Mỹ với giấc mơ tên lửa tầm trung mới

Tác giả: Soha.vn

saosaosaosaosao
Ứng dụng 17/11/2017 14:58

Hạ viện Mỹ vừa thông qua ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 với giá trị kỷ lục lên tới 700 tỷ USD

photo-1-1510750443053-0-47-281-499-crop-1510750466

INF được coi là hòn đá tảng đảm bảo an ninh chiến lược cho châu Âu trước mối nguy cơ từ các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Mỹ đã sẵn sàng rút khỏi INF

Cần nhấn mạnh rằng, động thái phân bổ ngân sách tái triển khai tên lửa tầm trung mới không phải là hành động đầu tiên của Washington liên quan tới việc rút khỏi INF.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược tầm ngắn có hiệu lực từ năm 1987 này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với Mỹ và Nga, mà còn cả với các quốc gia châu Âu khi yêu cầu hai siêu cường loại bỏ các dòng tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500 tới 5.500km.

INF được coi là hòn đá tảng đảm bảo an ninh chiến lược cho châu Âu trước mối nguy cơ từ các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Tuân thủ INF, Mỹ đã loại bỏ tên lửa đạn đạo Pershing-2 và tên lửa hành trình Griffin (biến thể trên bộ của tên lửa Tomahawk). Trong khi đó, Liên Xô loại biên các tổ hợp tên lửa đạn đạo di động RSD-10 Pioner, OTR-22 Temp-S, OTK-23 Oka và tên lửa hành trình RK-55 Relef. INF cũng khai tử một loạt chương trình phát triển tên lửa của cả Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên, sau 30 năm, Washington đánh giá INF đã lỗi thời và các mối đe dọa bị tấn công bằng tên lửa không còn chỉ đến từ Nga, mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuyên bố này đã được hiện thực hóa bằng hành động trong gói phân bổ tài chính dành cho việc phát triển tên lửa tầm trung mới trong năm tài khóa 2018.

Hiện tại, giới phân tích quân sự quốc tế vẫn hoài nghi về động lực đằng sau việc Mỹ muốn rút khỏi INF. Thậm chí, nhiều chuyên gia đánh giá, Mỹ rút khỏi INF sẽ khơi mào cho cuộc chạy đua phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới với Nga.

Hành động này chắc chắn sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh chiến lược của phương Tây và buộc châu Âu phải phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ trong lĩnh vực quân sự thông qua NATO.

Những phương án phát triển tên lửa tầm trung mới của Mỹ

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, nếu rút khỏi INF, cách dễ dàng và kinh tế nhất để khôi phục lực lượng tên lửa tầm trung của Mỹ là khôi phục lại biến thể di động và trên bộ của tên lửa hành trình Tomahawk. Hải quân Mỹ rất giàu kinh nghiệm sử dụng dòng tên lửa lưỡng thể có thể mang đầu đạn hạt nhân và thông thường này.

Nếu đi theo hướng này, việc cần làm của Mỹ chỉ là xây dựng các đơn vị vận hành, đào tạo nhân lực, cơ cấu chỉ huy-chiến đấu dành cho Tomahawk phiên bản trên bộ. Tiến trình này có thể giải quyết rất nhanh chóng nếu được phân bổ đủ nguồn tài chính.

Tên lửa hành trình Tomahawk.

Tuy nhiên, tên lửa hành trình Tomahawk lại có nhược điểm là tốc độ bay thấp. Đối phó với các mục tiêu ở khoảng cách lớn, tên lửa Tomahawk cần tới vài giờ bay. Trong thời gian đó, mục tiêu có thể đã cơ động khỏi vị trí ban đầu.

Ngoài Tomahawk, một phương án khác là khôi phục và nâng cấp tên lửa đạn đạo Pershing-2. Đây là dòng tên lửa Liên Xô yêu cầu tiên quyết phải triệt thoái để ký INF do hiệu quả tác chiến của nó.

Sau khi được khôi phục và nâng cấp, Pershing-2 với động cơ nhiên liệu rắn hai tầng có thể mang theo đầu đạn tự dẫn để tấn công chính xác các mục tiêu chiến lược của đối phương trong thời gian ngắn.

Tên lửa đạn đạo Pershing-2

Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc để phát triển và hoàn thiện. Với 58 triệu USD được Quốc hội Mỹ phân bổ trong năm 2018 sẽ chỉ đủ kinh phí phác thảo thiết kế và nguyên mẫu sơ bộ của tên lửa Pershing-2 nâng cấp.

Lựa chọn cuối cùng của Mỹ là nâng cấp sâu tên lửa đạn đạo lục quân ATACS. Với tầm bắn 500-1.000km, ATACS không đóng vai trò là vũ khí tiến công chiến lược, nhưng khi triển khai đúng chỗ, nó có vai trò đối trọng với các tổ hợp tên lửa Iskander của Nga.

Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, tổ hợp Iskander của Nga đang tạo ra mối nguy cơ rất lớn đối với các đồng minh châu Âu của Washington.

Tên lửa ATACS.

Để đối phó được với tổ hợp Iskander, Mỹ và NATO cần nắm địa điểm triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật của Nga, cũng như sự thay đổi trạng thái sẵn sàng chiến đấu của nó. Điều này ở thời điểm hiện tại là không thể với kho vũ khí khổng lồ và khả năng tác chiến điện tử của Nga.

Không chỉ với INF, Mỹ đang tạo tiền lệ xấu khi phá bỏ các định chế tạo ra sự ổn định chiến lược trên toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ khi Washington rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ABM, từ chối phá hủy kho vũ khí hóa học hiện có, đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Những hành động trên đang đẩy thế giới vào cuộc chạy đua vũ trang mới và gây bất ổn định trên quy mô toàn cầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận