Ngành logistic Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Xã hội 06/10/2014 12:51

Sáng nay (6/10) , Trường Đại học Giao GTVT tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế quản trị logistic và chuỗi cung ứng – hợp tác và tích hợp. Hội thảo có sự góp mặt của GS. TS. Hans – Christian Pfohl – Đại học Công nghệ Darsmstadt (Cộng hòa Liên bang Đức) và PGS. TS Hanno Fiedric – Công ty McKinsey & Company.


Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế quản trị logistic và chuỗi cung ứng- hợp tác và tích hợp

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế quản trị logistic và chuỗi cung ứng- hợp tác và tích hợp

Tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Vịnh – Trường Đại học GTVT đã có bài phát biểu khai mạc Hội thảo. Theo ông, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh của các nền kinh tế, vấn đề logistic ngày càng được quan tâm để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của kinh tế toàn cầu, vai trò của logistic và quản trị chuỗi cung ứng trong phát triển kinh tế xã hôi, đặc biệt là nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trường Đại học GTVT là một trong những trường đại học lớn ở Việt Nam, với nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành GTVT, vì thế tầm quan trong của đào tạo đội ngũ nhân lực logistic cho ngành GTVT là vấn đề cấp thiết để phát triển và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết, nhà trường đang thực hiện chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho nhiều giảng viên, đồng thời  cập nhật, bổ sung tài liệu, bài giảng trong lĩnh vực mới mẻ này để sớm đưa vào chương trình đào tạo của trường.

Nằm trong chương trình đào tạo nhân lực,  sự hợp tác giữa Trường Đại học GTVT cùng với sự hỗ trợ của Đại học Kỹ thuât Damstadt, đây là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu 2 nước cùng thảo luận, trao đổi những vấn đề khoa học về logistic và chuỗi quản trị cung ứng nhằm với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, GS. TS Hans – Christian Pfohl – chuyên gia đầu ngành logistic và quản trị chuỗi cung ứng đã cũng cấp những thông tin quan trọng về sự ảnh hưởng của logistic và học thuyết phát triển bền vững không chỉ đối với nền kinh tế mà còn tới môi trường và xã hội. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam, với ngành xuất nhập khẩu đạt gần 290 tỉ USD có sự thay đổi về tư duy nhận thức của con người để Việt Nam bắt kịp với các nước phát triển trên thế giới về lĩnh vực còn mới lạ này.

Còn theo ông Trần Hữu Minh, Trường Đại học GTVT, chuỗi cung ứng của Việt Nam còn thiếu một số nhân tố quan trọng như trung tâm phân phối đủ lớn để phân chia hàng hóa ra thị trường, sự thiếu vắng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân, giá cả leo thang trên thị trường và chi phí vận chuyển cao. Ông Minh  đưa ra nhận định, nếu giải quyết được những bài toán đó, cùng với tiềm năng lớn lao của mình, Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, tiến ra thị trường châu Âu và châu Mỹ.

Đồng tình với quan điểm của các nhà khoa học, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp Trường Đại học GTVT nhấn mạnh thêm, ngành logistic của Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa và sẽ tạo ra nguồn thu nhập khổng lồ cho đất nước. Cùng với sự gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ngành vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng sẽ cần phải chủ động thay đổi và nâng cao khả năng cạnh tranh để kịp đương đầu với các tập đoàn quốc tế.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung làm sáng tỏ, chỉ ra một số yếu kém lĩnh vực logistic ở Việt Nam, từ đó cần đổi mới hơn nữa mới có thể bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới, làm chủ trên sân nhà.

Đức Anh

Ý kiến của bạn

Bình luận