khí và nước xâm nhập vào khối bê tông đã rắn chắc. Điều này sẽ dẫn đến sự ăn mòn cốt thép và các hư hại khác cho bê tông, do các tác nhân xâm thực như: Nước mưa, nước nhiễm muối và hóa chất, dẫn đến làm suy giảm cường độ và gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến độ bền của kết cấu bê tông và bê tông cốt thép chịu lực.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây, diện tích mặt cầu bê tông xi măng ở nước ta ngày càng tăng, do hệ thống cầu cạn và đường trên cao đang chiếm ưu thế trong các phương án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại các đô thị hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, sự dao động nhiệt độ lớn, thường gây nên những hiện tượng co ngót, giãn nở, dẫn đến làm nứt và phá hủy bề mặt cũng như cấu trúc vật liệu bê tông, tạo điều kiện cho nước xâm nhập vào bên trong cấu trúc bê tông mang theo những tác nhân gây ăn mòn bê tông và cốt thép [5]. Điều này không những ảnh hưởng đến mỹ quan, độ bền, tuổi thọ sử dụng của các kết cấu cầu, mà còn là một nguy cơ ảnh hưởng đến ATGT. Những hư hỏng này không ngừng phát triển, gây gánh nặng lớn về kinh phí duy tu bảo dưỡng và sửa chữa cho nền kinh tế. Từ thực tế đó, việc nghiên cứu chế tạo và lựa chọn sử dụng hệ thống chống thấm cho bản mặt cầu bê tông xi măng là rất cần thiết.

Trên thế giới, có hai dạng hệ thống chống thấm thường sử dụng cho bản mặt cầu là: Dạng tấm hoặc dạng lỏng thẩm thấu. Vật liệu chống thấm dạng tấm có khả năng che phủ các vết nứt và chống thấm cao. Tuy nhiên, tấm trải cũng có thể tồn tại các khuyết tật trong quá trình sản xuất hoặc bị rách thủng trong quá trình thi công, mối nối giữa các tấm và giữa tấm trải với bề mặt bê tông có thể không đảm bảo do chất lượng quá trình thi công. Điều này dẫn đến nước có thể chảy xuống bề mặt tiếp giáp giữa lớp bê tông và tấm trải, khi đó chính tấm trải là màng ngăn cản sự bay hơi của nước, gây ra hiện tượng bong rộp, hay bị dồn lớp bê tông nhựa bên trên [5]. Hiện nay ở Việt Nam, một số vật liệu lỏng thẩm thấu do nước ngoài cung cấp đã và đang được sử dụng khá phổ biến. Thành phần chính của các loại vật liệu này thường có nguồn gốc là các hợp chất vô cơ (dung dịch hydro silicát) hoặc hữu cơ. Cơ chế chống thấm trong bê tông xi măng của các hợp chất gốc hydro silicat chủ yếu dựa vào phản ứng giữa chất chống thấm với Ca(OH)2, có sẵn trong bê tông do quá trình thủy hóa của xi măng, tạo thành gel C-S-H hoặc các sản phẩm muối cacbonat [2, 3]. Các sản phẩm này được hình thành sẽ lắng đọng trong các vi vết nứt và trong các lỗ rỗng mao quản của bê tông tạo nên hiệu quả chống thấm nước cho các vật liệu này. Bên cạnh đó, lượng chất chống thấm không phản ứng hết sẽ nằm lại trong vật liệu, tạo thành keo khi mất nước. Khác với sản phẩm C-S-H được hình thành bền vững, keo này có thể hòa tan trở lại khi tiếp xúc với nước. Nếu vi nứt mới trong bê tông hình thành và nước thấm vào sẽ hòa tan chất keo này. Theo dòng thấm, chất chống thấm sẽ dịch chuyển đến vết vi nứt mới và tác dụng với Ca(OH)2 tại các vùng lân cận vết nứt, tạo các sản phẩm cacbonat và gel C-S-H thứ cấp, lấp đầy vào vi vết nứt mới [3].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung nghiên cứu thử nghiệm sự ảnh hưởng của các chất chống thấm VGT Seal+ trên cơ sở vật liệu nền là dung dịch hydrosol silica hoạt hóa đến các tính chất của mẫu bê tông mác 30MPa, đang sử dụng phổ biến cho kết cấu mặt cầu bê tông xi măng [5]. Các kết quả về độ hút nước mao quản, độ chống thấm nước, độ thấm iôn clo và khả năng bám dính với lớp bê tông nhựa được đánh giá và so sánh với 2 loại vật liệu chống thấm lỏng ngoại nhập (Crystal Lok và Radcon #7) [9, 10], đang dùng phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

2. Vật liệu sử dụng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Các loại vật liệu chống thấm dạng lỏng thẩm thấu

Các loại vật liệu chống thấm dạng lỏng thẩm thấu có cùng gốc silicat hoạt hóa được nghiên cứu bao gồm: 3 loại do đề tài DT144012 chế tạo là VGTSeal S1, S2, S3 [5]; 2 loại vật liệu chống thấm ngoại nhập là Crystall Lok (CL) của Mỹ sản xuất và Radcon Fomular #7 (R7) do Radcrele Pacific Ply. Ltd.- Australia sản xuất. Các tính chất cơ bản và hàm lượng sử dụng trong nghiên cứu được nêu ở Bảng 2.1.

Bảng 2.1. Tính chất cơ bản và hàm lượng sử dụng của các vật liệu chống thấm

b21
 

 

2.2. Thành phần vật liệu bê tông sử dụng

Các vật liệu chế tạo bê tông gồm: Xi măng PCB30 Hoàng Thạch, cát vàng sông Lô, đá dăm Phủ Lý 1x2 và nước sinh hoạt, tính chất cơ bản của các loại vật liệu đều thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn Việt Nam. Thành phần cấp phối và tính chất của bê tông mác 30MPa nghiên cứu được giới thiệu ở Bảng 2.2

Bảng 2.2. Thành phần và tính chất cơ bản của bê tông thử nghiệm

b22
 

 

2.3. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Phương pháp chuẩn bị mẫu bê tông sử dụng vật liệu chống thấm

Các mẫu bê tông sau khi được chế tạo và bảo dưỡng theo TCVN 3105: 1993 đến 28 ngày, được làm khô bằng cách sấy ở nhiệt độ 105±5oC trong 24 giờ. Sau khi mẫu nguội, chọn và làm sạch bề mặt mẫu bê tông, tiến hành xử lý bề mặt bằng các loại dung dịch chống thấm khác nhau theo định mức và quy trình cụ thể như sau:

- Đối với dung dịch Crystal Lok: Dùng bình phun bơm tay phun với định mức là: 0,16 lít/m2; chia làm 2 lần với mức 0,08 lít/m2/lượt, mỗi lượt phun cách nhau 30 phút. Sau 4 - 6 giờ kể từ khi phun xử lý, tiến hành phun hoặc tưới nước đẫm lên bề mặt bê tông. Lặp lại mỗi ngày một lần trong vòng 3 ngày tiếp theo. Các mẫu được xử lý bề mặt bằng dung dịch Crystal Lok được kí hiệu là M30-CL.

- Đối với dung dịch Radcon#7 và dung dịch VGT Seal+ S1, S2, S3: Dùng bình phun bơm tay phun với  định mức là 0,2 lít/m2; chia làm 2 lượt với mức 0,1 lít/m2/lượt. Phun lớp thứ nhất lên mặt bê tông sạch và khô. Chờ bề mặt đã xử lý khô (sau 2 - 3 giờ, sờ tay không dính), tiếp tục phun sương nước ướt đều lên mặt mẫu. Chờ mặt mẫu khô thì phun tiếp lớp thứ 2 và lại để chờ cho bề mặt mẫu khô, lặp lại 3 lần phun nước và chờ khô, lần cuối tiến hành phun đẫm nước. Lặp lại chu kỳ phun đẫm nước, mỗi ngày một lần trong vòng 3 ngày tiếp theo. Các mẫu được xử lý bề mặt bằng dung dịch Radcon#7 và dung dịch VGTSeal S1, S2, S3 được kí hiệu tương ứng là M30-R7; M30-S1; M30-S2; M30-S3.

Đối với các mẫu bê tông không được xử lý bề mặt bằng vật liệu chống thấm được kí hiệu là M30-ĐC.

2.3.2. Phương pháp xác định tính chất của mẫu bê tông

Các mẫu bê tông sau khi được xử lý chống thấm, được xác định khả năng hút nước và hệ số hút nước mao quản trên 3 mẫu lập phương 15x15x15cm, dựa theo tiêu chuẩn ASTM C 1585-13 [1], sơ đồ thí nghiệm như Hình 2.1. Mẫu sau khi được xử lý bằng các loại vật liệu chống thấm sẽ được sơn epoxy xung quanh, đảm bảo cho nước chỉ được hút một chiều từ dưới lên trên qua lớp bê tông đã xử lý. Độ hút nước mao quản (it) được xác định ở các thời điểm ngâm mẫu khác nhau theo công thức:

 

ct
 

 

Trong đó: m0 - Khối lượng mẫu sau khi xử lý chống thấm và sơn epoxy xung quanh (g); mt - Khối lượng mẫu sau khi ngâm nước ở các thời điểm t=5, 10, 20, 30 phút và 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 23, 24 giờ (g); A - Diện tích mặt mẫu (mm2); d - Khối lượng riêng của nước (0,001 g/mm3). Hệ số hút nước (S) chính là hệ số của đường thẳng gần đúng biểu thị quan hệ giữa it và giây0,5.

h21
Hình 2.1: Sơ đồ thí nghiệm xác định độ hút nước mao quan và hệ số hút nước của bê tông

Khả năng chống thấm nước được xác định trên 6 mẫu hình trụ dxh=15x15cm, theo TCVN 3116:1993 [6]. Khả năng thấm ion clo được xác định trên các mẫu trụ dxh=10x5cm được cắt ra từ mẫu trụ dxh=10x20cm và xử lý chống thấm cho  mặt tiếp xúc với dung dịch NaCl. Quá trình thí nghiệm được thực hiện theo TCVN 9337: 2012 [7], phù hợp với tiêu chuẩn ASTM C1202: 2005 (Hình 2.2). Để đánh giá khả năng bám dính giữa bề mặt bê tông đã được xử lý chống thấm với lớp bê tông nhựa asphalt, các tấm bê tông có kích thước 500x400x100mm được chế tạo và xử lý chống thấm tại phòng thí nghiệm; lớp nhựa bám dính và lớp bê tông nhựa được thi công trực tiếp tại công trường. Cường độ bám dính được thí nghiệm dựa theo TCVN 9349: 2012 [8] phù hợp với tiêu chuẩn ASTM 952: 1991 (Hình 2.3).

 

h22 23
Hình 3.1: Biểu đồ kết quả thí nghiệm độ hút nước mao quản của mẫu bê tông

3. Kết quả và bàn luận

3.1. Khả năng hút nước mao quản

Kết quả thí nghiệm độ hút nước mao quản của các mẫu bê tông có và không có xử lý chống thấm được nêu trên Hình 3.1. Các kết quả biểu diễn là giá trị trung bình của 3 mẫu bê tông hình lập phương 15x15x15cm. 

Độ hút nước mao quản của các mẫu bê tông đều tăng theo thời gian ngâm mẫu và phụ thuộc tuyến tính với căn bậc hai của thời gian (giây0,5(Hình 3.1a). Độ hút nước mao quản của các mẫu bê tông đã xử lý chống thấm có tốc độ hút nước rất chậm, tương đối đều nhau và thấp hơn nhiều so với mẫu bê tông đối chứng (M30-ĐC) không được xử lý chống thấm, đặc biệt trong khoảng 60 phút đầu ngâm mẫu, nhưng sau đó tăng chậm. Sau 60 phút đầu ngâm nước, mẫu bê tông M30-ĐC có độ hút nước 2,14 mm3/mm2, đạt tới 53% so với độ hút nước sau 24 giờ, trong khi đó các mẫu bê tông đã xử lý chống thấm (M30-S1, M30-S2, M30-S3, M30-CL và M30-R7) chỉ đạt 0,41-0,61 mm3/mm2, đạt khoảng 27 - 40% so với độ hút nước sau 24 giờ (Hình 3.1b). Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu độ hút nước mao quản của vật liệu bê tông xi măng [1].

h31
Hình 3.1: Biểu đồ kết quả thí nghiệm độ hút nước mao quản của mẫu bê tông

Độ hút nước mao quản sau 24 giờ và hệ số hút nước của các mẫu bê tông đã xử lý chống thấm cũng thấp hơn nhiều so với mẫu bê tông không được xử lý chống thấm (Hình 3.1c, d). Khi bê tông được xử lý bằng vật liệu chống thấm thì độ hút nước mao quản sau 24h giảm mạnh từ 61-71% so với mẫu bê tông không được xử lý chống thấm. Mẫu M30-R7 giảm mạnh nhất tới 71,0% sau đó đến mẫu M30-S2 giảm 69,7% và giảm lần lượt là M30-S3, M30-CL và M30-S1 (Hình 3.1c). Điều này chứng tỏ hệ thống lỗ rỗng mao quản trong bê tông đã giảm mạnh. Ngoài ra, tốc độ hút nước mao quản của các mẫu bê tông được xử lý chống thấm luôn thấp hơn so với mẫu đối chứng, đặc biệt trong khoảng 6 giờ đầu ngâm mẫu. Hơn nữa, hệ số hút nước mao quản của mẫu bê tông M30-ĐC đạt tới 93,4´10-4 mm3/mm2.giây0,5, còn hệ số hút nước mao quản của các mẫu bê tông có xử lý chống thấm chỉ đạt 33,7÷52,010-4 mm3/mm2.giây0,5, giảm từ 44÷64%, trong đó hai mẫu M30-S2 và M30-S3 là giảm mạnh nhất và giảm nhiều hơn cả mẫu bê tông được xử lý bằng vật liệu chống thấm ngoại nhập (M30-CL và M30-R7) (Hình 3.1d). Điều này chứng tỏ kích thước của các mẫu bê tông đã xử lý bằng vật liệu chống thấm giảm đáng kể. Như vậy, việc sử dụng vật liệu chống thấm có thể đã thẩm thấu vào hệ thống lỗ rỗng mao quản trên bề mặt bê tông, trám kín các khe nứt, lấp đầy và làm giảm mạnh hàm lượng lỗ rỗng cũng như kích thước lỗ rỗng của bê tông, dẫn đến làm giảm rõ rệt độ hút nước mao quản của bê tông [3].

3.2. Khả năng chống thấm nước

Kết quả thí nghiệm khả năng chống thấm nước được tổng hợp ở Bảng 3.1

Bảng 3.1. Khả năng chống thấm nước của mẫu bê tông mác 30MPa có và không có xử lý vật liệu chống thấm

b31
 

Từ kết quả trên Bảng 3.1 cho thấy: Cấp chống thấm của các mẫu bê tông có phủ vật liệu chống thấm đã tăng lên từ 2 đến 3 cấp áp lực (4÷6 atm) so với mẫu bê tông đối chứng không sử dụng vật liệu chống thấm (B6). Vật liệu Radcon Formula #7 và VGTSeal+ S2, S3 có hiệu quả tăng khả năng chống thấm nước cho bê tông tương đương nhau và cao hơn hẳn 3 cấp so với mẫu M30-ĐC và 1 cấp (2 atm) so với mẫu bê tông được xử lý bằng dung dịch Crystal Lok và VGTSeal+S1. Điều này chứng tỏ khả năng hàn gắn và lấp kín các lỗ rỗng, vết nứt của vật liệu chống thấm trong bê tông là rất tốt, từ đó làm tăng khả năng chống thấm nước cho các mẫu bê tông.

3.3. Khả năng chống thấm ion clo

Thí nghiệm độ thấm iôn clo được xác định trên máy RLC Instrument Co. Kết quả tổng điện lượng truyền qua mẫu trong 6 giờ và mức độ thấm iôn clo của các mẫu bê tông được xác định theo TCVN 9337:2012 (Bảng 3.2).

Bảng 3.2. Khả năng thấm iôn clo của mẫu bê tông mác 30MPa có và không có xử lý vật liệu chống thấm

b32
 

Từ Bảng 3.2 ta thấy: Mức độ thấm iôn clo của các mẫu bê tông đã xử lý bằng các loại vật liệu chống thấm, đều thấp hơn so với mẫu đối chứng không được xử lý bằng vật liệu chống thấm, chuyển từ mức thấm trung bình xuống mức thấp. Khả năng ngăn cản thấm iôn clo của bê tông tăng gần gấp đôi. Điều này được thể hiện bằng tỷ lệ giảm độ thấm iôn clo của bê tông được xử lý chống thấm đạt từ 34,2÷56,3%. Mẫu bê tông sử dụng Crystal lok giảm lớn nhất tới 56,3%; mẫu bê tông sử dụng S1 giảm thấp nhất và đạt 34,2%; còn mẫu bê tông sử dụng S2, S3 và R7 có khả năng cản thấm ion clo xấp xỉ nhau (đạt trên 40%). Như vậy, hiệu quả ngăn cản thấm iôn clo của các mẫu bê tông được xử lý bằng vật liệu chống thấm do đề tài chế tạo, tương đương với vật liệu chống thấm ngoại nhập. Trong đó, VGTSeal+ S2 giảm cao nhất 49,2%.

