Ngành GTVT đặt quyền lợi người lao động lên hàng đầu

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
29/05/2018 06:32

Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là trọng tâm hoạt động của công đoàn các cấp ngành GTVT.

 

^ADD658B02157172E1199ED67AA716748860CAD8458C4B74C7

Ông Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chúc Tết, tặng quà cán bộ, công nhân lao động Cảng Hải Phòng dịp Tết Mậu Tuất 2018

Luôn hướng về người lao động

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Bùi Việt Hoài - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, đơn vị là doanh nghiệp nổi trội trong 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Sản lượng vận tải của Tổng công ty liên tục tăng trưởng qua các năm, đặc biệt là Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng. Tổng số lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty là hơn 25 nghìn người, trong đó lao động nữ là hơn 4 nghìn người, lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là trên 12 nghìn người.

Nhận thức được trách nhiệm chăm lo cho người lao động, thời gian qua Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói chung và Cảng Hải Phòng nói riêng luôn duy trì công tác tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động trong việc tự bảo vệ mình cũng như phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đồng thời, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên thường xuyên được tập huấn nâng cao nhận thức, phát huy tốt chức năng trong hoạt động kiểm tra, đôn đốc người lao động đảm bảo vệ sinh, an toàn khi làm việc. Bên cạnh đó, người lao động còn được chăm sóc sức khỏe định kỳ hàng năm nhằm phát hiện sớm và kịp thời có phương án điều trị bệnh cho người lao động, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Cảng Hải Phòng còn thành lập Trung tâm Y tế để trực tiếp tổ chức khám chữa bệnh, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân, người lao động của Cảng. Công tác trang bị đồ bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng độc hại cũng luôn được doanh nghiệp thường xuyên chú trọng, quan tâm.

^770B4DF68BDB9C15B45E30031C8E64EA6F80B6AF9D4F6ED02
Công đoàn Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay tặng quà cho trẻ em đang theo học tại điểm trường thôn Nà Nghè, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn

“Công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện pháp luật nói chung và an toàn vệ sinh lao động nói riêng luôn được các đơn vị quan tâm và triển khai thực hiện. Năm 2017, các đơn vị đã thực hiện được 168 cuộc kiểm tra. Qua các đợt kiểm tra, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã từng bước được chấn chỉnh và uốn nắn những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện, có những biện pháp khắc phục kịp thời nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, điều kiện và môi trường làm việc của người lao động từng bước được cải thiện, các yếu tố nguy hiểm độc hại dần được khắc phục”, ông Hoài đánh giá.

Cũng như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Là công ty con duy nhất của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Công đoàn ATTECH có 4 công đoàn bộ phận với 389 công đoàn viên đang làm việc, sinh hoạt tại các tổ công đoàn đứng chân ở nhiều tỉnh thành, địa phương, từ miền núi đến hải đảo. Do đó, Công đoàn Công ty luôn chăm lo cho người lao động của mình.

Theo đó, việc làm của công đoàn viên và người lao động được đảm bảo, 100% người lao động ký hợp đồng lao động đúng luật, được đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, thu nhập bình quân tăng từ 16,7 triệu/người/tháng đầu nhiệm kỳ (2012) lên 21,8 triệu/người/tháng vào cuối nhiệm kỳ (2017).

Công đoàn viên và người lao động được sống trong môi trường văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của ATTECH - văn hóa biết cống hiến cho tập thể, biết chia sẻ, biết nỗ lực hết mình cho công việc, biết giữ gìn đạo đức kinh doanh, đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, coi trọng trí thức, không ngừng đổi mới để chất lượng dịch vụ, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Người lao động được tham gia trực tiếp xây dựng các quy chế nội bộ, quy chế dân chủ tại cơ sở. Thông qua hệ thống quản lý đánh giá chất lượng và hộp thư góp ý, người lao động phát hiện và đánh giá sự không phù hợp trong hệ thống quản lý phản ánh đến giám đốc thông qua hệ thống mạng máy tính, giám đốc giao các đơn vị có trách nhiệm xem xét đề xuất để có phương án giải quyết. Người lao động có thành tích được tập thể người lao động tôn vinh, hàng năm Hội nghị Người lao động bỏ phiếu bầu người đạt danh hiệu “Người lao động của năm”. Người lao động được khuyến khích, động viên học tập nâng cao trình độ, đặc biệt về chuyên môn, kỹ thuật, pháp luật và kỹ năng làm việc.

Công đoàn các cấp ngành GTVT không ngừng nỗ lực tham gia quản lý, giám sát, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và tổ chức các hoạt động xã hội. Môi trường, điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động tại các đơn vị luôn được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được nâng lên rõ rệt… Đó là những yếu tố góp phần để người lao động ổn định tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với công việc và hoạt động Công đoàn.

Đẩy mạnh chăm lo lợi ích người lao động

Bộ GTVT là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, có số lượng lớn lao động, làm việc thường xuyên phân tán, lưu động, điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm với ngành nghề đa dạng như: Xây dựng công trình, duy tu bảo trì, sửa chữa đường bộ, đường thủy nội địa, vận tải hàng hải…, do vậy nguy cơ mất an toàn và khả năng tai nạn lao động rất lớn.

Chính vì vậy trong những năm qua, Bộ GTVT, Công đoàn GTVT Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm công tác chăm lo bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Theo đó, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ chú trọng việc đầu tư trong công tác an toàn, vệ sinh lao động như: Bố trí cán bộ theo dõi, đầu tư máy móc, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Do đó, điều kiện môi trường làm việc của người lao động đã được cải thiện, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, người lao động luôn là trung tâm của mọi hoạt động tổ chức Công đoàn. Đây là chủ trương, yêu cầu xuyên suốt trong các hoạt động của các cấp Công đoàn toàn Ngành. Mọi chương trình, kế hoạch đều phải hướng tới người lao động, vì người lao động bằng những hoạt động thiết thực, đem lại hiệu quả cụ thể. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, tình hình việc làm, đời sống người lao động có nhiều khó khăn sau quá trình tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp, những hoạt động này không chỉ góp phần đảm bảo lợi ích người lao động mà còn tạo dựng, khẳng định được uy tín của tổ chức Công đoàn.

Ngay từ đầu năm 2018, các chương trình, hoạt động được các cấp Công đoàn GTVT triển khai như: Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiền lương, tiền thưởng, thực hiện mức lương tối thiểu vùng và các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tham gia quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể; giám sát việc cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao nhà “Mái ấm Công đoàn”...

Trong thời gian tới, Công đoàn các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách cho người lao động, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tập thể, cá nhân vi phạm. Các đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức Công đoàn nâng cao việc phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Ý kiến của bạn

Bình luận