Nếu Donald Trump "khai tử" tiêm kích F-35, nước Mỹ sẽ làm gì?

Sản phẩm 17/12/2016 16:27

Tạp chí National Interest mới đây đã đưa ra 5 lựa chọn để thay thế phi cơ F-35

147445177358909-f-35-1481861204746-0-55-449-777-cr
 

Tạp chí National Interest mới đây đã đưa ra 5 lựa chọn để thay thế phi cơ F-35 - một trong những loại vũ khí gây tranh cãi nhất của Mỹ từ trước đến nay do tiêu tốn 1.000 tỷ USD và gặp nhiều lỗi kỹ thuật.

Mặc dù gặp nhiều vấn đề, song F-35 nay đã bắt đầu được đưa vào sử dụng ở Mỹ cùng nhiều quốc gia đồng minh, và trong tương lai sẽ còn nhiều chiếc nữa được sản xuất.

Khả năng chấm dứt dự án F-35 là gần như không có, tuy nhiên nếu điều này xảy ra thì Mỹ vẫn còn những lựa chọn khác. Dưới đây là 5 lựa chọn khả dĩ mà Mỹ có thể thực hiện để thay thế F-35 nếu cần.

Sản xuất thêm F-22

Lựa chọn đầu tiên rất rõ ràng: Thay vì tiếp tục chế tạo F-35, Mỹ chỉ cần khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22. Đây là loại máy bay đã chứng tỏ khả năng của mình trong các chiến dịch quân sự, và vẫn có thể được nâng cấp trong tương lai.

Tuy nhiên, việc khởi động lại dự án F-22 sẽ rất tốn kém và sẽ không thỏa mãn nhu cầu cần một loại phi cơ mới cho Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ. Cho đến nay, các quan chức Mỹ chưa bao giờ xem xét đề xuất chế tạo một phiên bản F-22 dành cho hai lực lượng trên.

Bản thân F-22 cũng có những vấn đề riêng. Không quân Mỹ không coi nó là một loại máy bay tiêm kích lý tưởng. Máy bay này vẫn khiến các phi công gặp vấn đề về hô hấp và luật pháp Mỹ hiện hành không cho phép nước này xuất khẩu F-22, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không thể giải quyết vấn đề ngoại giao sẽ phát sinh khi F-35 bị ngừng sản xuất.

Chế tạo máy bay không người lái

Mỹ và nhiều quốc gia khác đã liên tục sử dụng các thiết bị không người lái trong những năm gần đây. Các loại máy bay này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như do thám, hỗ trợ quân bộ, không kích tầm ngắn và tầm xa.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn dè dặt với máy bay không người lái, bởi khả năng của chúng hiện tại rất kém. Loại máy bay này có tốc độ không cao, khả năng xoay trở kém và không được trang bị những thiết bị cảm biến hiện đại để có thể đối đầu với các máy bay tiêm kích.

Ngay cả những mẫu máy bay mới cũng có những vấn đề khác. Trừ phi máy bay có thể hoàn toàn tự động chiến đấu, mạng lưới kết nối giữa nó và hệ thống điều khiển từ xa sẽ bị đối phương cản trở bằng nhiều hình thức. Chỉ cần mất tín hiệu trong vài giây, máy bay không người lái coi như đã bị tiêu diệt. 

Các máy bay này cũng có giá thành tương đối cao. Bản thân các tướng Mỹ tin rằng họ không nên có trong tay những loại vũ khí có thể tự động tham chiến.

Nói cách khác, máy bay không người lái là một lựa chọn khả dĩ để thực hiện những nhiệm vụ khác, song chúng không làm được những gì mà máy bay tiêm kích có thể làm được. Dù vậy, chúng vẫn có thể giúp Mỹ đối phó với nhiều hiểm họa khác nhau nếu F-35 bị hủy bỏ, cho đến khi một thế hệ máy bay chiến đấu mới được phát triển.

Nâng cấp các mẫu máy bay hiện có

Mỹ đang có trong tay rất nhiều máy bay chiến đấu lợi hại và một nền công nghiệp quốc phòng lớn, có thể sẵn sàng cho ra mắt một loại phi cơ tiêm kích mới. Liệu nâng cấp các máy hiện có có phải là một lựa chọn khả dĩ? 

Thực tế, máy bay Su-27 Flanker của Nga, được coi là hiểm họa lớn nhất đối với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ, lại là một phiên bản nâng cấp của một máy bay tiêm kích có từ thời Chiến tranh lạnh.

Bản thân Mỹ cũng đã thực hiện nâng cấp đối với các loại máy bay chiến đấu của họ. Hãng Boeing đang nghiên cứu chế tạo một phiên bản F-15 và F/A-18 có khả năng hoạt động bí mật. 

Trong khi đó hãng này cũng đã nâng cấp F-15 để giúp nó tránh bị phát hiện bởi radar đối phương, đồng thời nghiên cứu phát triển một loại bình nhiên liệu đặc biệt cho F/A-18, cho phép tăng độ bí mật và tầm hoạt động của máy bay này. Những phiên bản F-16 mới nhất cũng đang được xuất xưởng liên tục.

Mặc dù bản chất là những loại phi cơ có tuổi, chúng cũng vẫn có thể giúp không quân Mỹ thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trước khi máy bay tiêm kích thế hệ thứ sáu ra đời.

Chế tạo phi cơ thế hệ mới

Một lựa chọn khác đó là Mỹ có thể từ bỏ chế tạo phi cơ thế hệ thứ năm và tập trung hoàn toàn vào việc phát triển máy bay thế hệ thứ sáu. 

Các nhà sản xuất đã định hướng rất rõ ràng đối với máy bay thế hệ thứ sáu: nó phải có khả năng hoạt động bí mật, đạt tốc độ siêu thanh và có hệ thống mạng truyền dẫn dữ liệu, có thể trang bị vũ khí laser và có thể hoạt động không cần phi công.

Một số quốc gia trên thế giới đã xem xét khả năng này. Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Pháp đều đã xem xét khả năng “nhảy cóc” giai đoạn và tập trung chế tạo máy bay thế hệ thứ sau. 

Giống như các lựa chọn đã nêu ở trên, Mỹ sẽ không có một loại máy bay hiện đại trong một khoảng thời gian dài, tuy nhiên họ có thể sẽ tránh việc phải chế tạo một số lượng F-35 lớn với nhiều lỗi kỹ thuật.

Dĩ nhiên, phương án này khá mạo hiểm khi việc phát triển máy bay thế hệ thứ sáu hoàn toàn sẽ xảy ra những trục trặc mà chương trình F-35 đã và đang gặp phải. Chi phí cho việc chế tạo máy bay này sẽ rất cao và các hãng quốc phòng sẽ không có một phi cơ thế hệ thứ năm làm nền tảng để cho ra mắt máy bay tiêm kích thế hệ tiếp theo.

Mua máy bay của nước ngoài

Đây là giải pháp mà Mỹ không mong muốn, tuy nhiên các máy bay như Dassault Rafale của Pháp, Eurofighter Typhoon hay Saab Gripen của Thụy Điển đều là những phi cơ lợi hại, giúp Mỹ thực hiện các hoạt động quân sự trước mắt. 

Để có được những phi cơ này, Mỹ sẽ cần giấy phép để lắp ráp và sản xuất chúng trên lãnh thổ của mình, đồng thời họ sẽ phải đàm phán với các nước châu Âu đồng minh để đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ.

Cả ba loại máy bay được nêu ở trên đều ra đời sau phần lớn các phi cơ của Mỹ hơn một thập kỷ, vì vậy chúng vẫn còn có thể được nâng cấp thêm. Giá thành của chúng cũng rẻ và hiệu quả hoạt động của các phi cơ được đánh giá cao. Mỹ cũng có thể xem xét mua các máy bay thế hệ thứ 4,5 của các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Kết luận

Nếu F-35 bị hủy bỏ sản xuất, chính phủ Mỹ nên thực hiện các phương án được nêu ở trên cùng một lúc. Dù vậy, trên thực tế dự án phát triển F-35 sẽ không bao giờ bị hủy bỏ, bởi rất nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã đầu tư vào đây, và nhiều nước trên thế giới đang sẵn sàng mua F-35 để củng cố quốc phòng. Song việc xác định phương án dự phòng vẫn rất cần thiết.

Ý kiến của bạn

Bình luận