MRT - Khung xương sống của hệ thống giao thông Singapore

Ý kiến phản biện 30/03/2016 06:47

Hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao Singapore (Singapore Mass Rapid Transit - SMRT) là hệ thống đường sắt đô thị lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau hệ thống giao thông đường sắt hạng nhẹ MRT. MRT được phát triển dựa trên chính sách của Chính phủ Singapore nhằm duy trì một hệ thống giao thông toàn diện trong toàn thành phố với hệ thống MRT đóng vai trò xương sống.

Dover_mrt_singapore_z
Trạm tàu Dover, Singapore

Lịch sử phát triển

Được đưa vào hoạt động vào năm 1987, hiện tại, hệ thống MRT đang có 121 ga tàu hoạt động, 170km đường sắt chạy khắp thành phố và lượng khách sử dụng lên tới hơn 2 triệu người/ngày, tương đương với 0,60 lần số lượng người sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển.

Hệ thống MRT được xây dựng bởi Cục Quản lý giao thông đường bộ Singapore (Land Transport Authority - LTA). Hệ thống đường sắt sau đó được nhượng cho Tập đoàn SMRT, Công ty SBS transit quản lý và kinh doanh khai thác. Việc nhượng quyền khai thác và quản lý hệ thống MRT cho các tập đoàn trên nhằm việc đảm bảo một hệ thống giao thông công cộng đồng nhất trên toàn đất nước Singapore do các tập đoàn này cũng đang kinh doanh hệ thống xe buýt và taxi.

Kết cấu, tổ chức của hệ thống MRT

Các tuyến đường sắt đô thị MRT hoạt động song hành với hệ thống giao thông đường sắt hạng nhẹ (Light Rail Transit - LRT). Vị trí các ga được đặt tại các khu nhà chung cư có mật độ dân cư cao, các khu văn phòng, trung tâm mua sắm và khu vui chơi giải trí. Các trạm trung chuyển lớn giữa các tuyến đi khác nhau còn được tích hợp cả trạm trung chuyển xe buýt, hệ thống trung tâm thương mại và các dịch vụ tiện ích khác. Hệ thống MRT bắt đầu hoạt động vào lúc 5 giờ 30 phút sáng và kết thúc hoạt động  lúc 01 giờ sáng ngày hôm sau, trung bình cứ 03 đến 8 phút sẽ có 01 đoàn tàu cập ga. Hoạt động của MRT sẽ kéo dài hơn trong các ngày lễ của Singapore.

Ngoại trừ trạm tàu Bishan, toàn bộ hệ thống MRT được xây dựng hoàn toàn ở dưới lòng đất. Kết cấu tầng hầm được gia cố nhằm chống chọi được các vụ oanh tạc bằng bom hoặc khủng bố. Trong trường hợp tấn công xảy ra, các trạm ga MRT sẽ được sử dụng làm hầm trú ẩn cho người dân. Hệ thống các trạm phát sóng di động cũng được bố trí trên toàn tuyến nhằm đảm bảo dịch vụ viễn thông ổn định đến hành khách đi tàu. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống nhà ga và tàu đều được trang bị điều hòa.

Toàn bộ các nhà ga MRT đều được trang bị hệ thống vé tàu điện tử (Electric Ticketing Machine - GTM). Khách đi tàu có thể mua vé đơn bằng cách nạp tiền vào hệ thống này hoặc sử dụng thẻ nạp tiền cho Tập đoàn SMRT lưu hành để di chuyển lâu dài. Việc áp dụng hệ thống vé điện tử nhằm giảm thiểu thời gian xếp hàng mua vé tàu. Ngoài ra, hệ thống thẻ này còn có thể sử dụng như vé xe buýt và thanh toán tiền taxi.

Bên cạnh hệ thống vé tàu điện tử, các nhà ga MRT còn có trung tâm dịch vụ khách hàng (Passenger Service Centre) nhằm giải đáp thắc mắc cho khách hàng và cung cấp chi tiết thông tin dịch vụ, hệ thống bảng điện tử thông báo giờ tàu, khu vệ sinh công cộng. Các trạm trung chuyển lớn còn được tích hợp hệ thống thang máy chịu lực cao, các cửa hàng tiện dụng, trung tâm mua sắm, hệ thống thanh toán ATM và các trạm chờ taxi nhằm đảm bảo lưu thông hành khách tại các nút giao lớn.

Chi phí sử dụng dịch vụ

Giá vé đi lại trên hệ thống MRT được tính toán dựa trên khoảng cách giữa trạm xuất phát và trạm đến. Người sử dụng cũng được khuyến khích sử dụng thẻ thanh toán do giá thành thấp hơn so với mua vé đơn chặng, mức giá sàn khi đi MRT là 0,72 SGD và cao nhất là 2,67 SGD cho một chặng tàu.

Để có mức giá “dễ chịu” như vậy, các tập đoàn quản lý hệ thống MRT đã được Cục Quản lý giao thông Đường bộ yêu cầu đưa ra mức giá vé ở mức cân bằng giữa chi phí hoạt động và lợi nhuận thu về. Ngoài ra, Ủy ban Giao thông Đường bộ (PTC) là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thay đổi các mức giá tùy theo tình hình thị trường. Bên cạnh đó, Tập đoàn SMRT cũng được yêu cầu giữ mức giá đi MRT gần bằng so với xe buýt nhằm giảm đi sự phụ thuộc của người dân vào hệ thống xe buýt công cộng.

Các biện pháp đảm bảo an toàn

Đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ MRT là yêu cầu lớn nhất đối với các nhà quản lý hệ thống. Các chiến dịch tuyên truyền ATGT được tổ chức liên tục với áp phích khẩu hiệu được gắn trên các ga và toa tàu. Ngoài ra, các nhân viên kiểm soát cũng liên tục thông báo về cách thức đi lại an toàn trên MRT thông qua hệ thống loa phóng thanh. Phòng chống hỏa hoạn cũng được kiểm soát rất chặt chẽ dựa trên tiêu chuẩn do Hiệp hội Phòng chống hỏa hoạn Hoa Kỳ đưa ra.

Đối với hệ thống tàu, các cửa kính cường lực cũng được bố trí tại khu vưc chờ nhằm phòng tránh nguy cơ hành khách sảy chân xuống đường ray. Hệ thống camera dày đặc cũng được bố trí tại mọi ngóc ngách của sân ga để nhân viên kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố bất thường. Đối với các hành khách đi tàu, việc ăn uống, hút thuốc lá và sử dụng các thiết bị khẩn cấp bừa bãi hoàn toàn bị nghiêm cấm. Hành khách vi phạm sẽ bị phạt một khoản phí rất lớn, có thể lên tới 5.000 SGD. Thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, các cơ quan thẩm quyền sẽ tiến hành các thủ tục truy tố hình sự đối với người vi phạm.

Ý kiến của bạn

Bình luận