Mỗi người Mỹ mất 70.000 USD vì khủng hoảng tài chính 2008

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 15/08/2018 09:39

Một thập kỷ sau khủng hoảng 2008, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được đánh giá chưa hoàn toàn hồi phục.

cats-8750-1534215979_snvi

Một khách hàng đang thanh toán tại trung tâm thương mại ở Illinois (Mỹ). Ảnh: Reuters

 

Báo cáo vừa công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại San Francisco nhận định, một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, GDP Mỹ vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo nếu nền kinh tế vận hành đúng xu hướng năm 2007. Và Mỹ sẽ không bao giờ có thể bù đắp lại sức tăng trưởng đã mất này.

“Nếu không có những cú sốc tài chính lớn năm 2007 và 2008, diễn biến GDP giờ đã rất khác rồi”, báo cáo cho biết, “Nó có thể giống đợt suy thoái nhẹ hơn vào năm 1991, khi GDP chỉ giảm 1,5%”.

Họ cũng ước tính cuộc khủng hoảng có thể khiến mỗi người Mỹ mất trung bình 70.000 USD thu nhập trong suốt cuộc đời. “Những xáo trộn trên thị trường tài chính có thể gây ra mất mát lớn về an sinh xã hội, khi nó khiến mức GDP liên tục đi xuống”, báo cáo nhận định.

Cuộc khủng hoảng đã khiến GDP Mỹ giảm mạnh hơn tới 7% so với một đợt suy thoái nhẹ thông thường. Theo Fed San Francisco, đây là con số rất lớn.

Khủng hoảng 2008 bắt đầu tại Mỹ. Từ sự suy thoái của thị trường nhà đất với nguyên nhân được người ta nhắc đến nhiều nhất sau này là "cho vay dưới chuẩn" (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất động sản không đủ đảm bảo trả nợ), cuộc khủng hoảng lan sang thị trường tài chính và rồi tới kinh tế toàn cầu.

Cơn địa chấn thực sự nổ ra vào ngày 7/9/2008 với việc hai đại gia cho vay thế chấp của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac bị quốc hữu hóa. Sau đó, lần lượt Lehman Brothers, Washington Mutual tuyên bố phá sản. Merill Lynch bị Bank of America mua lại, còn AIG phải nhận hàng chục tỷ USD cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.

Để cứu vãn tình thế, ngân hàng trung ương các nước đã phải cắt giảm lãi suất, bơm tiền cho các công ty hay mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, động thái đó cũng không thể ngăn cản Nhật, EU, Mỹ, Nga và nhiều nơi khác trên thế giới rơi vào suy thoái trong quý IV năm đó.

Theo Cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Alan Greenspan, đây là cuộc khủng hoảng "hàng trăm năm mới có một lần". Nó đã khiến các ngân hàng trung ương phải bổ sung hàng loạt quy định mới, các chính phủ thắt chặt quản lý ngành ngân hàng và thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục, thậm chí về âm, cũng bắt đầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận