Nâng chuẩn đầu vào sư phạm, nhiều đại học khó tuyển sinh

16/08/2018 13:05

Ngành Sư phạm Sinh của ĐH Hồng Đức mới tuyển được một thí sinh. ĐH Đồng Nai chưa tuyển được em nào vào ngành Sư phạm Sử và Sinh.

thi-THPT-9113-1534219789
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Quỳnh Trần

Kết thúc tuyển sinh đại học đợt 1, PGS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Đồng Nai, cho biết hai ngành đại học Sư phạm Lịch sử, Sinh học và bốn ngành cao đẳng sư phạm khác không thí sinh nào trúng tuyển. Riêng Sư phạm Vật lý với 20 chỉ tiêu, nhưng mới có 7 em; nếu không tuyển được 10 thí sinh nữa khả năng không mở được lớp. Hiện, trường tuyển bổ sung 13 chỉ tiêu Sư phạm Vật lý, 20 Giáo dục Mầm non và một thí sinh Sư phạm Hóa học.

Tuyển sinh sư phạm năm nay khó hơn bởi là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn cho ngành bậc đại học là 17, cao đẳng là 15. "Trong khi  mặt bằng điểm thi thấp nên nguồn tuyển hạn hẹp. Ngoài ra, ngành sư phạm các đại học địa phương sẽ kém sức hút hơn trường ở thành phố lớn", ông Thắng lý giải. 

Đại học Hồng Đức tuyển 39 ngành với 1.590 chỉ tiêu. Ông Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, thông tin danh sách thí sinh trúng tuyển do nhà trường lập là 1.555. Đến 13/8, số thí sinh xác nhận nhập học là 950, chiếm 59,7% chỉ tiêu. Tính riêng 11 ngành đào tạo giáo viên hệ đại học chính quy, trường tuyển 315 thí sinh, hiện đã có 249 em xác nhận nhập học, chiếm 79,04%. Con số này chưa bao gồm thí sinh xác nhận qua đường bưu điện.

79,04% là con số tương đối tốt. Tuy nhiên, Đại học Hồng Đức vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh một số ngành như Sư phạm Hóa học, Sinh học và Vật lý. Cụ thể, ngành Sư phạm Sinh mới tuyển được một trong tổng số 20 chỉ tiêu. Hai ngành Sư phạm Hóa và Lý lần lượt tuyển được 5 và 7 em.

Năm 2018, nhằm thu hút học sinh giỏi vào các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, Đại học Hồng Đức đã phối hợp với Sở Giáo dục tỉnh xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học bốn ngành Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử với chỉ tiêu mỗi ngành là 20.

Điều kiện trúng tuyển các ngành này phải đạt điểm thi đầu vào đại học của tổ hợp ba môn thi xét tuyển từ 24 trở lên (không tính điểm nhân hệ số nếu có), trong đó không môn nào dưới 5 và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải từ 8 trở lên; hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định của Bộ Giáo dục.

Với mặt bằng điểm thi thấp, Đại học Hồng Đức không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có ngành không tuyển được thí sinh nào. Cụ thể, ngành Sư phạm Toán chất lượng cao mới tuyển được một em, Ngữ văn có 9 em, Lịch sử có 12 em và ngành Sư phạm Vật lý chất lượng cao chưa tuyển được ai. 

"Nguyện vọng vào bốn ngành này khá nhiều nhưng số lượng đủ điều kiện học chất lượng cao theo đề án lại ít do điểm thi thấp hơn so với năm ngoái", ông Sỹ nói và cho biết chủ trương của trường là chỉ tuyển được một em cũng mở ngành và thí sinh đó vẫn được hưởng những ưu tiên của lớp chất lượng cao, được tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng vào các trường THPT nếu đạt được điều kiện tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt.

Hiện, Đại học Hồng Đức đã thông báo tuyển sinh bổ sung đợt 1 với 26 chỉ tiêu cho bốn ngành chất lượng cao và 121 cho các ngành sư phạm đào tạo đại trà.

Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tuyển 1.375 sinh viên. Ngay sau khi tuyển sinh đợt 1 kết thúc, ngày 13/8 trường ra thông báo tuyển bổ sung tất cả ngành, trong đó Sư phạm Vật lý tuyển thêm tới 90, bằng với chỉ tiêu đề án tuyển sinh Đại học Huế đưa ra trước kỳ thi THPT quốc gia. Ngành Sư phạm Ngữ văn cũng tuyển thêm 90. Các ngành Sư phạm Toán, Địa cần bổ sung 70 sinh viên.

Đại học Tây Nguyên tuyển bổ sung Giáo dục Tiểu học - Tiếng J'rai 5 chỉ tiêu, Giáo dục Thể chất 26, Sư phạm Toán 14, Sư phạm Vật lý 12, Sư phạm Hóa học 10, Sư phạm Sinh 20. Trước đó, trừ Giáo dục Tiểu học - Tiếng J'rai có điểm chuẩn 20,2; còn lại có điểm chuẩn 17.

Đại học Quy Nhơn (Bình Định) tuyển bổ sung 45 chỉ tiêu ở các ngành sư phạm Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục chính trị. Điểm sàn xét tuyển bổ sung bằng điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 là 17.

Đại học An Giang cũng tuyển hơn 100 chỉ tiêu đại học sư phạm ngành Mầm non, Tiểu học, Toán, Lý, Hóa, Sinh. Điểm chuẩn đợt 1 là 17-18 nhưng nhiều ngành chỉ có 3-4 thí sinh trúng tuyển như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học.

Nằm trong số ít trường tuyển sinh khả quan, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tuyển được khoảng 70% trong tổng chỉ tiêu 1.220 cho 13 ngành sư phạm, trong đó có 1.010 dựa vào điểm thi THPT quốc gia. Ông Phùng Gia Thế, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết đến hết 17h ngày 12/8, có 850 em đã xác nhận nhập học, chưa tính thí sinh gửi theo đường bưu điện. "Điều này phản ánh bức tranh tuyển sinh chung của Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là tương đối tốt", ông Thế nhận định.

Giống như năm ngoái, việc tuyển sinh vào các ngành như Giáo dục tiểu học, Sư phạm tiếng Anh, tiếng Trung, Toán, Ngữ văn và Giáo dục mầm non của trường rất tốt. Trong khi đó, các ngành Sư phạm Vật lý, Hóa học và Sinh học khó khăn hơn. Dù vậy, ông Thế khẳng định đã có trên 20 thí sinh xác nhận nhập học vào mỗi ngành này và nhà trường vẫn đảm bảo mở được lớp.

Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tiếp tục tuyển sinh bổ sung 440 chỉ tiêu cho cả các ngành sư phạm và ngoài sư phạm.

Năm 2017, nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn thấp, chỉ bằng mức sàn chung là 15,5, thậm chí có trường chỉ đặt ra ngưỡng 3 điểm mỗi môn. Điều này khiến dư luận nghi ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó phải họp với lãnh đạo các trường đại học, thống nhất không thể tiếp tục tình trạng này. Từ năm 2018, Bộ bỏ quy định điểm sàn đại học, trừ ngành sư phạm. 

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, phải tuyển những học sinh ưu tú nhất vào trường sư phạm, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp. Các trường phối hợp với địa phương để xác định nhu cầu nhân lực giáo viên, từ đó xác định chỉ tiêu.

Ý kiến của bạn

Bình luận