Một người tâm huyết với các cây cầu Việt Nam

Tác giả: TRỌNG KHÁNH

saosaosaosaosao
23/08/2015 13:31

Khi nhận chức Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Anh hùng Lao động Nguyễn Hải Thoại đã trăn trở: “Phải phát triển Tổng công ty ngang tầm với sự nghiệp đổi mới của đất nước”. Ông luôn tâm niệm là người quản lý là phải có cái tâm và tầm nhìn chiến lược.

Nguyen Hai Thoai
Anh hùng lao động Nguyễn Hải Thoại

Cuối năm 1988, sau khi học lớp quản lý kinh tế ở Liên Xô (cũ) về nước, kỹ sư Nguyễn Hải Thoại được Bộ GTVT bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long. Trước những khó khăn bộn bề, mất ổn định của một doanh nghiệp Nhà nước lớn sau khi hoàn thành xong “công trình thế kỷ cầu Thăng Long”, không còn được bao cấp việc làm, nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty có nguy cơ phải giải thể. Một thời kỳ mà mọi người trong ngành GTVT gọi là hậu Thăng Long. Với tâm huyết của một kỹ sư giao thông được đào tạo bài bản và qua 40 năm từng trải trong thực tế, ngay sau khi nhậm chức Tổng giám đốc, ông đã bắt tay ngay cùng với anh em, trực tiếp đề xuất những biện pháp, tìm việc làm ổn định và cải thiện đời sống cán bộ, CNV của Tổng công ty trên cơ sở các chương trình luận chứng có tính hiệu quả cao được thông qua, phù hợp với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước là xóa bỏ bao cấp, hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ngay từ năm 1989 - 1990, nhiều công trình tự tìm kiếm đã được thực hiện như: Cẩu chuyển đưa 2 tàu thủy chở khách vượt đập sông Đà hạ thủy an toàn xuống lòng hồ phục vụ cho Cục Đường sông Việt Nam chở khách du lịch; xây dựng tháp truyền hình cao 102m đầu tiên ở Hà Nội, bảo đảm tuyệt đối an toàn và chính xác; sản xuất dàn kết cấu thép cho tháp truyền hình tại nhiều tỉnh thành… Nhiều công trình do ông trực tiếp chỉ huy với hình ảnh bữa cơm công trường cùng anh em, xắn quần lội bùn đo đạc, kích kéo thiết bị… hòa nhập cùng người thợ áo đẫm mồ hôi cùng nụ cười rạng rỡ khi công trình hoàn thành trọn vẹn. Những hình ảnh ấy còn in đậm trong tâm khảm người thợ với lòng tin yêu người Tổng giám đốc của mình.

Từ những công trình ấy, thành quả trước mắt là thu được hiệu quả kinh tế “lấy công trình phụ nuôi công trình chính”, giúp ông điều hành có hiệu quả. Song song với đó, ông tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình mà Bộ GTVT giao như: Cầu Bến Thủy, Việt Trì, Ba Chẽ, Phong Châu, Trới, Bình, Yên Bái… Các công trình do ông điều hành đều hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ. Với ông, nghề xây cầu thật phức tạp, để kiến tạo nên một cây cầu đã phải thu nạp biết bao lĩnh vực kỹ thuật khác nhau, để công trình thử thách được với thời gian cùng muôn vàn tác động của cuộc sống là cả một quá trình phấn đấu liên tục. Có được công trình, giải quyết được nhiều khó khăn, phần tích lũy, phần trả trực tiếp cho người lao động. Có những công trình ông chỉ đạo trả tiền lương khoán ngay tại công trường sau ngày lao động.

Việc ổn định để phát triển sản xuất, giữ gìn và phát triển đội ngũ lao động là điều tâm niệm của ông khi nhắc đến lời dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi lên thăm cầu Thăng Long: “Xây dựng xong chiếc cầu là quý nhưng chưa quý bằng đào tạo nên đội ngũ cán bộ công nhân tinh thông nghề nghiệp”. Việc làm, đời sống người thợ phải là mục tiêu để Tổng công ty phấn đấu. 18 đơn vị thành viên với hơn 6.000 CB, CNV sau một thời gian đã ổn định tổ chức, ổn định công ăn việc làm, uy tín của Thăng Long càng được khẳng định với việc mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đầu năm 1990, ông là người đầu tiên thay mặt cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tham dự đấu thầu theo thông lệ quốc tế và trúng thầu xây dựng 2 cầu Nậm Mang và Nậm Hy trên đường 13 của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Sau 2 năm quyết liệt thi công, công trình đã hoàn thành, được các bạn Lào đánh giá cao. Đặc biệt, Tổng công ty lúc này đã có trong tài khoản trên 2 triệu USD, khoản ngoại tệ mạnh (trong lúc Mỹ vẫn chưa xóa bỏ cấm vận với Việt Nam). Đây thực sự nguồn vốn quý giá giúp Tổng công ty chủ động trong liên danh, liên kết đầu tư phát triển công nghệ mới.

Người thợ là yếu tố then chốt làm nên thành công thì máy móc công nghệ đóng vai trò quan trọng trong thi công các dự án lớn. Tháng 3/1992, ông đã quyết định đầu tư dàn búa khoan cọc nhồi đầu tiên mang tên TRC 15 được nhập về Việt Nam (bằng vốn vay trả chậm với Công ty Shimetsu Nhật Bản). Thiết bị đã phục vụ công trường xây dựng cầu Việt Trì, rồi sau đó là các dàn thiết bị Auger DHP 80, QJ 250, Bauer của Nhật Bản, Đức, Trung Quốc… cùng thiết bị đi theo là xe bơm bê tông, trạm trộn bê tông tự động, với ưu điểm của thiết bị khoan vào mọi tầng đất đá cứng, không gây chấn động các công trình xung quanh, từ đó đã hình thành một công nghệ thi công nền móng bằng cọc khoan nhồi đường kính lớn. Tiếp theo là công nghệ đúc đẩy dầm hộp bê tông cốt thép, công nghệ đúc hẫng dầm hộp bê tông khẩu độ lớn được nhập khẩu. Dàn công nghệ mới này đã được Anh hùng Lao động Nguyễn Hải Thoại giao cho Công ty Cầu 3 tập sự với công nghệ đúc hẫng ở 2 trụ khung T. Bài học vỡ lòng về công nghệ này thành công ở cầu Bình đã gây dựng lên ý tưởng đầu tiên và bằng những luận chứng kinh tế kỹ thuật mà Tổng công ty trình Bộ GTVT trình Chính phủ, để rồi ý tưởng thi công công nghệ này dần được đưa vào áp dụng đại trà tại các công trình trong cả nước. Không những thế, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long còn thi công cầu Sông Gianh với công nghệ đúc hẫng cân bằng thành công, với kỹ thuật được chuyển giao của Cộng hòa Pháp.

Cau Song Gianh
Cầu Sông Gianh với công nghệ đúc hẫng cân bằng do Anh hùng lao động Nguyễn Hải Thoại trực tiếp chỉ đạo thi công

Với sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm, xác định khoa học công nghệ phải đi trước một bước, việc nhập khẩu công nghệ là một bước táo bạo của ông để tạo nên thành công. Với những công nghệ trên đã thay thế công nghệ lạc hậu trước đây, tạo nên những sản phẩm có chất lượng cao, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây thực sự là một cuộc cách mạng cho ngành Xây dựng nói chung và ngành Cầu nói riêng trong xu thế hòa nhập cùng sự phát triển của thế giới.

Trong suốt quá trình công tác, dù ở cương vị nào, lúc là cán bộ thiết kế, cán bộ thi công, đội trưởng, khi thì đảm nhận chức giám đốc, tổng giám đốc, ông luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi người đi trước để rút ra bài học cho mình. Trong 10 năm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng, ông đã cùng tập thể lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD, đạt kết quả cao với mức tăng trưởng hàng năm từ 20 - 30%. Điểm nổi bật là ông cùng với thế hệ những người thợ cầu thời đó đã xây dựng một mô hình Tổng công ty mạnh, đồng thời là một doanh nghiệp lớn, vừa quản lý trực tiếp kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế, đưa tổng tải sản của Tổng công ty tăng lên gấp 10 lần.

Ý kiến của bạn

Bình luận