Mê Kông kết nối kinh tế, văn hóa

Tác giả: Hà Vũ

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 28/07/2018 08:09

Mê Kông là một trong những con sông lớn trên thế giới, thượng nguồn được bắt đầu từ Tây Tạng (Trung Quốc), kết nối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và kết thúc tại biển Đông. Về chiều dài, Mê Kông là con sông lớn thứ hai châu Á, thứ 12 của thế giới cùng với trữ lượng cá phong phú thứ hai thế giới.

 

Ảnh 1 -  Một nhánh sông Mekong

Một nhánh sông Mê Kông

 Tuyến giao thương thủy quan trọng

Là con sông nối liền các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, Mê Kông đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng, trung chuyển hàng hóa và con người giữa 6 quốc gia lớn trong khu vực Mê Kông. Mê Kông là cửa ngõ quan trọng trong quá trình giao thương giữa 6 quốc gia này với nhau và thế giới. Hiện tại, sông Mê Kông được thống nhất chia làm hai phần: Vùng thượng nguồn bắt nguồn từ phía Bắc thác Khone tới Nam Lào và vùng hạ lưu bắt đầu từ phần còn lại và kết thúc tại biển Đông.

Mê Kông có cấu tạo địa lý đa dạng, cùng với mực nước thay đổi liên tục theo mùa khiến cho việc di chuyển bằng đường thủy, xác định phương hướng đối với tàu bè tương đối phức tạp. Khối lượng hàng hóa vận chuyển trên tàu thuyền phụ thuộc nhiều vào mực nước với tổng lượng hàng hóa có thể giảm đến 50% vào thời điểm hạn hán. Tại Thái Lan, mặc dù phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng Mê Kông vẫn đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng giữa Kumming và Bangkok với tổng khối lượng hàng hóa chuyên chở hàng năm qua tuyến này lên tới 300 ngàn tấn với mức độ gia tăng liên tục từ 8 - 11%/năm. Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đang liên tục nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng đường thủy trên sông Mê Kông nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đặc biệt trong đó có dự án mở rộng cảng Chiang Saen.

Tại Lào, phương tiện chủ yếu hoạt động trên sông Mê Kông phần lớn có công suất tải trọng từ 50  - 100 DWT. Phần lớn phương tiện này đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển gỗ, nông sản và vật liệu xây dựng. Thông qua tuyến đường thủy này, Thái Lan nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa đa dạng từ Trung Quốc, bao gồm từ các loại vật liệu, phân bón, nông sản theo mùa. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng sử dụng Mê Kông là tuyến đường chính xuất khẩu hàng hóa bản địa đặc biệt như cao su, long nhãn và hàng tiêu dùng. Phần lớn tàu thuyền Trung Quốc hoạt động tại cảng Chiangsen có tải trọng lên tới 300 DWT.

Tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông, các quốc gia lớn trong khu vực như Việt Nam và Campuchia coi Mê Kông là tuyến thương mại đường thủy lớn nhất với khối lượng hàng hóa giao thương giữa hai quốc gia liên tục gia tăng hàng năm, lượng hàng hóa đi qua hai cảng Phnom Penh và Cần Thơ liên tục tăng lên trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 20 triệu người đang phụ thuộc vào sự màu mỡ của dòng sông phục vụ cho mục đích canh tác lúa và đánh cá.

Năm 2009, Việt Nam cũng đưa vào hoạt động cảng Cái Mép nhằm đưa các hoạt động giao thương làm trọng điểm kinh tế đối với các khu vực thuộc con sông lớn này. Cảng Cái Mép là điểm tập hợp những tàu thuyền có chiều sâu lên tới 15,2m - tương đương với những tàu container có kích cỡ lớn nhất thế giới từ các nước châu Âu và Hoa Kỳ trong hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa tại khu vực này. Từ Cái Mép, các tàu container cỡ lớn trên có thể đưa hàng hóa đến thẳng Phnom Penh mà không cần phải thay đổi phương tiện trên tuyến.

 Các quốc gia trong khu vực cũng đã ký kết nhiều hiệp định giao thương, bảo vệ môi trường, hợp tác xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là Hiệp định ký kết giao thương hàng hóa, nhân lực vào năm 1999 giữa Việt Nam, Lào, Thái Lan và sự thành lập Ủy hội sông Mê Kông (Mekong River Commission - MRC) tổ chức 4 năm một lần nhằm giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông.

Hiểm họa kinh tế và môi trường từ đập nhân tạo

Hiện nay, Mê Kông đang là điểm “nóng” đối thoại giữa các quốc gia trong khu vực. Có hai vấn đề chính gây mâu thuẫn giữa các bên là việc xây dựng các con đập hay việc phá hủy những chỗ chảy xiết. Một loạt đập đã được xây dựng trên các nhánh của Mê Kông, đáng kể nhất là đập Pak Mun tại Thái Lan. Pak Mun bị phản ứng dữ dội do chi phí cao cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường và cuộc sống của những khu dân cư chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tiến hành các chương trình xây dựng hàng loạt con đập trên khu vực sông Mê Kông. Với sự đi vào hoạt động của các đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng và hàng chục con đập khác đang được xây dựng, hiện Trung Quốc đang nắm giữ 6 đập lớn tính đến cuối năm 2016. Các chuyên gia kinh tế và môi trường lo ngại sự chạy đua xây đập trên sông Mê Kông sẽ cản trở dòng chảy tự nhiên, khiến cho hoạt động nông nghiệp và ngư nghiệp tại khu vực hạ lưu bị gián đoạn trầm trọng. Mực nước suy giảm do các con đập gây ra cũng sẽ khiến cho khối lượng hàng hóa giao thương tại hạ lưu Mê Kông sụt giảm nghiêm trọng.

Năm 2014, Trung Quốc khởi xướng Khuôn khổ Hợp tác Mê Kông - Lan Thương (LMC) với mục đích viện trợ cho các quốc gia thuộc khu vực sông Mê Kông. Tuy nhiên, các nghiên cứu của Thái Lan cho thấy, nếu các dự án đập thủy điện chính được hoàn thành, phúc lợi kinh tế của 4 quốc gia khu vực hạ nguồn sẽ tụt xuống âm 7,3 tỷ USD, chưa kể đến thất thu sản lượng cá trong khu vực. Các chuyên gia nghiên cứu cũng cho biết, lợi ích kinh tế từ lượng điện sản xuất từ đập không thể nào bù đắp nổi các thiệt hại kinh tế và môi trường trong tương lai.

Chính phủ Lào và Campuchia cũng có kế hoạch xây dựng các đập ngăn nước, hiện cũng đang chịu sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia khác. Việc chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích Lào thực hiện làm sạch các tảng đá và cồn cát từ dòng chảy để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông sẽ làm tăng sự lưu thông nước và kết quả của nó là sự gia tăng xói mòn cũng như gây thiệt hại cho nguồn cá.

Tại khu vực hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là nơi chịu tác động trực tiếp của những hoạt động làm thay đổi chế độ thủy văn của sông Mê Kông. Đặc biệt, đợt hạn hán ở miền Nam Việt Nam năm 2016 được cho là do lượng nước đổ về đồng bằng sông Cửu Long từ Mê Kông bị giảm mạnh do hệ thống các đập thủy điện được nhiều quốc gia xây dựng trên dòng chính của dòng sông này. Hiện nay, Việt Nam đang phản đối việc xây dựng đập trên dòng chính, tuy nhiên vẫn có nhiều công ty thi nhau chạy đua trong việc xây dựng thủy điện trên các phụ lưu.

Mê Kông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tại các nước đi qua. Vì vậy, cần có sự hợp tác giữa các bên nhằm đảm bảo sự công bằng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất trên con sông huyết mạch này

Ý kiến của bạn

Bình luận