“Mệnh lệnh” từ trái tim của bác sỹ Phạm Thị Ánh Hồng

Xã hội 27/03/2018 15:04

Chẳng quản ngại nắng mưa, bão gió, đã hơn 10 năm nay, bác sỹ Phạm Thị Ánh Hồng - Phó giám đốc Trung tâm 115 thuộc Sở Y tế TP. Đà Nẵng vẫn thầm lặng ra khơi trên những chuyến tàu cứu hộ mỗi khi nhận được tin ngư dân gặp nạn. Dẫu việc cứu chữa ngư dân khi gặp nạn trên biển không phải là chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng với nữ bác sỹ nặng lòng với ngư dân miền biển này, việc mang đến cho người khác cơ hội sống chính là động lực thôi thúc chị lên đường.

 

IMG_2437
Công việc luôn là niềm động viên của chị Hồng, giúp chị vượt qua khó khăn, thử thách

“Nữ bác sỹ thép” ở Hoàng Sa

Hẹn gặp bác sỹ Hồng đã nhiều lần nhưng phải đến sát ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), chúng tôi mới có được cuộc trò chuyện thân tình để nghe chị kể về kỷ niệm đối với những lần lên tàu cứu hộ đến với những ngư dân gặp hoàn cảnh ngặt nghèo trong mỗi chuyến vươn khơi.

Gần 27 năm trong nghề, hơn 10 năm vượt sóng cứu người, với chị Hồng những chuyến vươn khơi chẳng bao giờ lên được lịch trước. Bất kể khi nào ngư dân cần trợ giúp là chị lại lên tàu đi ngay. Chị kể, nghề y đến với chị như một cơ duyên, cũng không nằm trong dự định. Thời học phổ thông, chị vốn thích các môn học tự nhiên và nuôi ước mơ trở thành một nhà khoa học. Thế nhưng, ngã rẽ để chị chọn ngành y lại xuất phát từ cơn bạo bệnh của một người thân trong gia đình và được các bác sỹ cứu sống. Nộp hồ sơ thi vào ngành y để sau này trở thành bác sỹ chữa bệnh, cứu người cũng là cách để chị trả ơn cho cuộc đời, để tri ân đến những người đã cứu sống người thân trong gia đình mình vậy.

Có lẽ trong suốt sự nghiệp cứu người của mình, cơ duyên đã cho chị rất nhiều kỷ niệm, để rồi chị gắn bó với những bước ngoặt đầy sự tình cờ. Nhớ về chuyến đi biển đầu tiên, đến giờ chị vẫn rưng rưng. Năm 1997, khi đó chị đang trong kíp trực thì nhận được thông báo cần gấp đội y bác sỹ phối hợp cùng bộ đội biên phòng cứu nạn một tàu nước ngoài. Ngay lập tức, chị cùng 5 anh chị em trong kíp trực có mặt tại cầu cảng, xé màn đêm tiến ra biển mặc dù đang có bão. Tàu vừa ra hết phao số 0 mọi người đã nửa mê nửa tỉnh, say sóng vì tàu liên tục chao lên lộn xuống. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, tàu cứu hộ đã tiếp cận được tàu bị nạn. Mọi người ai nấy như quên hết sự mệt mỏi nhanh chóng chuyển sang tàu bạn để cứu người. “Lúc ấy đã có 01 người bị chết và 11 người bị thương. Cảnh thủy thủ nằm la liệt trên sàn tàu cứ ám ảnh mãi trong ký ức của tôi. Sau khi làm công tác cứu hộ, sáng hôm sau người bị nạn đã được đưa vào đất liền”, chị Hồng bùi ngùi nhớ lại.

Sau chuyến đó, chị và nhiều đồng nghiệp ở Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng trở thành “khách quen” trên các tàu biên phòng và tàu Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Hàng hải Khu vực 2. Khi chúng tôi nhắc đến sự vất vả và hiểm nguy trên biển, chị điềm tĩnh chia sẻ: “Đi biển với ngư dân còn khổ, nói gì đến những người thường ngày mang trên người chiếc áo blouse. Biết là đi lúc giông bão, biển động là đi vào nơi nguy hiểm, nhưng nghĩ đến những ngư dân đang chờ đợi mình thì không đi sao được!”. Rồi chị bảo, nhiều lúc phải nhờ đồng nghiệp gọi điện, nói dối con là mẹ đi cấp cứu xa để hai cậu con trai của chị ở nhà bớt lo lắng. “Tụi hắn biết mình đi biển chắc cũng chẳng cho mình đi đâu”, chị Hồng nghẹn ngào.

"Mệnh lệnh" từ trái tim

IMG_2423
Bác sỹ Hồng chia sẻ những kỷ niệm của cuộc đời với PV Tạp chí GTVT

Hơn 10 năm gắn bó với những ca cấp cứu trên biển, bác sỹ Hồng không thể nhớ hết mình đã nói dối con bao nhiêu lần và cũng chẳng nhớ nổi đã cứu sống bao nhiêu ngư dân. Chỉ biết rằng, sau lần đầu tiên vượt qua sóng dữ, chị đã không thể từ chối những cuộc gọi khẩn thiết từ máy Icom ngoài biển truyền về. Chị cho hay, đi cấp cứu trên biển không phải là chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng nghe tiếng kêu cứu của ngư dân bất lực giữa muôn trùng sóng gió thì chị lại không thể cầm lòng được. “Ra giữa biển khơi mới thấy nỗi khổ của ngư dân gặp nạn nên việc mình làm không chỉ là trách nhiệm mà là "mệnh lệnh" từ trái tim của người thầy thuốc. Dù biết hiểm nguy nhưng cứ nghĩ đến việc được đem đến cho người khác hy vọng sống, con tim lại thôi thúc mình lên đường”, bác sỹ Hồng chia sẻ.

Nặng lòng với người dân miền biển, bác sỹ Hồng đã đề xuất với Sở Y tế TP. Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, tổ chức dạy các lớp sơ cấp cứu, trang bị những kiến thức cơ bản nhất cũng như các trang thiết bị y tế cần thiết để sơ cấp cứu trên biển khi xảy ra tai nạn. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm Cấp cứu 115 đã mở 8 lớp học sơ cấp cứu, thu hút trên 200 ngư dân tham gia. Ngoài những lớp học cho ngư dân, chị còn tham mưu tổ chức tập huấn cho các lực lượng biên phòng, cứu hộ cứu nạn cách sơ cứu ngư dân khi cần thiết.

Trong sự nghiệp của mình, bác sỹ Phạm Thị Ánh Hồng đã nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen. Nhưng có lẽ, niềm vui lớn nhất của nữ bác sỹ nặng lòng với dân biển là cậu con trai vẫn thường nói dối trong mỗi chuyến đi cứu nạn nay đã thi đỗ vào ngôi trường nơi chị từng theo học - Trường Đại học Y dược Huế, để viết tiếp câu chuyện tình yêu với người bệnh của mẹ. “Giờ thì mỗi lần ra khơi cứu chữa cho ngư dân không còn phải nói dối con nữa bởi con đã đồng cảm và ý thức được trách nhiệm của người thầy thuốc với nhân dân, với đồng bào”, chị Hồng cười mãn nguyện

Năm 1990, tốt nghiệp Học viện Y Huế, cô sinh viên mới ra trường Phạm Thị Ánh Hồng về công tác Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng. Cuối năm 1995, bác sỹ Hồng về công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng và gắn bó đến nay. Hiện tại, bác sỹ Hồng đang giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng. Dù ở bất cứ cương vị nào, bác sỹ Hồng luôn tràn đầy nhiệt huyết và luôn ở trong tâm thế sẵn sàng để giúp đỡ người dân gặp nạn qua cơn hiểm nghèo.

Ý kiến của bạn

Bình luận