“Mắt thần” giám sát cao tốc

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 27/12/2016 18:38

Các tuyến đường cao tốc của Việt Nam hiện cho phép chạy với tốc độ lên tới 100km/h, mang lại nhiều thuận lợi cho các phương tiện nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì thế, việc đầu tư hệ thống ITS có thể phát hiện sớm tai nạn, giúp công tác cứu hộ trên đường cao tốc được kịp thời, làm giảm tỉ lệ tử vong.

Trung tâm điều hành và giám sát giao thông trên tu
Trung tâm điều hành và giám sát giao thông trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Công nghệ thông minh quản cao tốc

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, việc ứng dụng công nghệ để quản lý giao thông thông minh là giải pháp tối ưu. Theo ông Tuấn, từ tháng 3/2015, Trung tâm điều hành giao thông thông minh (ITS) đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã được đưa vào hoạt động, giúp điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người và xe khi đi trên đường cao tốc. Hệ thống này gồm 48 màn hình, 38 camera theo dõi giúp quản lý hình ảnh, nhận dạng xe, quan sát điều khiển làn xe. Ngoài ra, hệ thống đường dẫn vào cao tốc cũng được gắn camera để theo dõi lưu lượng phương tiện trước khi vào cao tốc. Về cơ bản có thể theo dõi được tổng thể giao thông toàn tuyến đường dài 40km này.

“Trước đây khi có thông tin về sự cố trên đường cao tốc, nhân viên không hình dung được vị trí đó nằm chính xác ở đoạn nào cũng như mức độ nghiêm trọng của sự vụ. Nhưng hiện nay, khi có sự cố, nhân viên tại phòng điều hành Trung tâm ITS sẽ hướng camera tập trung vào khu vực đó để quan sát, đánh giá tình hình và điều các lực lượng cứu hộ đến kịp thời, phù hợp. Đồng thời cũng đưa những thông tin cảnh báo lên hệ thống bảng báo điện tử đặt dọc tuyến để tài xế đang lưu thông trên đường biết”, ông Tuấn nói.

Cùng đó, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đưa hệ thống hệ thống ITS vào hoạt động với việc thu phí kín và kiểm soát giao thông thông minh trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thông qua hệ thống camera. Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc VEC cho biết, với việc triển khai hình thức thu phí kín sử dụng thẻ RFID, phương tiện qua trạm sẽ bỏ qua được giai đoạn kiểm tra và soát vé do đó sẽ giảm thời gian lưu thông của xe qua trạm.

“Toàn tuyến cao tốc được giám sát 24/24h đảm bảo không xảy ra ùn tắc, hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trên đường, đảm bảo an toàn giao thông ở mức độ cao, đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai kịp thời khi có sự cố xảy ra trên đường cao tốc cũng như công tác bảo vệ các tài sản trên đường cao tốc. Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh cũng phát hiện tức thời các lỗi vi phạm như vượt quá tốc độ, đi sai làn đường, dừng đỗ trên đường cao tốc để cảnh báo và xử lý kịp thời”, ông Nhi cho biết thêm.

Lắp thiết bị camera để phạt nguổi trên cao tốc Nội
Lắp thiết bị camera để phạt nguội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Tính toán kết nối tổng thể

Theo KS La Văn Ngọ, Viện Khoa học Công nghệ GTVT, hầu hết các nước trên thế giới, ITS đều được phát triển theo một kiến trúc kết nối tổng thể chung. Đây là nền tảng để đảm bảo khả năng tương hợp và khả năng tương thích của hệ thống ở cấp quốc gia, và hỗ trợ việc lập kế hoạch và thiết kế và ngăn chặn khả năng chồng chéo dịch vụ. Vì vậy, công nghệ của hệ thống ITS ở các tuyến đường cao tốc có kết nối được với nhau để có sự phối hợp xử lý, giám sát chung hoạt động giao thông liên vùng cần có kiến trúc tổng thể kết nối chung.

Về vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiện các tuyến cao tốc cũng như trung tâm ITS chưa thống nhất một chuẩn công nghệ, mỗi tuyến đang được áp dụng công nghệ  khác nhau. Trong khi Trung tâm ITS đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sử dụng công nghệ của Hàn Quốc thì Trung tâm điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc do Nhật Bản hỗ trợ đang trong quá trình triển khai xây dựng thì lại theo công nghệ của nước này. Điều này khiến các tuyến cao tốc được đầu tư hệ thống ITS mỗi dự án lại phải ban hành một khung tiêu chuẩn riêng, một quyết định riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật nên sẽ gây khó khăn trong việc kết nối.

Lý giải điều nay, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc cho biết ở phía Bắc hiện Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Việt Nam đầu tư Trung tâm điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc. Theo đó, sẽ nghiên cứu riêng một dự dự án nhỏ chỉ để tích hợp các công nghệ ITS ở Việt Nam và dự kiến sẽ được Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 2/1016. “Trung tâm điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc sẽ quản lý tất cả các tuyến trong phạm vi 1000 km, Trung tâm khu vực này sẽ mở ra một “cổng” hay “bộ chuyển đổi dữ liệu” cho các Trung tâm điều hành giao thông tuyến kết nối”, ông Hưng nói.

“Trung tâm ITS đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hệ thống ITS đầu tiên ở khu vực phía Nam được đưa vào sử dụng sẽ trở thành Trung tâm điều hành toàn bộ các tuyến cao tốc của khu vực. Trung tâm này có chức năng thu thập, xử lý và quản lý thông tin giao thông từ các Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến để giám sát, điều hành công tác đảm bảo ATGT các tuyến đường cao; Chỉ đạo các đơn vị khai thác, bảo trì tuyến đường cao tốc trong khu vực tham gia hỗ trợ giải quyết tai nạn, sự cố, sự kiện nghiêm trọng” - Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc

Ý kiến của bạn

Bình luận