Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế công trình đường giao thông ở tỉnh Đồng Tháp

06/10/2015 05:21

Bài báo giới thiệu tình hình thực tế và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế công trình đường giao thông ở tỉnh Đồng Tháp

TS. Nguyễn Thống Nhất

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

KS. Lê Công Sĩ

Ban QLDA 1 - Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp

Người phản biện:

PGS. TS. Lê Thị Bích Thủy

Tóm tắt: Bài báo giới thiệu tình hình thực tế và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế công trình đường giao thông ở tỉnh Đồng Tháp.

Từ khóa: Khảo sát thiết kế đường giao thông ở Đồng Tháp.

Abstract: The paper introduces the actual situation and propose some solutions to improve the quality of the survey and design works of roads in Dong Thap province.

Keywords: Surveying and designing traffic roads in Dong Thap.

 1. Đặt vấn đề

Đồng Tháp là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở phía Tây Nam TP. Hồ Chí Minh. Là cửa ngõ của vùng nguyên liệu, nông, thủy sản, thực phẩm, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia, Đồng Tháp đã và đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Những điều kiện này đòi hỏi tỉnh phải đẩy nhanh hơn quá trình phát triển hạ tầng giao thông.

Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, ngoài việc tập trung đầu tư, kêu gọi các nguồn vốn trong và ngoài nước, công tác quản lý khảo sát, thiết kế một cách hiệu quả cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo công trình đạt tiến độ, chất lượng, chi phí đầu tư thấp, nâng cao năng lực vận tải và khai thác an toàn, thông suốt.

Thời gian qua, cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có một số gói thầu, dự án, do khảo sát, thiết kế yếu kém, đến khi triển khai thi công không đảm bảo kế hoạch, thời gian kéo dài, chất lượng còn nhiều tồn tại. Công trình vừa làm xong đã hư hỏng, bong tróc; giá thành đội lên cao do phải điều chỉnh, bổ sung, gây lãng phí, tạo ra cách nhìn không mấy thiện cảm trong dư luận xã hội. Có những tồn tại, hạn chế nêu trên một phần do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công.

Vì vậy, cần đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, mặt yếu; những ưu điểm, tồn tại và hạn chế khi thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng công tác khảo sát, thiết kế công trình ở Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp những năm qua, đề xuất một số giải pháp để công tác trên hoàn thiện là hết sức cần thiết.

2. Tình hình thực tế hiện nay

2.1. Đặc điểm

Xây dựng hệ thống kết cấu đường giao thông trong khu vực tỉnh Đồng Tháp tương đối phức tạp, phải xử lý nền đất yếu, nguồn khai thác các mỏ đá không có. Hầu hết các dự án được thực hiện là các dự án nhóm B, C có quy mô trung bình và nhỏ. Thời gian thực hiện một dự án từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến triển khai thi công ngắn. Số lượng dự án hàng năm còn tương đối khiêm tốn, khoảng trên dưới 20 dự án. Lượng cán bộ kỹ thuật để thực hiện dự án có hạn nên tình trạng tiến độ dự án bị chậm và chưa đạt yêu cầu là tương đối phổ biến. Các dự án đường ô tô chịu ảnh hưởng của địa chất, thủy văn, thời tiết, khí hậu, do có đặc điểm là trải dài theo tuyến.

2.2. Tình hình thực tế

Từ các kết luận thanh tra, kiểm toán, xác định mức độ tồn tại của từng khâu, từng mảng công việc trong vòng đời của dự án từ khi lập dự án cho tới khi hoàn thành đưa vào khai thác. Tổng số tồn tại của các dự án đường giao thông giai đoạn 2009 - 2014 là 38. Cụ thể như sau:

b

Như vậy, trong tổng số 38 công trình có các vấn đề tồn tại, liên quan đến công tác khảo sát, thiết kế, lập, lưu trữ hồ sơ, dự án là 8, chiếm tới 21%.

2.3. Tồn tại chủ yếu

2.3.1. Trong giai đoạn lập dự án đầu tư

Trong giai đoạn này, chất lượng công tác khảo sát và lập hồ sơ dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình, chi phí, thời gian và an toàn trong thi công, khai thác... Tuy nhiên, hiện nay, đa số các dự án được lập không phù hợp với thực tế, chất lượng phê duyệt thiếu chính xác, do quan niệm đây chỉ là khâu thủ tục. Các phương án thiết kế chưa xem xét toàn diện các mặt kỹ thuật, kinh tế - tài chính, thẩm mỹ, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng; chưa chú ý đến khả năng cải tạo và mở rộng sau này. Còn tồn tại nhiều vấn đề như sau:

- Nhiệm vụ khảo sát chưa phù hợp với yêu cầu từng loại công việc, từng bước thiết kế. Khối lượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật không phù hợp với  nhiệm vụ khảo sát, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Khảo sát địa chất, địa hình, thủy văn không đầy đủ, dùng phương pháp nội suy để có các số liệu, dẫn đến không sát với thực tế.