3.4. Khả năng bám dính giữa bê tông xi măng đã xử lý chống thấm với lớp phủ bê tông nhựa

Thí nghiệm cường độ bám dính giữa bề mặt bê tông đã xử lý vật liệu chống thấm (VGTSeal+ S2, Crystal Lok, Radcon #7) với lớp phủ bê tông nhựa được xác định theo TCVN 9349:2012 (Hình 3.2).

123324
 

Từ kết quả cường độ bám dính ở trên Hình 3.3 ta thấy: Cường độ bám dính của các mẫu bê tông có phủ lớp vật liệu chống thấm so với mẫu đối chứng có sự chênh lệch là không lớn. Cụ thể ở mẫu bê tông M30-S2 và M30-R7 có cường độ bám dính còn cao hơn so với mẫu đối chứng tương ứng là 5% và 2%. Tuy nhiên, mẫu M30-CL lại có cường độ bám dính thấp hơn mẫu M30-ĐC là 5%. Điều này chứng tỏ, khi bê tông phủ lớp vật liệu chống thấm gần như không ảnh hưởng đáng kể đến tính bám dính giữa lớp bê tông xi măng với lớp phủ bê tông nhựa.

4. Kết luận và kiến nghị

Qua các kết quả nghiên cứu có thể rút ra một số kết luận sau:

- Việc sử dụng các loại vật liệu chống thấm dạng lỏng thẩm thấu đã có hiệu quả rõ rệt trong việc làm trám vá lại các lỗ rỗng và khe nứt. Vật liệu chống thấm đã thấm sâu vào bê tông, làm giảm kích thước lỗ rỗng hoặc có thể bịt kín các lỗ rỗng lại. Do đó, giúp bề mặt bê tông được đặc chắc hơn, ngăn cản sự thấm hút nước, tăng tính chống thấm nước và chống thấm iôn clo cho kết cấu công trình sử dụng bê tông.

- Việc xử lý bề mặt bê tông xi măng bằng các loại vật liệu chống thấm, gần như không làm ảnh hưởng đáng kể đến cường độ bám dính giữa lớp bê tông với lớp phủ bê tông nhựa.

- Hiệu quả chống thấm của 3 mẫu vật liệu chống thấm VGT Seal+ do đề tài DT144012 chế tạo, đạt tương đương với các vật liệu ngoại nhập.

Tài liệu tham khảo

[1]. Astm C1585_13 (2013), Standard Test Method for Measurement of Rate of Absorption of Water by Hydraulic-Cement Concretes (ASTM International, West Conshohocken, PA).

[2]. Jiang Zhengwu, et al. (2014), Self-healing of Cracks in Concrete with Various Crystalline Mineral Additives in Underground Environment, Journal of Wuhan University of Technology-Mater.  Sci. Ed. , Vol. 29(5):938-944.

[3]. Kagi D.A.& Ren K. B. (1995), Reduction of Water Absorption in Silicate Treated Concrete by Post-Treatment with Cationic Surfactants, Building and Environment, Vol. 30(2):237-243.

[4]. Neville A.M (1996), Properties of concrete (New York: Wiley), 4th edition Ed.

[5]. Nguyễn Tuấn Hiển (2015), Nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vật liệu chống thấm dạng lỏng ứng dụng cho mặt cầu BTXM ở Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ (Viện KHCN GTVT): Pp. 80.

[6]. TCVN 3116 (1993) Bê tông nặng - Phương pháp xác định độ chống thấm nước (Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam), Bộ Khoa học và Công nghệ.

[7]. TCVN 9337 (2012), Bê tông nặng - xác định độ thấm ion clo bằng phương pháp đo điện lượng (Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam), Bộ Khoa học và Công nghệ.

[8]. TCVN 9349 (2012), Lớp phủ mặt kết cấu xây dựng - Phương pháp kéo đứt thử độ bám dính nền (Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam) Bộ Khoa học và Công nghệ.

[9]. www.Crystallok.Com (Accessed 2014).

[10]. www.Radcrete.Com.Au/Product/Radcon-Formula-7 (Accessed 2014).

Ý kiến của bạn

Bình luận