Ngày xuân bàn việc làm giàu của doanh nhân

Doanh nhân 23/02/2015 14:21

Năm Giáp Ngọ đi qua, để lại trong tâm trí chúng ta một ấn tượng đặc biệt. Khí thế hào hùng bảo vệ đất nước trước nguy cơ ngoại bang xâm lược của cộng đồng dân Việt ở trong nước và khắp năm châu, tinh thần yêu nước của đồng bào làm cho bạn bè thán phục.



Một ý chí kiên quyết, một cuộc “tổng duyệt”, “bài binh bố trận” chiến lược, chiến thuật từ ngoại giao đến trực tiếp đối mặt, từ quản lý ổn định kinh tế vĩ mô đến đảm bảo cung cấp tinh thần và vật chất cho an ninh quốc phòng… từ xúc tiến thương mại, đến đầu tư xây dưng cở sở hạ tầng…, từ tuyên truyền đến hành động, tất cả, tất cả đều rất bài bản lớp lang, người nào việc ấy triển khai nhịp nhàng, đồng điệu… Và cuối cùng chúng ta đã có những thắng lợi đáng ghi vào lịch sử trong thời kỳ đổi mới hội nhập quốc tế và bảo vệ tổ quốc.
Riêng về kinh tế, có thể nói năm 2014 kết thúc với sự “thở phào” nhẹ nhõm của các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Tỷ lệ lạm phát thấp chưa từng có trong hàng chục năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, ngành Tài chính Ngân hàng đã cầm cương điều khiển được “con ngựa bất kham” của mình; thị trường bất động sản dần chuyển động theo xu hướng chủ động tích cực có kiểm soát… cho dù “khu dân cư quy hoạch trồng cỏ nuôi bò” vẫn còn đây đó. Công trình giao thông khởi công không ít, khánh thành nhiều đưa vào sử dụng, đem lại lợi ích có thể cảm nhận được cho nền kinh tế. Dù còn nhiều doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, nhưng cũng không thiếu doanh nghiệp trở lại hoạt động, hơn thế nữa số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng cao hơn số doanh nghiệp phải giải thể. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp “khủng” nhanh chóng xây dựng và đi vào hoạt động.

Trong sảnh các ngân hàng đông đảo kẻ rút người gửi, kẻ chuyển người vay tiền…, không còn cảnh “Chùa bà Đanh” như cuối năm 2012, năm 2013”.
Có thể nói, kết thúc năm 2014, toàn cảnh kinh tế Việt Nam là bức tranh nhiều màu sắc với “độ đesiben niềm tin” khá sáng sủa.

Doanh nhân đã nghiêm khắc với việc đầu tư tràn lan, gặp đâu làm đó “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, dẫn đến thua lỗ phá sản… Dự án đầu tư được lựa chọn, sắp xếp lại, có trọng điểm, mạnh dạn cắt bỏ những hậu quả sai lầm thiếu sót của quá khứ…

Người dân từ công nhân lao động đến người giàu… cũng quen dần với việc chi tiêu theo bài bản, mua cái thật cần sài, không chạy theo danh tiếng hão. Kiểu chi tiền vung vãi “công tử Bạc Liêu” mua xe sang, đám cưới khủng, nhà cửa, cây cảnh nhất nước, nhất vùng… đã từ từ biến mất.

Tóm lại, một kinh tế lành mạnh, từ quản trị đến kinh doanh, từ chi tiêu đến đầu tư đã bắt đầu được xác lập. Việc quản lý bằng luật pháp của Nhà nước, tính tự giác của doanh nghiệp, người dân đã đang được hình thành, đó là khởi điểm cho một sự phát triển bền vững đất nước.

Mùa xuân này cho phép chúng ta lạc quan, kỳ vọng!

Song, để kỳ vọng biến thành sự thực nhanh chóng theo mong muốn cần phải làm nhiều việc trong những ngày tháng tới…
Trong bài viết này, tác giả chỉ xin nói ngắn gọn ở phạm vi kinh tế mà tập trung ở hai mảng: Nhà nước và doanh nhân.
Đối với Nhà nước, điều quan trọng nhất là tiếp tục tìm ra các “nút” nghẹn, thắt để loại bỏ; như việc loại bỏ các thủ tục trong hải quan, nộp thuế, đăng ký doanh nghiệp đã làm vừa qua.

Những “nút thắt” hiện nay ở các địa phương vẫn còn, nằm ở cấp tỉnh, cấp huyện thậm chí ở một số đơn vị thực thi công việc, hoặc ngân hàng, doanh nghiệp… Có những “nút” không quy định bằng văn bản, nhưng khi đến làm việc, nhân viên vẫn đòi hỏi cái này cái khác để “hành” dân.

tran do liem

Để thực hành quyền Hiến định, dân được làm những việc Nhà nước không cấm, để tránh đặt ra những văn bản của các cấp ban hành, làm “dễ cho mình, khó dễ cho doanh nghiệp, người dân”, Nhà nước cần có luật riêng cấm và xử lý các cơ quan các cấp chính quyền ban hành các văn bản cản trở hoặc đòi hỏi doanh nghiệp hay người dân làm khổ, làm tốn kém trong việc sinh sống và sản xuất kinh doanh…

Đặc biệt cần có cuộc tổng ra soát, bãi bỏ các văn bản pháp quy trái với Hiến pháp, luật pháp mới ban hành.
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư có trọng điểm vào các công trình hạ tầng cần thiết cấp bách. Đặc biệt làm sao chỉ đầu tư công trình trọng điểm trong thời gian ngắn và trung hạn, đồng bộ có mức kinh phí vừa đủ để sớm kết thúc xây dựng, đưa vào sử dụng, sớm thu hồi vốn (như đã làm 2 năm 2013 – 2014) tạo ra thu nhập góp phần tăng trưởng GDP.

Đặc biệt, việc điều hành chính sách tài chính, ngân hàng cần tiếp tục nhuần nhuyễn, liên tục không giật cục, không buông lỏng trong bất kỳ thời gian nào, hình thành thị trường lãi suất ổn định, dài hạn, tăng nguồn vốn cho vay trung và dài hạn… để từ đó doanh nghiệp mới có kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư quy mô lớn sản phẩm chất lượng kỹ thuật cao (thời gian qua với lãi suất cao, thời hạn cho vay ngắn thì chỉ những doanh nghiệp buôn chuyến là có lợi nhuận).
Vấn đề rất quan trọng cần làm tích cực là phòng, chống, trừng trị nghiêm khắc buôn lậu qua biên giới, vì ngoài ảnh hường đến thu thuế còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, điều tiết thị trường và an ninh quốc gia.

Việc thu thuế các hộ sản xuất kinh doanh, sản xuất cá thể… cần làm tích cực hơn để đảm bảo nguồn thu nhà nước, vừa đảm bảo công bằng xã hội, lại khuyên khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cùng với định hướng cần triển khai ngay việc ưu tiên phát triển ngành nghề trọng điểm quốc gia cho các thành phần kinh tế trong nước phát triển mạnh, đồng đều, ngành nghề sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu đặc biệt nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu… Cần có các chính sách ưu tiên công bằng cho các thành phần kinh tế sử dụng nguồn lực quốc gia như: Tài nguyên, khoáng sản, đất đai, vốn tài chính, ngoại tệ, lãi xuất… Làm sao cho các thành phần kinh tế trong nước đều có thể tiếp cận ngang nhau đối với nguồn nhân lực.

Đối với nhóm doanh nghiệp là ngân hàng cần phải tự làm mới mình từ ý thức; chủ động, kiên quyết tách khỏi sự cám dỗ của bất động sản, không để bị nó điều khiển, lôi kéo, sở hữu chéo, sa lầy…

Cần tách riêng để sao cho mình với tư cách nhà đầu tư tài chính độc lập đối với bất động sản, từ đó mới có thể tỉnh táo giám sát điều chuyển nguồn vốn của mình cho các doanh nghiệp bất động sản. Có như vậy, mới tạo ra hiệu quả đầu tư cho mình với tư cách nhà đầu tư tài chính và giúp các doanh nghiệp bất động sản, cũng là lo cho mình phát triển bền vững. Ngân hàng phải chủ động tạo ra thị trường lành mạnh.

Ngân hàng tự thân cũng là doanh nghiệp, nếu huy động lãi suất thấp thì đầu ra mới cho vay thấp được. Nếu đầu cấp vốn chỉ từ người dân gửi tiết kiệm (đa số gửi ngắn hạn) với lãi suất càng cao càng tốt, thì ngân hàng không thể có đầu ra cho doanh nghiệp vay với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi.

Vì vậy, việc “cấp vốn” của nhà nước cho các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp thời gian trung và dài hạn là yếu tố bắt buộc phải có để từ đó chỉ đạo của ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh, vay đầu tư dài hạn.

Cái thời tìm kiếm siêu lợi nhuận “tay không bắt giặc”, “sau một đêm trở thành tỷ phú” “chạy được một dự án là giầu” sẽ không còn nữa. Quản lý bài bản, đầu tư chiến lược lâu dài, với những kế hoạch phát triển có tính toán phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, sự liên kết, kết nối giữa các khâu từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, giới thiệu, bán hàng, xuất khẩu, thanh quyết toán (liên kết giữa các nhà với nhau…) đã không chỉ là xu thế của thời đại công nghệ internet, thời đại toàn cầu hóa mà các nước họ đã làm lâu rồi.
Tư duy “đèn nhà ai nhà ấy rạng” làm đến đâu tính đến đấy, không xây dựng thương hiệu, không nghiên cứu mở rộng thị trường… theo kiểu cũ không còn đất phát triển cho những doanh nhân hiện đại.

Ngoại trừ một số ít doanh nhân, doanh nghiệp có “thu hoạch khủng” trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế nhờ một số “lỗ hổng” tạo ra, có “mớ vốn lận lưng khá lớn”, trực tiếp đầu tư dài hạn nhà máy, bất động sản tạo ra cơ sở lớn để sản xuất sản phẩm cạnh tranh… Còn lại, hầu hết các ông chủ doanh nghiệp, kể cả nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong nước muốn mở rộng quy mô vừa và lớn để sản xuất kinh doanh thì đều thiếu vốn trung, dài hạn, lãi suất ổn định để đầu tư.

Khi cạnh tranh giá thành sản phầm, các doanh nghiệp trong nước luôn thua các doanh nghiệp nước ngoài là vốn vay đầu tư nhà xưởng… với lãi suất cao, có khi rất cao.
Nếu không được Nhà nước có chính sách “bảo lãnh”, đầu tư gián tiếp hay trực tiếp về vốn thì không có doanh nghiệp ngoài quốc doanh nào có thể vay vốn đầu tư quy mô vừa và lớn sản xuất dài như đã nói ở trên.

Cần phải có luật sử dụng bình đẳng tài nguyên quốc gia (tài nguyên thiên nhiên, vốn tài chính, khoáng sản, nguồn nhân lực…) trong các thành phần kinh tế trong nước là điều không thể chậm trễ nếu muốn cất cánh nền kinh tế.

Đón xuân mới Ất Mùi không chỉ có tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế đất nước đã được đặt vào đường ray mà còn được Quốc hội tiếp sức, đó là thông qua sửa đổi nhiều bộ luật rất có giá trị thực tiễn như: Luật Chi tiêu công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai… Hai công ước quốc tế…, đó là những bộ luật với những điều khoản rất tự do, tiến bộ, đảm bảo quyền con người như Hiến pháp đã ghi nhận…

Vùng đất cho tiêu cực nhũng nhiễu, tham nhũng đang được thu hẹp, những từ ngữ cửa miệng như “xin”, “cho”, “nhờ cậy”, “giúp đỡ”… sẽ dần rời khỏi cuộc sống và mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với những người làm quản lý nhà nước. Thay vào đó là “việc này không cấm, cứ làm”, “nghĩa vụ này với Nhà nước phải thực hiện”, “nhiệm vụ này của ông, bà phải làm cho tôi” nếu không tôi sẽ kiện ra tòa án… và “cảm ơn”,  “không có gì”…

Cùng với mùa xuân Ất Mùi (Dương Hội Ngạn), con dê về đồng cỏ bờ suối… thì cuộc sống sẽ dễ hơn. Ngoài ra, còn nhiều cơ hội lớn cho một cuộc bùng nổ kinh tế ở nước ta bởi vì nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương (Việt – Hàn), đa phương được ký kết (Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên minh thuế quan); xa hơn thì tới TPP, ASEAN thành cộng đồng… cộng với kinh tế thế giới dần ổn định.

Mùa xuân, thiên địa nhân giao hòa, thời tiết đất trời tăng năng lượng làm hoa lá cỏ cây sinh sôi nẩy nở, cho con người thêm sung lực, khí thế mạnh mẽ vươn lên. Cầu chúc và mong muốn năm 2015 là năm có đột phá lớn cho tăng trưởng kinh tế cao, văn hóa xã hội phát triển, kết thúc thêm một kế hoạch 5 năm nhiều thành công ngoạn mục 

Trần Đỗ Liêm  
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang

Ý kiến của bạn

Bình luận