- Các đơn vị tư vấn do khảo sát không kỹ phải thay đổi phương án thiết kế. Trong đề án không so sánh phương án để có lựa chọn phương án tối ưu. Thiết kế đưa ra phương án tuyến sai  chưa chú ý tới quy hoạch xây dựng, điều kiện và các quy định ở địa phương.

- Nội dung thiết kế cơ sở chưa đáp yêu cầu của từng bước thiết kế, chưa thỏa mãn yêu cầu và chức năng sử dụng, chưa chú ý bảo đảm mỹ quan, giá thành chưa hợp lý.

2.3.2. Trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật và thi công

Công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật và lập dự toán là công tác đặt nền móng cho giai đoạn thực hiện đầu tư. Quản lý chất lượng ở đây chính là công tác thẩm định khảo sát - thiết kế - dự toán một cách khách quan, trung thực, chính xác. Tuy nhiên, tình trạng sai sót vẫn còn nhiều và do nhiều yếu tố khác, làm ảnh hưởng đến chất lượng của hồ sơ thiết kế:

- Khảo sát:Có đơn vị vẫn tận dụng báo cáo khảo sát của bước lập dự án mà ít khảo sát lại. Quá trình khảo sát không nghiệm thu tại hiện trường, chủ yếu ở văn phòng, lấy số liệu công trình lân cận để đưa ra kết quả khảo sát hoặc chỉ khảo sát một vài vị trí, sau đó nội suy... Trong công tác khảo sát phục vụ thiết kế kỹ thuật, một số công trình có sai khác nhiều so với thực tế về địa chất, địa hình dẫn đến phát sinh khối lượng trong quá trình thi công khá lớn.

-Thiết kế:Tình trạng thiết kế sai sót, công tác thẩm định mang tính hình thức, chưa kiểm soát hết được sự bất hợp lý, không đồng nhất trong hồ sơ, làm mất nhiều thời gian phải chỉnh sửa, làm chậm tiến độ chung của dự án, gây khó khăn trong công tác đấu thầu và tổ chức thi công.

Việc giám sát tác giả của đơn vị tư vấn chưa nghiêm túc, trách nhiệm chưa cao, chưa chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm của mình. Nhiều khi, do đảm nhận cùng một lúc nhiều dự án trong khi thời gian thì ngắn nên việc quản lý chất lượng của một số hồ sơ không cao.

-Dự toán:Giá trị dự toán thường rất cao so với giá trúng thầu, không sát với thực tế. Trong thiết kế không so sánh để tránh tối đa việc đền bù, phải sửa đi sửa lại nhiều lần kể cả trước và sau khi trình duyệt nên đến giai đoạn sau phải xin thỏa thuận lại hoặc phải thay đổi tuyến làm tăng tổng mức đầu tư, chậm tiến độ thi công.

h1,2

Hình 2.1: Khoan khảo sát địa chất ĐT852B                  Hình 2.2: Thí nghiệm địa chất đường ĐT843 thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp                              thuộc huyệnThanh Bình, tỉnh Đồng Tháp

3. Nguyên nhân của những tồn tại trong công tác khảo sát, thiết kế

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Các văn bản pháp quy ban hành còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và chưa rõ ràng, dẫn tới     việc hiểu để vận dụng có khác nhau. Quy chế quản lý đầu tư chưa tiêu chuẩn hóa từng chỉ tiêu cho từng loại công việc tư vấn.

- Cách tính định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập. Việc trả tiền thiết kế theo tỷ lệ phần trăm so với giá trị dự toán được duyệt mà chưa có sự gắn kết với hiệu quả mang lại cho chủ đầu tư. Nhiều đồ án thiết kế chưa coi trọng lợi ích kinh tế của chủ đầu tư, tăng chi phí xây lắp còn giúp tăng khoản thiết kế phí, do đó, không tạo động lực thúc đẩy tư vấn thiết kế tìm tòi ứng dụng công nghệ mới. Khi giải pháp thiết kế tốt hơn có thể làm giảm giá trị thiết kế phí.

- Chưa có chế tài cụ thể, quy định rõ trách nhiệm đối với tư vấn lập dự án khi sai sót dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

- Vốn bố trí không đủ, các thủ tục hành chính chiếm không ít thời gian, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, làm cho hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán phải điều chỉnh, thay đổi.

h3,4

Hình 3.1: Biểu đồ thể hiện chi phí trung bình         Hình 3.2: Biểu đồ giá trị tư vấn, giá trị xây lắp

3.2. Nguyên nhân chủ quan

3.2.1. Trong giai đoạn lập dự án đầu tư

- Chủ đầu tư:Chưa tập trung đi sâu vào nghiên cứu, xác định, kiểm tra các số liệu do tư vấn cung cấp để làm cơ sở xây dựng phương án khả thi, hợp lý về mặt kỹ thuật và kinh tế; thường đề nghị lập dự án theo phương án đề xuất của mình, làm giảm tính chủ động của đơn vị tư vấn.

+ Năng lực cán bộ không đều và còn hạn chế; tính tự giác, tinh thần trách nhiệm trong công việc của một bộ phận cán bộ chưa cao.

- Đơn vị tư vấn: Việc tính toán, dự báo lưu lượng xe, đề xuất lựa chọn quy mô đầu tư còn chưa được nghiên cứu toàn diện; công tác đếm xe còn mang tính hình thức; chưa phản ánh hết thực tế vai trò và sự hấp dẫn của tuyến đường nên nhiều khi vừa đưa vào khai thác đã bị quá tải;

+ Đơn vị lập dự án khi không được lập thiết kế kỹ thuật thì dễ dẫn tới tình trạng chưa thực sự quan tâm đầy đủ tới bước sau, khi thiết kế chi tiết phải điều chỉnh nhiều lần so với dự án đã được duyệt;

+ Chưa đề xuất để so sánh lựa chọn phương án tuyến tối ưu. Phương án được chọn chưa  phù hợp dẫn đến nhiều vị trí đào sâu, đắp cao, phải sử dụng các giải pháp gây lãng phí mà vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Công tác triển khai tuyến còn sơ sài, chưa được chủ nhiệm thiết kế quan tâm, phó mặc cho các đội khảo sát cắm tuyến ngoài thực địa, dẫn đến chất lượng yếu kém;

+ Các giải pháp thiết kế chính trong thiết kế cơ sở chưa được đầu tư nghiên cứu cẩn thận, còn xảy ra tình trạng sao chép bản vẽ điển hình từ công trình này sang công trình khác nhưng không chỉnh sửa cho phù hợp với công trình hiện tại.

3.2.2. Trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật và thi công

- Đơn vị tư vấn thiết kế: Công tác khảo sát còn chưa được chuẩn xác. Số liệu trắc ngang chi tiết nhiều khi còn nội suy, sửa số liệu trên máy không cập nhật lại thực tế hiện trường. Nhiều dự án đơn vị thi công kiểm tra lại sai số khối lượng trên từng trắc ngang rất lớn.

+ Còn phụ thuộc quá nhiều vào thiết kế cơ sở. Việc điều chỉnh các vấn đề kỹ thuật chưa hợp lý như điều chỉnh các cánh tuyến, vi chỉnh các đỉnh đường cong, thay đổi bán kính cong…;

+ Việc tính toán, xử lý ổn định công trình qua các vùng đất yếu, sụt, trượt… sơ sài, tư vấn thường áp dụng định hình có sẵn mà không tính toán kiểm tra lại;

+ Đối với các tuyến đường nâng cấp, cải tạo đang khai thác, tư vấn chưa quan tâm đến công tác đảm bảo giao thông, hoặc phương án đảm bảo giao thông không hợp lý;

+ Nhiều cán bộ làm công tác thiết kế chưa có nhiều kinh nghiệm thi công dẫn tới thiết kế không phù hợp với tình hình thực tế, biện pháp thi công.

- Đơn vị tư vấn thẩm tra: Nội dung thẩm tra nặng về phản biện, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự tối ưu của phương án thiết kế về kinh tế - kỹ thuật. Một số đơn vị thẩm tra không xem xét kỹ phương án kỹ thuật và cách bóc tách khối lượng mà lại liên hệ với tư vấn thiết kế, sử dụng các tài liệu và kết quả dự toán để chỉnh sửa. Công tác thẩm tra hồ sơ chưa khoa học, nhiều đơn vị chưa đưa ra được quy trình cụ thể của các nội dung cần phải thẩm tra, dẫn tới nhiều nội dung sai sót vẫn không phát hiện ra.

- Đơn vị kiểm định: Chưa mang tính chuyên nghiệp, một số cán bộ thiếu kinh nghiệm; chưa có quy trình kiểm định, cơ sở đào tạo và qui định về năng lực của kiểm định viên; chưa tạo được sự liên kết thông tin giữa các tổ chức kiểm định;

+ Công nghệ xây dựng đã có nhiều tiến bộ, thay đổi nhưng hoạt động thí nghiệm chưa được sự quan tâm đầu tư có chiều sâu.

- Đối với chủ đầu tư:Công tác thẩm định còn yếu, chưa am hiểu thực tế nên thực hiện chưa tốt, chưa đưa ra nhiều ý kiến phản biện khi phê duyệt hồ sơ thiết kế. Công tác kiểm tra, kiểm soát hồ sơ còn chưa sâu sát, kỹ lưỡng.

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế 

4.1. Trong giai đoạn lập dự án đầu tư

- Phải xem xét toàn diện các mặt kỹ thuật, kinh tế - tài chính, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, chú ý đến khả năng cải tạo và mở rộng sau này, đưa ra nhiều phương án để lựa chọn: Vị trí tuyến, hướng tuyến và quy mô kỹ thuật của tuyến đường.

- Chủ đầu tư phải yêu cầu tư vấn thực hiện đúng yêu cầu trong nhiệm vụ, phương án khảo sát đã được phê duyệt; tập trung đi sâu vào nghiên cứu, xác định, kiểm tra các số liệu do tư vấn cung cấp để tránh tình trạng thiết kế quá thiên về an toàn, bất hợp lý; có chế tài cụ thể, phạt % với tư vấn khi sai sót dẫn đến bước thiết kế sau phải điều chỉnh nhiều lần, hiệu quả đầu tư thấp.

- Nâng cao năng lực, tính tự giác, tinh thần trách nhiệm trong công việc của một bộ phận cán bộ của chủ đầu tư và tư vấn.

4.2. Trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thi công

- Lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm qua những dự án đã được họ thực hiện trước đó bằng phương pháp đánh giá chấm điểm công khai, minh bạch, loại trừ các tư vấn yếu kém; xây dựng kế hoạch và quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng công việc của nhà thầu tư vấn.

- Yêu cầu các bộ phận kỹ thuật tiến hành thị sát tuyến, nghiên cứu kỹ địa hình, địa mạo khu vực để lập đề cương khảo sát chi tiết, đầy đủ các yếu tố, phục vụ cho công tác thiết kế.

- Tăng cường công tác giám sát khảo sát, yêu cầu các bộ phận kỹ thuật khi kiểm tra, nghiệm thu khảo sát phải rà soát kỹ hồ sơ khảo sát và thực tế hiện trường. Trường hợp cần thiết, yêu cầu tư vấn khảo sát đo đạc kiểm tra lại để đảm bảo chất lượng hồ sơ khảo sát.

- Để đảm bảo chất lượng và tiến độ, cần phải tổ chức giao ban với đơn vị tư vấn, đồng thời cử cán bộ trực tiếp qua trụ sở các đơn vị tư vấn phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết kế hợp lý. Đưa các điều khoản cụ thể vào hợp đồng để yêu cầu tư vấn phải bố trí các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực hiện và có chế tài xử phạt thiết kế không đảm bảo chất lượng.

- Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, lựa chọn các đơn vị thẩm tra có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín. Hợp đồng thẩm tra cần quy định rõ yêu cầu về trách nhiệm cuả tư vấn thẩm tra, các điều khoản về xử lý vi phạm chất lượng, bồi thường thiệt hại khi kết quả thẩm tra không phù hợp hoặc không phát hiện sai sót gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Báo cáo kết quả thẩm tra phải rõ ràng, tỉ mỉ, chi tiết, không chung chung.

- Kiến nghị Nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích tổ chức thực hiện và có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO ở tất cả các khâu từ quản lý văn phòng đến thực địa; đẩy mạnh việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN9001-2008 tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

- Kiến nghị Nhà nước rà soát và ban hành lại giá thết kế công trình giao thông theo hướng các công trình nhỏ, dự án nhóm C tính theo tỷ lệ % giá trị dự toán thi công, các công trình từ dự án nhóm B trở lên tính theo năng lực và giải pháp kỹ thuật của thiết kế.

Tài liệu tham khảo

[1]. Chỉ thị số 11/CT-BGTVT ngày 9/7/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT về tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông.

[2]. Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP.

[3]. Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 26/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành quy định phân công, phân cấp tổ chức quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Ý kiến của bạn

Bình luận