Mô hình loa phát thanh trên bến khách ngang sông

Tác giả: Ngọc Hân

saosaosaosaosao
20/02/2020 08:37

Tuyên truyền bằng loa phát thanh trên bến khách ngang sông là một trong những biện pháp giảm thiểu TNGT đường thủy.


loa tuyên truyền
Loa tuyên truyền được lắp trên các phương tiện thủy nội địa

Mực nước lũ năm nay cao hơn so với cùng kỳ, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường thuỷ, ngay từ đầu mùa nước, Công an huyện Hồng Ngự và Trạm Cảnh sát đường thuỷ huyện Hồng Ngự, Phòng Cảnh sát Đường thuỷ Công an tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình, kế hoạch tuyên truyền, tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm ATGT đường thuỷ nội địa.

Địa bàn huyện Hồng Ngự với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hàng ngày nhu cầu đi lại làm ăn của bà con trên các bến đò ngang rất lớn. Hiện tại, toàn huyện có 28 đầu bến khách ngang sông, 55 phương tiện thuỷ, để hạn chế đến mức thấp nhất tình hình tại nạn thuỷ trong mùa nước, ngay từ đầu mùa nước Công an huyện đã tham mưu UBND huyện thành lập mô hình: “Tuyên truyền loa phát thanh trên bến khách ngang sông”.

Trung tá Nguyễn Long Hồ - Đội Trưởng đội xây dựng phong trào Công an huyện Hồng Ngự cho biết "Mục đích của việc thành lập mô hình này là giúp người dân hiểu biết về lĩnh vực trật tự ATGT, chấp hành nghiêm về ATGT khi tham gia giao thông đường thuỷ và bộ, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, kịp thời thông tin những vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự. Hiệu quả mang lại của mô hình này rất cao, người dân vi phạm tham gia giao thông đường thuỷ giảm so với trước đây, cung cấp thông tin có giá trị trong phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn; tình hình trẻ đuối nước có giảm so với trước, việc chấp hành khai thác đánh bắt cá trên địa bàn, chủ bến khách ngang sông chấp hành rất nghiêm".

Được biết, mô hình tuyên truyền loa phát thanh trên bến khách ngang sông có ý tưởng từ năm 2016, Công an huyện cho gắn thí điểm ở một số phương tiện đò ngang trên địa bàn huyện, khi đi vào hoạt động mang lại hiệu quả rất là cao. Do đó đến năm 2018, Công an huyện đề xuất UBND huyện cho thành lập kinh phí lắp đặt từ nguồn ban ATGT của địa phương và từ nguồn xã hội hoá do người dân đóng góp. Tính đến thời điểm hiện nay, địa phương đã lắp đặt 29 bộ loa trên 22 phương tiện thuỷ chở khách ngang sông và 05 bến chờ. Mỗi ngày loa tuyên truyền phát 03 buổi, buổi sáng từ 6 giờ 30 đến 9 giờ 30, trưa từ 12 giờ 30 đến 14 giờ 30, chiều 16 giờ đến 17 giờ 30.

Vào mùa nước đa số người dân huyện đầu nguồn sinh sống bằng nghề sông nước, câu lưới nhưng nước lũ về, kèm theo mưa to gió lớn, tạo ra dòng xoáy, nhất là những ngã ba ngã tư sông nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao, nếu gặp mưa to, gió lớn sẽ trở tay không kịp… Do đó, Trạm Cảnh sát Đường thuỷ Hồng Ngự, Phòng Cảnh sát Đường thuỷ đã xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện đò ngang đồng thời nhắc nhở chủ phương tiện khi mưa to gió lớn ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành an toàn Luật Giao thông thuỷ nội địa, Trung tá Võ Văn Mười - Phó trưởng Trạm Cảnh sát Đường thuỷ Hồng Ngự, Phòng Cảnh sát Đường thuỷ Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo “Thứ nhất, khuyến cáo bà con đi trên phương tiện thuỷ tránh đi vào ngã ba, ngã tư khi mưa to gió lớn. Thứ  hai trong quá trình điều khiển phương tiện bà con tránh quay trở phương tiện đột ngột, đây cũng là vấn đề dẫn đến TNGT đường thuỷ nguyên nhân do nước cao dòng chảy siết. Thứ ba, bà con không nên hoạt động phương tiện vào ban đêm mưa to gió lớn, bà con không trở tay kịp sóng gió gây chìm phương tiện dẫn đến TNGT đường thuỷ, chở đúng quy định mà cơ quan chức năng cho phép để đảm bảo ATGT thuỷ. Khuyến cáo bà con vàm An Long, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng là điểm, ngã ba có nguy cơ dẫn đến tai TNGT đường thuỷ”.

Trong quá trình tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở Trạm Cảnh sát Đường thuỷ huyện Hồng Ngự gặp nhiều khó khăn, theo Trung tá Võ Văn Mười, hiện nay các phương tiện vận chuyển hàng hoá, do lợi nhuận của họ nên chở quá tải, trong quá trình xử lý, Trạm xử lý cương quyết nhưng do lợi nhuận họ chấp nhận xử phạt. Tuyên truyền, xử lý quyết liệt làm sao để đạt được mục tiêu trong mùa nước không để xảy ra TNGT.

Khó khăn là vậy, song từ những nỗ lực của Công an huyện Hồng Ngự và Trạm Cảnh sát Đường thuỷ huyện Hồng Ngự, Phòng Cảnh sát Đường thuỷ, Công an tỉnh Đồng Tháp trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân, cộng với ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của mọi người, đặc biệt là các chủ phương tiện đò ngang chắc chắn mùa nước lũ hàng năm tai nạn đường thuỷ sẽ được kiềm chế, kéo giảm đến mức thấp nhất. 

Ý kiến của bạn

Bình luận