Năm 2020, ít nhất 70% GV mầm non đạt trình độ từ cao đẳng

08/12/2018 08:02

Phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 70% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng, 80% đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.

de-an-phat-trien-giao-duc-mam-non_bldu (1)

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án phát triển giáo dục mầm non (MN) giai đoạn 2018-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong giai đoạn 2018-2020, mạng lưới trường lớp được củng cố mở rộng, đủ năng lực huy động trẻ em đến trường, phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, tỉ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập chiếm từ 25% trở lên.

Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 98,5% nhóm, lớp MN được học hai buổi/ngày; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỉ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Phấn đấu đến năm 2020, 100% trường MN hoàn thành tự đánh giá, trong đó có ít nhất 45% số trường MN được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Giai đoạn 2021-2025 phát triển mạng lưới trường lớp MN, bảo đảm đến năm 2025 huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỉ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên.

Phấn đấu đến năm 2025, có 99,5% nhóm, lớp MN được học hai buổi/ngày; duy trì tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm; tỉ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Cạnh đó, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 80%, có ít nhất 50% trường MN đạt chuẩn quốc gia, có ít nhất 60% số trường MN được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Để đạt các mục tiêu trên, đề án sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục MN. Đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, chương trình giáo dục MN, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục MN.

Đề án sẽ thực hiện nhiều giải pháp như phát triển các điều kiện và hoạt động của trường MN theo tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm. Tổ chức cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ và tin học ở những nơi có điều kiện. Nhân rộng các mô hình phối hợp với nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ, hỗ trợ phòng chống suy dinh dưỡng đối với trẻ MN thông qua chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp.

Ý kiến của bạn

Bình luận