Một số vấn đề kỹ thuật và chất lượng thi công đường cao tốc

Tác giả: PGS. TS. Hoàng Tùng

saosaosaosaosao
Bạn đọc 12/03/2020 06:06

Đường cao tốc có yêu cầu rất cao về chất lượng, đảm bảo giao thông liên tục, an toàn. Để đạt được yêu cầu này, trong công tác thiết kế, xây dựng và khai thác đường cao tốc, các vấn đề điển hình liên quan đến kỹ thuật và chất lượng đường cao tốc phải được cập nhật, làm rõ để tránh mắc phải hoặc khắc phục kịp thời các tồn tại liên quan đến chất lượng của công trình. Do vậy, khi triển khai xây dựng cần phải lưu ý đến một số vấn đề kỹ thuật và chất lượng mang đặc điểm riêng của công trình đường cao tốc.

 

3
Lu lèn được đánh giá là một trong những khâu quan trọng trong thi công đường cao tốc

Yêu cầu kỹ thuật về quản lý chất lượng xây dựng đường ô tô cao tốc

So với đường ô tô thông thường, đường cao tốc có đặc điểm khác biệt, điển hình như: khối lượng lớn, thi công trên một diện rộng nên khó bảo đảm chất lượng đồng đều theo phương ngang và phương dọc; khối lượng lớn dẫn đến thời gian thi công kéo dài. Do vậy, một số bộ phận, hạng mục dễ bị tác động do thiên nhiên phá hoại, làm giảm chất lượng ngay trong quá trình thi công và ngay khi vừa làm xong nhưng chưa kịp thực hiện các hạng mục tiếp theo. Các chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng thiết kế và thi công (kích thước hình học, độ bằng phẳng, độ chặt đầm nén, chất lượng vật liệu...) đều yêu cầu cao để bảo đảm tuổi thọ lâu dài của đường cao tốc. Đường cao tốc có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn, vốn đầu tư rất cao, do vậy nếu xuất hiện hư hỏng sớm sẽ tác động xấu đến dư luận xã hội và vận hành khai thác đường cao tốc.

Quản lý chặt các khâu trong quá trình thi công 

Đối với giai đoạn trước khi thi công, thực tế triển khai đã cho thấy còn một số tồn tại sai sót trong hồ sơ thiết kế, kể cả bản vẽ thi công. Nhiều điều khoản quy định trong “Quy định kỹ thuật” của các dự án đường cao tốc là sao chép chung chung, thiếu chi tiết, cụ thể và thậm chí không phù hợp với điều kiện tại chỗ hay đặc điểm kỹ thuật riêng biệt của từng dự án. Mặt khác, phòng thí nghiệm hiện trường của nhà thầu, tư vấn kiểm định triển khai chậm so với tiến độ thi công chung, thiếu năng lực; không có đường tạm phục vụ thi công, nhà thầu phụ thi công không đủ năng lực; không thực hiện công tác thi công thử nghiệm...

Do vậy, ở giai đoạn chuẩn bị thi công cần rà soát chặt chẽ và thực hiện đầy đủ các nội dung như: Khảo sát bổ sung để lập bản vẽ thiết kế chi tiết; soát xét lại “Quy định kỹ thuật’’ của dự án; kiểm tra phòng thí nghiệm hiện trường; kiểm tra đường tạm (đường công vụ) dọc tuyến; kiểm tra chủng loại, chất lượng và số lượng xe, máy (trang thiết bị thi công) đối với mỗi hạng mục công trình sắp thi công; triển khai công tác thi công thử nghiệm trước khi thi công đại trà; kiểm tra năng lực nhà thầu phụ (trong trường hợp nhà thầu chính thuê nhà thầu phụ). 

Trong quá trình thi công, một số tồn tại sau đây thường xuyên gặp phải, có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình: Vật liệu sử dụng không đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, xuất sứ và sự đồng đều; thiếu nghiêm túc trong việc kiểm soát chất lượng bộ phận (hạng mục) công trình đã làm xong trước khi chuyển sang thi công bộ phận (hạng mục) tiếp theo; việc kiểm tra vẫn mang tính bị động (theo thư yêu cầu của nhà thầu), chưa mang tính chủ động; không có đánh giá về tính đồng nhất đối với chất lượng của công trình; hệ thống các mẫu biểu từ công việc kiểm tra, nghiệm thu hàng ngày đến mẫu biểu của hồ sơ hoàn công công trình còn dài dòng, phức tạp, gây trở ngại cho nhà thầu và tư vấn.

Do vậy, các nội dung quản lý chất lượng trong quá trình thi công cần được chú trọng, bao gồm: Quản lý chất lượng vật liệu, nguồn (loại) vật liệu sử dụng cho mỗi hạng mục công việc hoặc bộ phận của công trình; kiểm soát chất lượng bộ phận (hạng mục) công trình đã làm xong; áp dụng phương pháp quản lý chất lượng “động’’ trong quá trình thi công; thường xuyên soát xét, bổ sung hoàn thiện các mẫu biểu kiểm tra, nghiệm thu, trong đó kể cả mẫu biểu phục vụ cho báo cáo hoàn công công trình.

