Máy bay Indonesia có thể lao xuống biển với tốc độ 1.000 km/h

Giao thông 24h 04/11/2018 09:43

Tính toán của các chuyên gia hàng không cho thấy phi cơ Lion Air đã chúc mũi 45 độ và lao xuống biển với tốc độ rất lớn.

 

Lion-air-1-2094-1540787407-271-5982-4915-154129056
Chiếc 737 MAX 8 của Lion Air trước khi gặp nạn hôm 29/10. Ảnh: Airliners.

Dựa trên dữ liệu trên trang theo dõi máy bay Flightradar 24, cựu điều tra viên Scott Dunham thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, nhận định chiếc Boeing 737 Max mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Indonesia Lion Air đã va chạm với mặt nước ở vận tốc ít nhất là 1.000 km/h, khiến phi cơ vỡ nát và thi thể các nạn nhân không còn nguyên vẹn.

Tính toán của Dunham cho thấy trước khi gặp nạn sáng 29/10, chiếc máy bay gần như không rẽ và chúc mũi xuống một góc 45 độ, được coi là góc độ lớn bất thường so với một máy bay thương mại, theo Strait Times. Số liệu được chuyên gia này đưa ra sau khi kết hợp giữa quãng đường máy bay di chuyển được theo phương ngang với độ cao mà nó giảm xuống được Flightradar 24 ghi lại.

Sử dụng phương pháp tính khác, chuyên hàng không vũ trụ tại Viện Công nghệ Masachusetts John Hansman ước tính máy bay đã đạt tốc độ 870 km/h trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Theo Hansman, việc lao xuống quá nhanh sẽ khiến hành khách và hành lý trên máy bay rơi vào trạng thái không trọng lực.

Trong khi đó, giảng viên ngành hàng không tại đại học UC Berkeley Jasenka Rakas nhận định rằng tốc độ của máy bay Indonesia là nằm trong khoảng từ 940 đến 1.018 km/h.

Dữ liệu do Flightradar 24 ghi nhận được cho thấy phi cơ của Lion Air đạt độ cao 1.113 m và tốc độ 640 km/h trước khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, đây là thông số chỉ tốc độ khi máy bay mất độ cao, không thể hiện vận tốc cao hơn mà chiếc Boeing có thể lao đi khi chúc mũi xuống biển.

Mọi thông tin chính xác về hành trình bay chỉ được làm sáng tỏ khi nhà chức trách Indonesia giải mã được chiếc hộp đen của máy bay. Tuy nhiên, Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia cho biết hộp đen ghi dữ liệu hành trình bay đã bị vỡ nát một số bộ phận nên họ đến nay vẫn chưa thể thu thập được thông tin quan trọng về chuyến bay.

Máy bay của hãng Lion Air khởi hành từ Jakarta lao xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Bambang Suryo Aji, giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Indonesia cho rằng không có người sống sót sau sự cố. 189 người trên máy bay gồm 178 người lớn, hai trẻ sơ sinh, một trẻ nhỏ và 8 thành viên phi hành đoàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận