Mỹ muốn gì từ việc bắt lãnh đạo Huawei?

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 11/12/2018 05:56

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, mới đây đã đưa ra phân tích về yếu tố tình thế trong vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei.

 

phamsythanh-close2_gxmd

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), ông Phạm Sỹ Thành -

Ngày 1/12/2018, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có những cuộc bàn thảo về khả năng tạm “đình chiến” trong chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ, thì ở một đất nước khác là Canada, giám đốc tài chính của một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới Huawei bị bắt giữ và đối diện với khả năng bị dẫn độ về Mỹ. 

Khi thông tin lan truyền trên truyền thông thế giới, thị trường chứng khoán của hàng loạt nước trên thế giới đã giảm điểm sâu bởi nhà đầu tư trở lại tâm lý hoài nghi về khả năng Mỹ và Trung Quốc “xuống thang” trong căng thẳng thương mại. 

Mới đây, phía Trung Quốc đã cảnh báo Canada về khả năng sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu không ngay lập tức thả tự do bà Mạnh Vãn Chu. Vụ việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu gây sốc bởi trước đó chỉ vài ngày, người ta đã từng tin rằng tuyên bố từ phía Mỹ và Trung Quốc đã phát đi tín hiệu về khả năng hạ nhiệt trong chiến tranh thương mại. 

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, mới đây đã đưa ra phân tích về yếu tố tình thế trong vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei. 

Tại sao là Huawei và vì sao vào lúc này?

Thông tin về việc Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei - một tập đoàn viễn thông tư nhân Trung Quốc - bị bắt tại Canada và dẫn độ về Mỹ thật ra không thể gay cấn hơn thông tin Giám đốc Interpol (người Trung Quốc) bị mất tích và cho là đã bị bắt ở Trung Quốc để điều tra về tội danh tham nhũng.

Nhưng lệnh bắt bà Chu đến vào thời điểm này thật sự không phải một tín hiệu tốt cho quan hệ Mỹ - Trung, và người ta không thể rời bỏ sự quan tâm khỏi sự cạnh tranh chiến lược ngày càng rõ nét giữa hai quốc gia.

Có ít nhất ba đặc điểm của Huawei khiến việc bắt một trong những lãnh đạo trụ cột của công ty trở nên đặc biệt:

(i) Huawei là tập đoàn tư nhân có quan hệ mật thiết với chính phủ; 

(ii) Huawei là tập đoàn viễn thông có thị phần lớn nhất nhì toàn cầu. Ít tập đoàn viễn thông nào làm trọn cả chuỗi ngành như Huawei.

(iii) Huawei từng dính líu đến nhiều "nghi vấn" về an ninh quốc gia của các nước khác.

48270433_2167713266620054_9090663710686445568_o_lj

 Thị phần năm 2017 của các công ty viễn thông lớn nhất thế giới. Nguồn: Lewis (2018)

 

Tập trung vào Huawei cho thấy mức độ leo thang trong chính sách của Mỹ để ngăn chặn các công ty công nghệ của Trung Quốc và cho thấy cách tiếp cận toàn diện của Mỹ với cuộc đua này. Nó khó có thể là một việc làm không cân nhắc.

Để hiểu được cách tiếp cận này toàn diện như thế nào, trước hết hãy quay trở lại với 6 lĩnh vực kinh tế mà Trung Quốc ưu tiên trong "Chiến lược chế tạo tại Trung Quốc 2025" (MIC 2025) bao gồm:

1. Công nghệ bán dẫn

2. Internet (kinh tế số, 5G, thương mại điện tử)

3. Máy bay thương mại

4. Thuốc và thiết bị y tế hiện đại

5. Trí tuệ nhân tạo (AI)

6. Phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng mới (NEV)

4/6 lĩnh vực này đều đã bị Mỹ áp dụng nhiều chính sách cụ thể để ngăn chặn.

Đối với (1) và (3), tháng 8/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành danh sách kiểm soát xuất khẩu nhằm vào 44 công ty và tổ chức của Trung Quốc đang hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, thông tin vệ tinh, bán dẫn và hàng không, ảnh hưởng tới tám tập đoàn lớn của Trung Quốc và hàng chục công ty con.

Đối với (3) và (4), danh mục gần 7000 mặt hàng chịu thuế suất 10 - 25% mà Mỹ đang áp lên hàng xuất khẩu Trung Quốc gồm nhiều hàng hoá thuộc hai nhóm ngành này.

Còn lại nhóm (2), hãy nhớ lại điều đã xảy đến rất sớm, khi chiến tranh thương mại giữa hai nước mới "chớm nở": ngày 16/4, ZTE - một tập đoàn viễn thông tư nhân Trung Quốc khác - bị Mỹ cấm buôn bán với các công ty của Mỹ trong thời hạn 7 năm. 

ZTE sau đó đã phải nộp phạt hơn 1 tỷ USD, thay toàn bộ các lãnh đạo trong HĐQT để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Và bây giờ là Huawei. Nếu nhìn vào lĩnh vực mà Huawei và ZTE đang dẫn đầu thì 5G chính là mối lo lớn nhất về cạnh tranh công nghệ. Fisher - cựu chủ tịch FED tại Dallas – từng nói “sự kiện này (việc 5G thay thế 3G) sẽ giống như việc tiếng Anh thay thế tiếng Đức để trở thành ngôn ngữ thống lĩnh trong tất cả các ngành khoa học”. 

Trung Quốc đã xây dựng 300.000 cột thu phát 5G trong khi Mỹ chỉ xây được vỏn vẹn 1/10 số đó. Do đó viễn cảnh về việc các tập đoàn viễn thông Trung Quốc thống trị thị trường 5G không phải chỉ đem lại cho nền kinh tế Trung Quốc khoản lợi kếch xù 500 tỷ USD mà còn làm chủ nền tảng gắn liền với các lĩnh vực công nghệ cao khác: AI, thương mại điện tử, kinh tế số, dữ liệu lớn.

Điều "đáng sợ" là bất kỳ khâu nào của chuỗi 5G, các công ty Trung Quốc cũng đều đang chiếm ưu thế, ZTE và đứng đầu là Huawei.

Nhìn vào thị phần của hai hãng này có thể thấy, việc "nhắm vào" Huawei là một sự leo thang đáng kể của chính phủ Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc: (i) số lĩnh vực mở rộng; (ii) những công ty lớn nhất bị đưa vào tầm ngắm. Nói như cách mà Trung Quốc vẫn hay dùng thì sau hổ bé đã đến lượt hổ lớn.

Thiệt hại tài chính và hình ảnh của Huawei có thể lớn. Nhưng sẽ không lớn bằng "hoá đơn" của chính phủ Trung Quốc. Kể cả khi Mỹ đã bắt một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này mà không phải vì tội danh "liên quan đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ" thì điều đó cũng không làm cú ra đòn này vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Trung Quốc có thể sẽ rất giận dữ và bất an.

Nhưng bất an có thể sẽ là "trạng thái bình thường mới" trong quan hệ Mỹ - Trung kỷ nguyên này. Và lời hứa 90 ngày không tăng thuế có thể không bên nào phá bỏ, nhưng căng thẳng rõ ràng đã quay trở lại trước khi người Mỹ bước vào kỳ nghỉ dài quan trọng nhất trong năm.

Ý kiến của bạn

Bình luận