Năm 2020 nhìn lại: Điểm sáng cải cách đường thủy nội địa

Tác giả: Hiền Thanh

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 04/01/2021 06:57

Năm 2020, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam liên tục giữ vững ngôi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính ngành GTVT và đây được xem là “điểm sáng” của lĩnh vực này.

100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Bùi Thiên Thu khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục ĐTNĐ Việt Nam hiện nay là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐTNĐ; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.

So với các lĩnh vực khác, ĐTNĐ được xem là ngành chưa có nhiều điều kiện để phát triển bởi sự eo hẹp về nguồn vốn và sự lạc hậu tồn tại nhiều thập kỷ. Song, những năm gần đây, ĐTNĐ đã ghi dấu ấn lớn với “sức bật” mạnh mẽ trong “cuộc cách mạng số hóa”, thay đổi diện mạo một cách vượt bậc. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ được đánh giá là một “điểm sáng” của ĐTNĐ khi gỡ bỏ hiệu quả những hạn chế mang tính truyền thống vốn là “nút thắt” kìm hãm sự phát triển. Những tiến bộ vượt bậc đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá rất cao khi giải quyết tận gốc sự nhũng nhiễu, phiền hà; giảm thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Đó cũng là sự tăng cường mạnh mẽ “nội lực” để thúc đẩy sự phát triển liên tục và thực chất.

Nỗ lực cải cách hành chính là tiền đề tạo điều kiệ
Nỗ lực cải cách hành chính là tiền đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải thủy phát triển

Bức tranh khởi sắc của ĐTNĐ nhiều năm qua có dấu ấn rất lớn của nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính bằng việc “số hóa” toàn bộ hoạt động nghiệp vụ trên “mặt trận” công nghệ cao. Cục ĐTNĐ Việt Nam là đơn vị đầu tiên của Bộ GTVT hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến của Cục lên cấp độ 3 và 4 theo Nghị quyết 36A của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đồng thời, Cục đã liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu ngành GTVT về cải cách thủ tục hành chính.

Nỗ lực cải cách không ngừng của Cục ĐTNĐ Việt Nam đã dẹp bỏ nhiều rào cản trong sự tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, đó cũng là yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng vận tải thủy trong những năm qua. Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu nghiệp vụ phục vụ quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời nâng cấp các phần mềm dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn qua môi trường mạng với mức độ cao nhất là cấp độ 4 - mức độ cao nhất hiện nay ở nước ta. Minh chứng rõ nét nhất cho thành tựu của ĐTNĐ là hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ sự hài lòng và ủng hộ rất lớn với nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt là những ứng dụng công nghệ thông tin của Cục ĐTNĐ Việt Nam đã giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm hiệu quả nhân công và chi phí hoạt động.

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Nổi bật trong chỉ đạo của Thủ tướng là các bộ, ngành và địa phương phải nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cơ chế chính sách theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ hơn nữa đối với vận tải thủy nội địa; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa. Đặc biệt, phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa... Bộ GTVT cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng Sàn giao dịch vận tải để tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa thông thường và hàng container; tiếp tục tăng cường hoạt động của tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để thực hiện thủ tục thay đổi thời gian làm việc tại một số cửa khẩu đường thủy, tiến tới thực hiện thủ tục 24/24 nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia.

Bộ GTVT cũng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, từ công tác quản lý thực hiện thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa; điều hành, khai thác vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; phát triển Sàn giao dịch vận tải; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quản lý phương tiện, thuyền viên, dữ liệu về chứng chỉ, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên...

Mặt khác, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thủy nội địa; tối thiểu 1 lần/quý tổ chức đối thoại, gặp mặt, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT thủy về những khó khăn, vướng mắc để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận