Một năm vượt "cạn" thành công của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
06/01/2017 09:32

Năm 2017, VNR đề ra mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng.


 

IMG_1522
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vào chiều 5/1, VNR cho biết trong năm vừa qua, ngành đường sắt đạt doanh thu 8.338 tỷ đồng (đạt 88,8%), lợi nhuận sau thuế dự kiến 137 tỷ đồng, tỷ lệ tàu chạy đúng giờ đạt 98,5%... Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn tại 30 công ty, với mệnh giá 204,3 tỷ đồng.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc VNR thừa nhận sản lượng và doanh thu toàn tổng công ty năm 2016 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và không đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, nguyên nhân được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình vận tải khác; cơ sở vật chất lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt với các phương tiện vận tải cùng sự cố sập cầu Ghềnh, ô nhiễm môi trường biển và bão lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung và Nam Trung bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh vận tải của Tổng công ty. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2016 rất hạn hẹp nên các dự án mới chưa được triển khai,” ông Hoạch giải thích thêm.

IMG_1523
Năm 2017, VNR đề ra mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng.

Năm 2017, VNR đề ra mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt.

Mặt khác, toàn ngành tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh vận tải theo mô hình tổ chức mới, VNR đang nghiên cứu xây dựng Đề án chuyên môn hóa khai thác vận tải hàng hóa, hành khách. Xây dựng và trình Bộ Giao thông Vận tải Đề án nâng cao năng lực khai thác đường sắt trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam, trọng tâm là khu đoạn Hà Nội – Vinh.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt, đầu tư phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ vận tải (kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ). Tích cực phối hợp với các nhà đầu tư để hoàn thành các dự án xã hội hóa, cho thuê kết cấu hạ tầng có điều kiện theo tiến độ đề ra.

Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm của ngành, đặc biệt các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và đóng mới đầu máy toa xe. Tập trung nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt giải quyết các nút thắt vận tải, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải.

IMG_1524
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích nổi bật trong năm 2016..

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, kiêm phụ trách Hội đồng thành viên VNR, cho biết năm 2016, hạ tầng đường sắt không thay đổi nhiều nhưng đây là một năm bắt đầu vận hành mô hình tái cơ cấu đi vào thực chất.

Thứ trưởng cũng yêu cầu VNR tập trung vào tổ chức tốt vận tải bởi đây là thước đo của lĩnh vực, nâng cao chất lượng vận tải đưa công nghệ mới vào triển khai.

Song song với các giải pháp trên, Thứ trưởng đề nghị VNR tập trung nghiên cứu đổi mới quản trị doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Rà soát, giảm thiểu các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác, khách hàng khi đến với đường sắt.

Ý kiến của bạn

Bình luận