Năm 2020 nhìn lại: Hàng hải giữ đà tăng trưởng trong mùa dịch covid-19

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao

Kinh tế biển được xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển biển và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2020, với sự nỗ lực vượt bậc, ngành Hàng hải Việt Nam đã đạt được thành tựu nổi bật.

Giữ đà tăng trưởng mùa Covid-19

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 11 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 629,7 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019; hàng container thông qua cảng 11 tháng đầu năm ước đạt 19.936.000 TEUs, tăng 12% so với năm 2019.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, để đạt được kết quả này, Cục đã thay đổi các phương thức làm việc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải, thuyền viên, cảng vụ triển khai và duy trì các hoạt động hàng hải nhằm giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.

Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động, tạo mọi điều kiện để hoạt động diễn ra bình thường theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu các cảng vụ phối hợp chặt chẽ với các công ty hoa tiêu, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam, Vishipel và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương để đảm bảo cung ứng các dịch vụ thiết yếu theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động, vận chuyển xếp dỡ hàng hóa diễn ra bình thường. Đồng thời, trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch bệnh, từ đó có nhiều điều chỉnh về các khung giá dịch vụ như giá hoa tiêu.

anh_cangbien

Là một trong những khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cảng lớn nhất, theo ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, đến thời điểm này, mặc dù lượng tàu thuyền vào khu vực cảng Quảng Ninh chỉ bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản lượng hàng hóa qua cảng biển vẫn tăng trưởng mức hai con số, đạt hơn 92 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

“Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã nhanh chóng ban hành kế hoạch phòng, chống dịch. Để công tác kiểm dịch y tế đối với tàu nước ngoài đến cảng đạt hiệu quả cao, Cảng vụ đã chủ động đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, thiết lập khu neo đậu tạm thời tại khu neo Hòn Miều và khu vực Hòn Soi Đèn để thuận tiện cho cán bộ kiểm dịch thực hiện nhiệm vụ. Việc áp dụng kiểm dịch y tế tại các khu vực nêu trên vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan y tế, tránh việc tàu thuyền phải chờ đợi kiểm dịch quá lâu tại khu vực trạm hoa tiêu, từ đó tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp”, ông Thành cho biết.

Đồng thời, bên cạnh việc siết chặt quy trình tiếp nhận tàu, thuyền vào cảng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cũng tích cực ứng dụng công nghệ, tăng tỷ lệ thực hiện thủ tục điện tử bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp khai báo thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia. Giải pháp này không chỉ giúp các thủ tục được giải quyết kịp thời trong mùa dịch mà còn hạn chế việc gặp mặt trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm của dịch Covid-19.

Tiếp tục vươn ra biển lớn

Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc mở cửa thương mại khi tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế, sản lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số và phù hợp với các hoạt động thương mại. Triển vọng phát triển của hệ thống cảng biển của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi tích cực khi triển khai một số hiệp định thương mại tự do quan trọng như hiệp định giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh châu Âu, CPTPP có hiệu lực.

Để “đón đầu” những triển vọng này trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường trong nước, thị trường thế giới để tìm kiếm, tận dụng cơ hội, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đội tàu linh hoạt, theo định hướng quy hoạch đảm bảo tính hiệu quả trong kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị và khai thác đội tàu. Các doanh nghiệp cũng tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để chủ động tìm kiếm hợp đồng vận chuyển hàng hóa; nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút chủ hàng, phát triển hệ thống mạng lưới đại lý có năng lực tại nước ngoài, từng bước tạo lập hệ thống dịch vụ logistics khép kín, chuyên nghiệp, hiệu quả và uy tín mang thương hiệu riêng cho doanh nghiệp.

Ngành Hàng hải cũng có những định hướng triển khai chiến lược biển theo từng khu vực nhằm đẩy mạnh kết nối hạ tầng, cơ chế chính sách trong phát triển cảng biển. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc sẽ tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng bến cảng Lạch Huyện, làm cơ sở thu hút đầu tư các bến cảng tiếp theo; đẩy mạnh kết nối tuyến đường sắt Lạch Huyện - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc) để thu hút hàng hóa trung chuyển; tập trung đầu tư một số cảng cạn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt, các cảng cạn gắn liền với các tuyến đường thủy nội địa, đường sắt tại các khu vực Đông Nam Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai để hỗ trợ khai thác cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng.

Tại khu vực miền Trung, từng bước nghiên cứu xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế khu vực tại Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), đồng thời nghiên cứu các giải pháp kết nối hiệu quả theo hành lang kinh tế Đông - Tây với cảng biển Đà Nẵng nhằm thu hút hàng hóa khu vực Nam Lào, Đông - Bắc Thái Lan.

Ở khu vực miền Nam, các hạ tầng hỗ trợ khai thác cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh bao gồm trung tâm logistics Cái Mép Hạ, các cảng cạn tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh sẽ được chú trọng đầu tư; đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với cảng biển Vũng Tàu, trong đó có đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường liên cảng, cầu Phước An và tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu container trọng tải 18.000 TEU.

Với mục tiêu tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn - cánh tay nối dài của cảng biển để vừa hỗ trợ các dịch vụ của cảng biển, vừa góp phần tổ chức hiệu quả mạng lưới giao thông, ngành Hàng hải cũng từng bước rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển theo hướng tiến mạnh ra biển, giảm thiểu những hạn chế về luồng lạch và tiếp cận gần hơn với các tuyến hải trình quốc tế trên biển Đông; gắn việc đầu tư xây dựng cảng biển với xây dựng mô hình quản lý cảng tiên tiến để tối ưu hóa việc đầu tư khai thác cảng; đẩy mạnh kết nối hệ thống các cảng biển trong cả nước; tăng cường chính sách phát triển hệ thống cảng biển phù hợp với xu thế phát triển… Với những giải pháp đó, hệ thống cảng biển tiếp tục khẳng định tầm quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, giúp nước ta trở thành nước mạnh về biển, làm giàu từ biển theo đúng mục tiêu, định hướng mở cửa thương mại và hội nhập hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận