Nga triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt để phát hiện tội phạm

Tác giả: vnreview

saosaosaosaosao
Ứng dụng 02/10/2017 07:37

Hơn 170.000 camera giám sát tại thủ đô Moscow, Nga sẽ được trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định danh tính tội phạm và tăng cường an ninh.

1711958
Moscow có hệ thống camera an ninh lớn nhất thế giới

Theo Bloomberg, kể từ năm 2012, các bản ghi của CCTV đều được giữ lại trong vòng 5 ngày kể từ khi chúng được quay, với khoảng 20 triệu giờ video được lưu trữ tại một thời điểm bất kì.

Ông Artem Ermolaev, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin tại Moscow cho biết: "Chúng tôi sớm nhận thấy rằng các sĩ quan cảnh sát thôi là không đủ để xử lý lượng dữ liệu lớn như vậy. Chúng tôi cần trí tuệ nhân tạo để giúp tìm ra những gì mà chúng tôi đang tìm kiếm".

Moscow cho biết mạng lưới giám sát trung ương của họ là lớn nhất thế giới. Anh là quốc gia "nổi tiếng" về việc sử dụng camera của CCTV nhưng rất khó để nắm bắt được số liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp An ninh Anh, ước tính có khoảng 70.000 máy quay được điều hành bởi chính phủ trên toàn quốc.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt của Moscow được thiết kế bởi startup N-Tech.Lab của Nga. Theo ông Ermolaev, hệ thống này tham khảo chéo (cross-reference) các hình ảnh trong cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ với các hình ảnh chụp được tại lối vào của các tòa nhà lớn. Quá trình thử nghiệm kéo dài 2 tháng của hệ thống này đầu năm nay đã khiến 6 tên tội phạm nằm trong danh sách truy nã của liên bang phải "sa lưới".

Độ chính xác của Ntechlab đã được Bộ Thương mại Mỹ và Đại học Washington công nhận. Ứng dụng di động có tên FindFace được ra mắt vào năm ngoái của công ty đã trở thành cú hit lớn tại Nga. Người dùng sẽ chụp ảnh những người lạ mặt trong không gian công cộng và công cụ này sẽ xác định danh tính của những người có trong bức ảnh bằng cách liên kết những khuôn mặt với các trang cá nhân trên mạng xã hội lớn nhất của Nga, VKontakle, với tỉ lệ chính xác lên tới 70%.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt đã len lỏi vào thị trường người tiêu dùng trong những năm gần đây, với tỉ lệ chính xác và sự chấp thuận của cộng đồng ngày càng tăng. Người dùng có thể mở khóa Windows 10 của Microsoft bằng cách ngồi trước webcam để hệ thống nhận diện. Một công nghệ tương tự cũng được Samsung đưa lên các smartphone của mình. Gần đây, Apple cũng đã công bố chiếc iPhone X sẽ loại bỏ cảm biến bảo mật vân tay để nhường chỗ cho nhận diện khuôn mặt.

Chi phí cho CCTV

Theo ông Ermolaev, chính phủ Moscow đã chi khoảng 5 tỷ Rúp (86 triệu USD) mỗi năm để duy trì hệ thống giám sát của mình. Triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt cho 170.000 camera sẽ khiến chi phí tăng lên gấp ba lần, nên công nghệ này sẽ được áp dụng một cách chọn lọc ở những khu vực cần thiết nhất.

Mikhail Zyuzin, một chuyên gia công nghệ thông tin tại Học viện Hệ thống Thông tin Moscow, cho biết các hệ thống như thế này là hoàn toàn hợp pháp tại Nga. Tuy vậy, nó cũng gây nên những lo ngại về quyền riêng tư cá nhân bởi: "Nếu hệ thống bị hack bởi các bên thứ ba, chúng sẽ có thể tiếp cận tới các thông tin như nơi bạn sinh sống, nơi bạn đi và những tuyến đường bạn chọn".

Ông Ermolaev cũng bổ sung rằng dữ liệu sẽ được lưu trữ trong một hệ thống khép kín và chỉ có một số người dùng nhất định mới có quyền truy cập. Ngoài ra, phần mềm này sẽ chỉ so sánh hình ảnh từ các máy quay với những dữ liệu đã tồn tại trong các cơ sở dữ liệu của cảnh sát.

"Chúng ta sống trong một thế giới mở. Rất dễ để theo dõi việc một cô gái ở căn hộ đối diện thường xuyên được một chàng trai đến thăm mà không cần đến hệ thống camera theo dõi của thành phố", ông Ermolaev chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận