Ngành Khoa học và Công nghệ: Nhìn lại một năm đột phá

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 04/01/2017 19:48

Sáng nay (4/1/2017), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”, tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017

NQH_2258
Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt thuộc Bộ KH&CN; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện Lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan quản lý KH&CN (viện, trường, trung tâm); đại diện một số doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;...

Tại đầu cầu các địa phương có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Lãnh đạo các sở, Ban, ngành; đại diện các tổ chức KH&CN (viện, trường, trung tâm) tại địa phương.

Nhiều bước tiến lớn về khoa học công nghệ

Đánh giá về những thành tựu nổi bật năm 2016, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2020, có vai trò định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động với mục tiêu tiếp tục tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung, các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp của ngành KH&CN để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính và triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Năm 2016, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện với tư tưởng xuyên suốt là lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý các nhiệm vụ KH&CN, tạo hành lang pháp lý rộng mở, bình đẳng đối với mọi thành phần công lập, ngoài công lập, nhà khoa học Việt Nam trong nước và ở nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN.

Các lĩnh vực KH&CN đều cùng vào cuộc, có những kết quả rõ rệt, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể:

Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp tùy theo từng lĩnh vực cụ thể. Các kết quả KH&CN được ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD, trong đó 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng, KH&CN đã khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng; đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu; đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc biệt, KH&CN còn góp phần nâng cao năng lực đội ngũ trong thiết kế, giám sát, thi công, xây lắp phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông - xây dựng) ngang tầm khu vực. Những thành tựu KH&CN đã giúp chúng ta làm chủ công nghệ thiết kế, thi công cầu treo, dây văng nhịp lớn; công nghệ Natm trong xây dựng hầm; ứng dụng các công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép: Công nghệ thi công lắp ghép cầu bê tông, công nghệ cầu liền khối (có ưu điểm tiết kiệm vật liệu, kết cấu thanh mảnh - cầu dài); ứng dụng công nghệ bảo trì đường bộ có hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường (công nghệ tái sinh nguội tại chỗ mặt đường bê tông nhựa, công nghệ tái sinh nóng mặt đường bê tông nhựa tại trạm trộn, công nghệ Microsurfacing trong bảo trì đường bộ, công nghệ bê tông nhựa rỗng thoát nước cho mặt đường bộ cao tốc). Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, hầu hết ở các sản phẩm đều có đầu tư đổi mới công nghệ với tỷ trọng đổi mới đạt trên 75%.

Ngoài ra KH&CN còn đóng góp không nhỏ cho nhiều lĩnh vực khác như: thương mại, dịch vụ, tài chính; quản lý tài nguyên, môi trường và phòng tránh thiên tai; quốc phòng, an ninh; y tế…

Năm 2016 cũng là năm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã bắt đầu hình thành và phát triển nhanh, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Thị trường KH&CN tiếp tục được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã góp phần quan trọng thúc đẩy cung cầu công nghệ, gia tăng số lượng và giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ giữa doanh nghiệp với viện, trường. Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, các chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh cán bộ KH&CN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống; các quy định pháp luật dần được hoàn thiện để đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phương thức xác định, tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN tiếp tục được đổi mới, chuyển dịch theo hướng gắn trách nhiệm về kết quả cuối cùng và thực hiện cơ chế hậu kiểm.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động KH&CN tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Công tác thông tin, truyền thông về KH&CN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin phong phú, góp phần đưa các cơ chế, chính sách đổi mới về KH&CN lan tỏa nhanh chóng, giúp xã hội hiểu hơn về vai trò và những đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước.

Nhiều khó khăn do cơ chế chưa phù hợp

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KH&CN. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KHCN xếp dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới KHCN nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung.

NQH_2241
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Chúng tôi nhận thấy rằng điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của nhà nước”, Thủ tướng nói, đồng thời chỉ ra một tồn tại nữa là nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Do đó, đầu tư cho KHCN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước. Quản lý nhà nước trên một số mặt có tiến bộ nhưng còn bất cập như đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ…

Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp nhận mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng.  

Ý kiến của bạn

Bình luận