"Muốn tiến tới công nghiệp 4.0, Việt Nam hãy đẩy mạnh giáo dục STEM"

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Ứng dụng 18/05/2017 15:54

Sáng 18/5, tại Trung tâm Truyền thông – Bộ Khoa học và Công nghệ, Tiến sĩ Stuart Kohlhagen, Cố vấn cao cấp, cựu Giám đốc Khoa học và Học tập của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Australia (QUESTACON) đã có buổi nói chuyện về chủ đề “Giáo dục khoa học và công nghệ ở thời đại kỹ thuật số.” Đây là một hoạt động trong chuyến công tác của Tiến sĩ Kohlhagen tại Việt Nam kéo dài từ 17-19/5 để tiến hành các cuộc hội thảo về phương pháp giảng dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học STEM.

IMG_3016
Tiến sĩ Kohlhagen tại buổi nói chuyện

Tại buổi nói chuyện, Tiến sĩ Kohlhagen cho biết, các quốc gia phát triển trên thế giới luôn dành sự quan tâm rất lớn đến phát triển khoa học công nghệ, trong đó có công tác giáo dục, đào tạo nhân lực phục vụ khoa học công nghệ và công tác đẩy mạnh chuyển biến của các ngành công nghiệp. Rất nhiều trường học tại những quốc gia phát triển đề cao chỉ số giáo dục cũng như xếp hạng của mình trên các bảng xếp hạng chất lượng giáo dục quốc tế, vì vậy, giáo viên và học sinh luôn phải chịu áp lực nâng cao chất lượng dạy và học. Mặt khác, hiện tại, một số ngành công nghiệp đang gặp khó khăn trong đổi mới sáng tạo, bởi đổi mới sáng tạo đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng rộng, không chỉ am hiểu một lĩnh vực mà cần phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau; trong khi nguồn nhân lực tốt nghiệp từ các trường đào tạo thường chỉ có kỹ năng ở một vài chuyên ngành nhất định. STEM được coi là phương pháp để giải quyết tất cả những vấn đề trên.

Chia sẻ về ứng dụng của STEM tại Úc, Tiến sĩ Kohlhagen cho biết, cách đây 5 năm, STEM là một khái niệm xa lạ ở Australia nhưng ngày nay nó đã được áp dụng rộng rãi ở các trường cấp hai, nhiều trường tiểu học cũng đã bắt đầu áp dụng STEM vào công tác giảng dạy. Chính phủ Australia luôn quan tâm, hỗ trợ các trường học ứng dụng phương pháp STEM thông qua nhiều cách thức khác nhau, có thể bằng kinh phí hoặc hỗ trợ đào tạo giáo viên, trang thiết bị…

1_VAJO
Ảnh minh họa

Nhận xét về việc ứng dụng STEM ở Việt Nam, Tiến sĩ Kohlhagen đánh giá, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tìm hiểu kinh nghiệm của nước ngoài để ứng dụng STEM. Thách thức lớn nhất của Việt Nam là hiện tại khó có thể tiến hành các dự án lớn về STEM tại trường học bởi phương pháp này chưa thực sự phổ biến. Lời khuyên của Tiến sĩ Kohlhagen là bắt đầu bằng việc đào tạo giáo viên. Tiến sĩ đã từng chứng kiến nhiều trường hợp tiếp cận STEM ở một số quốc gia bằng cách đầu tư, mua sắm nhiều trang thiết bị công nghệ cao về để phục vụ giảng dạy, song lại quên mất việc đào tạo giáo viên, dẫn đến việc thiết bị thì xịn nhưng giáo viên lại không biết dùng. Do đó, bắt đầu bằng đào tạo giáo viên là các thức dễ nhất và hiệu quả nhất, không cần thiết bị phức tạp. Cách để giáo dục STEM thực ra không cần quá cao siêu, chỉ cần những ví dụ đơn giản, chẳng hạn giảng viên xé một tờ giấy ra làm nhiều mảnh và tung lên, học sinh có thể dùng điện thoại để quay video lại, từ đó so sánh, tính toán tốc độ rơi của các mảnh giấy… Như vậy, học sinh vừa học được cách tư duy, vừa học được cách vận dụng đúng cách các thiết bị điện tử để phục vụ quá trình học tập, thay vì lên mạng và tra Google để tìm đáp án.

Tiến sĩ Kohlhagen chia sẻ rằng, Việt Nam nên sử dụng cách tiếp cận này không phải vì Việt Nam không có đủ khả năng đầu tư thiết bị công nghệ cao mà bởi, cách tiếp cận đơn giản thực sự có hiệu quả hơn. Ngoài ra, Tiến sĩ Kohlhagen cũng đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần tạo cơ chế kết nối giáo viên với các nhà nghiên cứu của các ngành công nghiệp, kết nối các nhà nghiên cứu trẻ với học sinh, sinh viên để đẩy mạnh ứng dụng STEM trong dạy và học, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

STEM là gì?

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật  và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

STEM là tích hợp của 4 kỹ năng:

Kỹ năng khoa học:  Học sinh được trang bị những kiến thức về các khái niệm, các nguyên lý, các định luật và các cơ sở lý thuyết của giáo dục khoa học. Mục tiêu quan trọng nhất là thông qua giáo dục khoa học, học sinh có khả năng liên kết các kiến thức này để thực hành và có tư duy để sử dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong thực tế.

Kỹ năng công nghệ: Học sinh có khả năng sử dụng, quản lý, hiểu biết, và truy cập được công nghệ, từ những vật dụng đơn giản như cái bút, chiếc quạt đến những hệ thống phức tạp như mạng internet, máy móc.

Kỹ năng kỹ thuật:  Học sinh được trang bị kỹ năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Vấn đề này đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích, tổng hợp và kết hợp để biết cách làm thế nào để cân bằng các yếu tố liên quan (như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật) để có được một giải pháp tốt nhất trong thiết kế và xây dựng quy trình. Ngoài ra học sinh còn có khả năng nhìn nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.

Kỹ năng toán học: Là khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của toán học trong mọi khía cạnh tồn tại trên thế giới. Học sinh có kỹ năng toán học sẽ có khả năng thể hiện các ý tưởng một cách chính xác, có khả năng áp dụng các khái niệm và kĩ năng toán học vào cuộc sống hằng ngày.

Song song kỹ năng STEM, Giáo dục STEM cũng trang bị cho học sinh những kỹ năng phù hợp để phát triển trong thế kỷ 21. Bộ kỹ năng Thế kỷ 21 được tóm tắt gồm những kỹ năng chính: Tư duy phản biện, Kỹ năng trao đổi và cộng tác, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng làm việc theo dự án.

Những học sinh theo học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có những ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập và làm việc vượt trội và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn trong khi không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh. Với học sinh phổ thông, việc theo học các môn học STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, học sinh sẽ chủ động thích thú với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó, từ đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành cho các bậc học cao hơn và sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau.

Theo stem.vn

Ý kiến của bạn

Bình luận