Ngành Giao thông vận tải tăng tốc để phát triển

Tác giả: Minh Đức

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 10/02/2019 08:12

Năm 2019 sẽ là năm tăng tốc của ngành GTVT trong tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trên các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

 

cao_toc_van_don_zing_8_2_1
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn

 Vận tải tăng trưởng, TNGT được kiềm chế

Năm 2018, công tác quản lý vận tải tiếp tục được tăng cường, chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết. Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đẩy mạnh công tác quản lý các lĩnh vực vận tải (đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa) và tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định tại các nghị định của Chính phủ, các thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT. Theo đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, thí điểm hoạt động các loại hình vận tải chưa được quy định trong Luật, đẩy mạnh công tác hướng dẫn thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; thí điểm hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng xăng hoặc năng lượng điện) phục vụ chở khách du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn một số địa phương (hiện tại Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố). Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu vận tải đã mang lại kết quả tích cực, giúp lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển và đường thủy nội địa tăng mạnh, góp phần giảm tải giao thông đường bộ, giảm ùn tắc và TNGT.

Theo thống kê, năm 2018 cả nước xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, làm bị thương 14.802 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 1.348 vụ (-6,71%), giảm 33 người chết (-0,4%), giảm 2.238 người bị thương (-13,13%). Công tác phòng, chống UTGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các thành phố lớn tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước giảm thiểu, khắc phục UTGT. Tuy nhiên, UTGT vẫn xảy ra tại một số điểm trên các tuyến đường thi công dự án đường sắt đô thị, các cửa ngõ thành phố trong các dịp cao điểm lễ, Tết và trên một số tuyến phố bị ngập do mưa lớn, triều cường tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2018, hai thành phố lớn xảy ra 107 vụ UTGT kéo dài, tăng 20 vụ (23%) so với năm 2017.

Sản lượng vận tải năm 2018 ước đạt 1.634 triệu tấn hàng (tăng 10%), đạt 4.641 triệu lượt hành khách (tăng 10,7%) so với năm 2017; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 306 tỷ Tấn.km; luân chuyển hành khách ước đạt 207 tỷ lượt HK.km, tăng 7,6% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10,9% về luân chuyển hành khách so với năm 2017. Trong đó, thị trường hàng không Việt Nam năm 2018 tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay ước đạt 104 triệu lượt hành khách, tăng 10,4% và sản lượng hàng hóa ước đạt 1,5 triệu tấn hàng hóa, tăng 8,9% so với năm 2017. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 50 triệu hành khách, tăng gần 11% và gần 410 nghìn tấn hàng hóa, tăng 28% so với năm 2017.

Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) năm 2018 đã được tăng hạng. Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, LPI năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra (tăng 25 bậc so với hạng 64/160 của năm 2016), tất cả 6 tiêu chí đánh giá LPI năm 2018 đều tăng vượt bậc so với năm 2016.

Khởi động 4 dự án trọng điểm

cau_Bach_Dang_zing_9_1
Thi công trụ dây văng cầu Bạch Đằng

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2018. Qua tổng hợp, xem xét tình hình thực tế, Bộ GTVT dự kiến các nguồn vốn giải ngân năm 2018 ước đạt 33.785 tỷ đồng, đạt 92,99% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch, tương đương với số vốn giải ngân là 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ dự kiến giải ngân 23.785/26.332 tỷ đồng, đạt 90,3% kế hoạch. Năm 2018, các chủ đầu tư, ban QLDA đã lập, trình quyết toán 39 dự án vốn NSNN với giá trị là 26.812 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch cả năm và 7 dự án BOT; các cơ quan, đơn vị đã thẩm tra, phê duyệt 82 dự án với giá trị phê duyệt là 54.151 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch của năm. Đối với các dự án BOT, BT, đến nay Bộ GTVT đã chấp thuận quyết toán được 62 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bộ GTVT đã tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm của Ngành như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Dự án xây dựng cầu Hưng Hà; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Kông…

Đồng thời, Bộ GTVT đã chuẩn bị đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, Bộ đã kịp thời hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi phê duyệt dự án theo quy định. Đến nay, Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) đã được phê duyệt đối với toàn bộ dự án thành phần và đang triển khai các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật. Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã ký hợp đồng tư vấn lập FS tổng thể và dự kiến hoàn thành FS trong vòng 13 tháng. Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo FS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã hoàn tất lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án, nguồn vốn, lộ trình đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng các phương án huy động vốn để triển khai. Về nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT đã tổ chức họp nghe báo cáo cuối kỳ và 4 báo cáo chuyên đề, làm cơ sở hoàn thiện nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm định nhà nước và trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

Đẩy nhanh tiến độ công trình, giải ngân nguồn vốn

images1164547_IMG_9236
 


Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, năm 2019 sẽ là năm “tăng tốc” để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2019. Do đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, ngay sau khi được giao kế hoạch năm, Bộ GTVT sẽ tập trung bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2019 để tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của Ngành; cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành để đưa vào khai thác các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, Bộ chủ động rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bổ sung (hoặc ứng trước kế hoạch) cho các dự án, nhất là vốn đối ứng các dự án ODA để đáp ứng tiến độ. Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA phải nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch trung hạn, kế hoạch năm được giao. Các đơn vị tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện, giải ngân chi tiết có gắn với các mốc tiến độ cụ thể (phê duyệt dự án, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, ký kết tạm ứng hợp đồng, thi công xây lắp...) cho từng dự án các năm còn lại của kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, đặc biệt là với các dự án ODA, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách, từ đó kịp thời tổng hợp những dự án có nguy cơ không thể thực hiện hết kế hoạch trung hạn được giao để báo cáo Chính phủ, Quốc hội có phương án xử lý.

Ngoài ra, Bộ sẽ phân bổ kế hoạch ngay sau khi nhận được quyết định giao kế hoạch đầu tư công năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho các chủ đầu tư/ban QLDA; nâng cao chất lượng công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình... Đồng thời, Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý đấu thầu, kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh nâng cao năng lực của các chủ đầu tư/ban QLDA, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết không để các nhà thầu có năng lực yếu kém tham gia các dự án của Ngành; phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi về chất lượng, tiến độ thi công, công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với các dự án...

Ý kiến của bạn

Bình luận