Máy bay chở khách không người lái–tương lai của ngành vận chuyển đường không?

Tác giả: Theo doanhnhanplus.vn

saosaosaosaosao
Bạn đọc 31/12/2018 07:42

Tình trạng thường xuyên bị thiếu hụt nguồn nhân lực phi công có thể sẽ nhanh chóng được chấm dứt khi máy bay thương mại không người lái đang nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ về ý tưởng mà cả sự đầu tư thực tế.


 

Máy bay chở khách không người lái–tương lai của ng

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng với công nghệ hiện đại, máy bay có thể hoàn toàn tự điều khiển bay an toàn cho toàn bộ hành trình một chuyến bay, vẫn còn nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, những nhà sản xuất – kinh doanh và cả hành khách dường như vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm công nghệ này.

Trong Thế chiến II, những hệ thống lái tự động đã được đề cập và hướng đến trang bị cho nhiều dòng máy bay quân sự lúc bấy giờ với ý tưởng sử dụng tự động hóa để giảm bớt áp lực thao tác lên phi công, cho phép họ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ chiến đấu cũng như quan sát hoàn cảnh xung quanh.

Những hệ thống lái tự động của thời kỳ đầu đã phát triển mạnh vào thế kỷ XX khi sự vận hành máy bay ngày càng an toàn hơn nhờ sự trợ giúp của các hệ thống kiểm soát, báo động sự cố nhanh và chính xác hơn rất nhiều so với phi công. Trong khi những dòng máy bay có hệ thống điều khiển lạc hậu phải cần đến 3-4 phi công mỗi chuyến bay thì máy bay hiện đại chỉ cần hai phi công điều khiển.

Theo chia sẻ của cơ trưởng Tim Canoll, Chủ tịch tổ chức Air Line Pilots Association, tự động hóa trên buồng lái thực sự là một cải tiến tốt đẹp đối với công việc của những phi công như ông. Ở một cấp độ cao hơn, các hệ thống tự động hóa sẽ tạo nên những điều kỳ diệu cũng như đảm bảo an toàn nhiều hơn cho phi công cũng như cho máy bay.

Sự phát triển tiến trình tự động hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, hầu hết trên buồng lái của các dòng máy bay hiện nay đều có hệ thống đáp tự động ngay cả khi tầm nhìn kém nhất cùng với nhiều thiết bị điều khiển tự động khác.

Tuy nhiên, cơ trưởng Canoll cũng không đồng tình với một buồng lái hoàn toàn không có phi công – con người trong suốt hành trình bay. Đề xuất được ông đưa ra là một buồng lái có cả hai hình thức điều khiển tự động và con người để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Các nhà sản xuất máy bay lớn như Airbus và Boeing cũng đang đẩy mạnh đầu tư phát triển những hệ thống tự động mới, hoàn chỉnh hơn trên các mẫu máy bay mới nhất.

Theo một đại diện của Airbus, khi công nghệ vẫn đang trên đà phát triển, tự động hóa trở nên đáng tin cậy hơn và có thể thực hiện được nhiều chức năng phức tạp hơn rất nhiều. Song song đó, vai trò của phi công cũng thay đổi theo, những máy bay không người lái không chỉ mang tính khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một sự hợp lý về mặt xã hội.

Riêng với Boeing, hãng sản xuất máy bay của Mỹ lại có những bước hiện thực hóa mạnh hơn với kế hoạch trong năm nay sẽ tiến hành nghiên cứu những chức năng cơ bản của tự động hóa các thiết bị điều khiển bằng tay hiện tại trên các dòng máy bay, nhằm mục tiêu nâng cao tính an toàn và giảm bớt khối lượng thao tác lái cho phi công trong chuyến bay.

Cả hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới cũng đều đã có những trình diễn liên quan đến những hệ thống lái tự động trên các dòng máy bay thế hệ mới nhất tại Triển lãm hàng không Farnborough (Anh) hồi đầu tháng 8-2018.

Chưa thể ra mắt được một mẫu máy bay thương mại vận hành tự động toàn phần, phần trình diễn tại kỳ triển lãm này vẫn gây phấn khích với những mẫu máy bay tự lái không chỉ có khả năng điều chỉnh hướng bay, tốc độ bay mà còn thực hiện được nhiều chức năng an toàn khác, nổi bật là khả năng có thể tự động kết nối với tất cả các bộ phận hoạt động khá phức tạp trong mạng lưới vận tải hàng không.

Theo một nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi ngân hàng đầu tư UBS, những mẫu máy bay công nghệ mới không người lái đang trong tiến trình nghiên cứu để phát triển. Điều này cho thấy khả năng chính thức ra mắt thị trường của dòng máy bay này sẽ không còn xa.

Một trong những lợi ích được quan tâm nhiều nhất đối với tương lai của mẫu máy bay thương mại không người lái chính là các hãng hàng không giảm được chi phí trả lương cho đội ngũ phi công.

Con số được nêu ra trong nghiên cứu là giảm được 24 tỉ USD mỗi năm nếu ngành hàng không thương mại toàn cầu sử dụng máy bay không người lái, và phần lớn là từ chi phí thuê phi công. Đi cùng với mức giảm về chi phí của hãng hàng không, hành khách cũng hưởng được lợi ích không nhỏ khi theo tính toán sơ bộ giá vé cũng có thể được giảm hơn 10%.

Tuy nhiên, trái với sự phấn khích, hồ hởi của nhà sản xuất và các hãng hàng không, theo những khảo sát mới nhất của UBS, đa số hành khách tỏ ra khá hờ hững với sản phẩm công nghệ mới này khi có đến 63% số người được hỏi cho biết họ không mong muốn bay trên những chiếc máy bay không có phi công, tăng cao hơn so với con số 54% trong cuộc khảo sát năm ngoái.

Điều này cho thấy không hề dễ dàng thuyết phục hành khách ngồi trên những “con robot biết bay” và đó là một rào cản rất lớn để có thể đưa mẫu máy bay công nghệ này ra thị trường trong tương lai gần.

Tương lai của những mẫu máy bay lái tự động vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều nghi ngại từ hành khách về khả năng xử lý những tình huống khẩn cấp của hệ thống điều khiển tự động nhưng sự hiện diện ngày càng nhiều hơn những công nghệ hiện đại trên máy bay sẽ giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng vận hành của máy bay trên hành trình, giúp phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố về kỹ thuật, nâng cao mức độ đảm bảo an toàn cho hành khách trên các chuyến bay.

Ý kiến của bạn

Bình luận