Lưu ý khi thi công đường ô tô cao tốc

Đối với thi công nền đường hiện đang bị các nhà thầu coi là đơn giản (chỉ là “công tác đất”) mà quên rằng đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng, quyết định tính bền vững lâu dài của kết cấu tổng thể nền mặt đường. 

Đối với nền đường đắp, các tồn tại hay gặp khi thi công hạng mục này là: Không có biện pháp thoát nước tạm và bảo vệ bề mặt trong quá trình thi công; không tuân thủ quy định về chiều dày và độ dốc ngang của các lớp rải; không chú ý khống chế độ ẩm tốt nhất của vật liệu; số lượng và chủng loại lu không đủ, thường thiếu lu là phẳng trước khi hoàn thiện lu mỗi lớp đắp. Một số trường hợp để bơm được từ sà lan vào công trình, cát thường có độ ẩm rất lớn (đến mức hóa lỏng) và được bơm với chiều dày lớn, ảnh hưởng rất tiêu cực tới chất lượng của nền đường. Để khắc phục cần phải kiên quyết kiểm soát chiều dày, khả năng thoát nước, độ ẩm và công lu lèn các lớp đắp theo quy định. 

Riêng đối với nền đường đắp trên đất yếu, hiện nay chúng ta hầu như đã làm chủ công tác thiết kế, thi công nền đường đắp trên đất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác vẫn bộc lộ các hư hỏng ở khu vực này mà nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thời gian gia tải, cố kết không đảm bảo. Vì thế, việc lập kế hoạch để tiến hành thi công sớm hoặc đúng tiến độ các khu vực này là vô cùng quan trọng.

Đối với thi công các lớp móng cấp phối đá dăm, giai đoạn thi công này còn tồn tại một số vấn đề: Vật liệu cấp phối không được kiểm tra và tạo ẩm đạt mức độ tốt nhất trước khi rải vào lòng đường để lu lèn; rải và lu thành vệt chỉ rộng 3,5 - 4,0m (tạo ra quá nhiều vệt tiếp xúc dọc trên toàn bề rộng mặt đường đường cao tốc); mặt lớp thi công không có dốc ngang, không bằng phẳng (sau khi tưới dính bám, gặp mưa nước đọng thành các ổ, vũng nhỏ ngay trên mặt lớp); không chú trọng các thao tác chống phân tầng các cỡ hạt khi rải; thiếu lu nhẹ để lu các lượt đầu tiên (lu sơ bộ); thiếu bảo dưỡng để hạn chế tác dụng của mưa và xe cộ đi lại trên mặt móng sau khi móng thi công xong đang chờ để thi công lớp trên.

Đối với thi công các lớp bê tông nhựa cần quản lý chất lượng sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa theo phương pháp “động” đã đề cập ở trên, trong đó chú trọng sự biến đổi các thành phần của mỗi mẻ trộn, nhiệt độ và thời gian trộn mỗi mẻ. Phải lấy mẫu và đúc mẫu Marshall cho mỗi ca trộn để làm cơ sở xác định độ chặt tiêu chuẩn tương ứng với mỗi lý trình rải bê tông nhựa ở hiện trường (phục vụ cho việc kiểm tra độ chặt lu lèn bê tông nhựa cho từng đoạn rải ở hiện trường).  Trong quá trình thi công bê tông nhựa cần tuân thủ các yêu cầu và chỉ dẫn trong TCVN 

8819:2011, trong đó cần chú ý: Phải đủ các loại lu (có 3 loại), kiểm soát nhiệt độ ở các khâu, kiểm soát hành trình lu, số lượng lu đúng như khẳng định khi thi công thử. Đặc biệt, đối với các khu vực địa hình trống trải, gió lớn, độ ẩm cao (đặc biệt là khu vực ven sông, biển) cần phải có biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của điều kiện môi trường xung quanh tới nhiệt độ của bê tông nhựa. Khi cần, có thể rút ngắn chiều dài dây chuyền thi công và tăng số lượng máy thi công để giảm thời gian lu lèn bê tông nhựa cho mỗi dây chuyền.

Để đảm bảo chất lượng công trình, một số yêu cầu kỹ thuật cũng như các vấn đề thường gặp liên quan đến chất lượng đường ô tô cao tốc hay bị coi là đơn giản, “biết rồi” nhưng lại rất hay xảy ra, cần được nghiêm túc nhìn nhận và thực hiện để công trình đường cao tốc phát huy hết khả năng khai thác theo chức năng một cách bền vững, lâu dài

Ý kiến của bạn

Bình luận