Năm 2030, đường sắt thế nào nếu đầu tư 700 nghìn tỷ?

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 21/10/2020 06:00

Theo quy hoạch đến năm 2030, đường sắt cần được đầu đầu tư 700 nghìn tỷ đồng để khắc phục tồn tại hiện nay và nắn vai trò chủ đạo trong vận tải.

unnamed (1)
Đại diện Liên danh Tư vấn CCTDI – TRICC – TEDI báo cáo Quy hoạch mạng Đường sắt quốc gia

Ngày 20/10, Bộ GTVT họp nghe báo cáo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, tham dự có đại diện các tổng cục/cục, vụ, viện trực thuộc Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt, các tổng công ty, công ty: Đường sắt VN, TEDI, TEDI South, TRICC và các đơn vị tư vấn liên quan.

Trước đó, tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 82/QĐ-TTg ngày 14/1/2020 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 và giao Bộ GTVT tổ chức lập quy hoạch. Bộ GTVT đã giao cho Cục Đường sắt Việt Nam triển khai xây dựng quy hoạch. Cục Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng với Liên danh tư vấn CCTDI – TRICC – TEDI để xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mạng đường sắt quốc gia đã quá lạc hậu

Báo cáo tại cuộc họp, Đại diện Liên danh tư vấn đã trình bày về những tồn tại, hạn chế của mạng đường sắt quốc gia (ĐSQG). Mạng lưới đường sắt được xây dựng đã hơn 100 năm, dài hơn 2.700 km trên 7 tuyến chính với 3 loại khổ ray, trong đó 85% là khổ hẹp, đều chưa vào cấp kỹ thuật, hạ tầng còn hạn chế, thông tin tín hiệu lạc hậu, tốc độ thấp. Với thực trạng kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu như hiện nay, khó đảm nhận vai trò “chủ đạo” nếu chỉ khắc phục cục bộ.

Mặt khác, liên kết vùng, liên kết ngành và phân bố mạng lưới còn hạn chế. Kết nối liên tuyến giữa các tuyến đường sắt hạn chế do khác khổ ray (chỉ 19% hàng hóa đi liên tuyến giữa các ga thuộc tuyến HN-TP.HCM với các ga thuộc 5 tuyến còn lại). Kết nối ĐSQG với đường sắt đô thị (ĐSĐT) với các đầu mối tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… còn chưa chặt chẽ; nhiều ga hàng hóa, đoạn tuyến ĐSQG nằm sâu trong đô thị do quá trình đô thị hóa trong khi ĐSQG chỉ dừng lại tại ga Ngọc Hồi. Kết nối với cảng biển, cảng đường thủy nội địa, ICD còn hạn chế. Hiện mới chỉ có 2 cảng biến có đường sắt kết nối trực tiếp nhưng cũng chưa vào tới cầu cảng, nhiều đoạn đường sắt vào cảng biển trước đây đã bị dỡ bỏ. Hai cảng biển lớn nhất là Lạch Huyện (Hải Phòng) và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải chưa có đường sắt kết nối; 2 cảng thủy nội địa có nhánh đường sắt (Việt Trì, Ninh Bình); 1 ICD duy nhất có đường sắt (Lào Cai). Bên cạnh đó, kết nối với quốc tế qua Trung Quốc hiện gián đoạn tại Lào Cai, hạn chế tại Lạng Sơn, chưa kết nối với Lào, Campuchia, chưa có đường sắt kết nối vùng ĐBSCL – vị trí trọng điểm về nông nghiệp.

Nguyên nhân được lý giải là do hiệu quả trong tổ chức, quản lý, khai thác hệ thống đường sắt chưa cao. Hơn nữa, đầu tư cho đường sắt chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành. Ước tính, từ giai đoạn 2011 đến nay, đầu tư cho đường sắt chỉ rơi vào khoảng 2.129 tỷ đồng/năm.

Với tình hình này, nếu ngành đường sắt không có đầu tư đột phá trong giai đoạn tới thì sẽ tiếp tục bị tụt hậu so với các ngành khác và mất đi vai trò chủ đạo của mình.

unnamed

Cần gần 700.000 tỷ đồng đầu tư mạng ĐSQG đến năm 2030 

Theo báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường sắt 2030, 2050, mạng lưới đường sắt được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải bằng đường sắt trên các trục Bắc Nam, Đông Tây kể cả hành khách và hàng hóa; từng bước nâng cấp hiện đại hóa các tuyến đường sắt hiện có để thu hút khách hàng, tăng thị phần vận tải. Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt sẽ bảo đảm sự kết nối thuận tiện với các loại hình vận tải khác. Việc đầu tư xây dựng tuyến mới cần ưu tiên cho kết cấu hạ tầng tiên tiến, đồng bộ với công nghệ mới của đường sắt thế giới và phát huy được tốc độ tối đa, an toàn trong khai thác chạy tàu. Dự kiến, mạng lưới đường sắt 2030, 2050 sẽ duy trì khổ đường sắt hiện tại trên các tuyến đã và đang khai thác, tiến tới bỏ đường lồng 1000mm-1435mm. Khổ đường sắt tiêu chuẩn 1435 sẽ đưa vào sử dụng cho xây dựng các tuyến đường sắt làm mới, bao gồm cả đường sắt thông thường và đường sắt tốc độ cao.

Các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 gồm: Cải tạo các nút thắt, hạn chế ùn tắc và TNGT trên các tuyến hiện có, hiện đại hóa tuyến Bắc – Nam; đảm bảo ATGT, nâng cao năng lực thông qua các tuyến phía Bắc; hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên – Hạ Long – Cái Lân, xây dựng đường sắt đầu mối Hà Nội; tăng cường kết nối đường sắt với các cảng Lạch Huyện, Khu kinh tế Nghi Sơn; tập trung xây dựng đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang.

Song song với đó, giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu ưu tiên đầu tư các dự án tiềm năng gồm: Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Cần Thơ, Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ, Dĩ An – Lộc Ninh.

Về kinh phí đầu tư, báo cáo của Liên danh tư vấn khái toán kinh phí sẽ rơi vào khoảng hơn 2,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2030, tổng số vốn là hơn 670 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2031-2050 là 1,5 triệu tỷ đồng.

Kết thúc báo cáo quy hoạch mạng lưới đường sắt, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu cần phải cụ thể hóa hơn nữa những dự án cần ưu tiên trong giai đoạn 2021 – 2030 và tính toán khả năng có thực hiện được những mục tiêu đề ra hay không để chỉnh sửa lại quy hoạch cho phù hợp vì thời gian thực hiện còn lại chỉ chưa đầy 10 năm nữa. Ngoài ra, Liên danh Tư vấn cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, từ đó điều chỉnh nội dung, dung lượng quy hoạch tổng thể phù hợp, sớm hoàn thiện quy hoạch để Bộ trình Thủ tướng chính phủ xem xét.

Ý kiến của bạn

Bình luận