“Mất lái”- mối nguy hiểm cần biết của các tài xế

Lái xe an toàn 09/11/2018 06:05

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đáng tiếc, một trong số đó là tài xế bị mất lái. Để tránh phải những rủi ro trên, tài xế cần hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách xử lý tình huống này.

lamgikhixeotomatphanh645x324-1541514899

Mất lái là hiện tượng người điều khiển phương tiện giao thông mất kiểm soát phương tiện mình đang điều khiển. Hiện tượng mất lái thường diễn ra rất bất ngờ và nhanh đến mức người điều khiển phương tiện hầu như không kịp phản ứng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn ngiêm trọng.

Vậy làm sao để xử lý trong nhưng tình huống ngàn cân treo sợi tóc đó? Cùng CafeAuto tìm hiểu tất tần tật về mối nguy hiểm này để có thể hạn chế những rủi ro khi di chuyển trên đường.

1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô tô mất lái

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mất lái. Tuy nhiên, cũng không ra ngoài 2 nguyên nhân đó là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

Về nguyên nhân chủ quan:

Người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định dẫn đến việc mất kiểm soát chiếc xe mà mình điều khiển. Điều này dễ dẫn đến các tai nạn nguy hiểm.

Tài xế đạp nhầm chân ga, chân phanh. Đây là lỗi thường gặp ở hầu hết các tài xế. Việc chủ quan, thiếu tập trung dễ dẫn đến việc đạp nhầm chân ga, chân phanh. Chiếc xe sẽ lập tức vọt tới với tốc độ cao khiến người điều khiển giật mình, dẫn đến việc mất kiểm soát tốc độ chiếc xe.

Lái xe vào cua ở tốc độ cao cũng là nguyên nhân chủ quan khiến xe bị mất lái.Tài xế mặc dù chưa quen cảm giác tốc độ, ước lượng góc đánh lái cũng như hiểu về chiếc xe mình đang lái nhưng lại vào cua ở tốc độ cao có thể dẫn đến mất lái, thậm chí là lật xe.

Về nguyên nhân khách quan:

Đầu tiên phải kể đến đó là sai lầm về kỹ thuật điều khiển vô lăng. Nhiều tài xế thường có thói quen cầm vô lăng chéo tay khi lái xe hay khi vào cua. Đây là thói quen hoàn toàn sai lầm, cần lập tức loại bỏ để an toàn hơn khi vào cua. Việc để tay chéo khi cầm vô lăng sẽ khiến lái xe khó xử lý khi gặp chướng ngại vật phía trước.

Thứ hai là do hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác. Nếu các góc đặt bánh xe trên bị sai hoặc không đúng tiêu chuẩn đều có thể dẫn tới những mối nguy hại cho người lái như: nhao lái, mất lái, lốp mòn không đều…, khiến người lái xe dễ gặp những nguy cơ về tai nạn khi lưu thông trên đường.

Bên cạnh đó, nổ lốp cũng là nguyên nhân khiến các tài xế mất quyền kiểm soát tốc độ chiếc xe. Nếu lái xe để lốp quá mòn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nổ lốp hoặc không bám mặt đường gây ra tình trạng mất lái khi vào cua.

nhungnguyentackhisudungchangaotosotudong2-15415149

Cuối cùng có thể kể đến đó là do điều kiện đường xá, thời tiết. Xe đi trên mặt đường trơn trượt như dầu nhớt bị rơi vãi trên đường, nhiều sỏi đá nhỏ. Trời mưa, tuyết đường trơn nhưng vẫn chạy xe ở tốc độ cao dễ dẫn đến mất kiểm soát tốc độ.

2. Cách xử lý khi xe mất lái:

Trong trường hợp xe mất lái, tài xế nên xử lý như thế nào? Tất nhiên, trên thực tế người lái xe không thể làm chủ được tình huống. Tuy nhiên, để hạn chế thiệt hại, các tài xế có thể tham khảo một số cách dưới đây.

Khi xe mất đi trợ lực lái

Người điều khiển xe cần giữ chặt vô lăng bằng hai tay để duy trì quyền kiểm soát. Và thật bình tĩnh để giảm tốc từ từ. Đồng thời, bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đèn xin vượt và thận trọng đưa xe vào khu vực có thể đỗ an toàn.

Xe bị mất lái nhưng còn phanh

Đầu tiên, lái xe cần hết sức bình tĩnh để phán đoán tình huống và xử lý. Lúc này, nên nhanh chóng bỏ chân ga, tay giữ vô lăng chắc để có thể điều khiển xe di chuyển theo hướng mà mình muốn.

Khi bị văng ra lề đường, tài xế bình tĩnh giữ chặt lái, không được cố đánh lái để cho xe quay trở lại đường ngay. Đồng thời nhả ga, không đạp mạnh chân phanh mà rà từ từ. Chờ khi xe chậm, hãy quan sát kỹ và từ từ đánh lái cho xe trở lại phần đường của mình.

Trường hợp mặt đường phía trước tốt, thoáng và vắng xe, cần phanh gấp để dừng xe ngay lập tức. Nếu mặt đường ướt hoặc có nhiều sỏi đá nhỏ, cần rà phanh, tránh phanh gấp để duy trì kiểm soát hướng di chuyển. Bởi khi bánh bị khóa cứng, lực bám ngang không còn, xe sẽ bị văng đi. Về số thấp để lợi dụng phanh bằng động cơ.

Trường hợp đường nhiều xe hoặc là đường cao tốc, việc đầu tiên cần làm là phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn, còi để báo hiệu các phương tiện giao thông khác biết, tránh các va chạm đáng tiếc. Nếu xe chạy trong đêm, cần bật đèn cảnh báo sự cố, nháy đèn pha – cốt liên tục để gây sự chú ý. Giảm tốc chậm để các xe khác có đủ thời gian phản ứng.

2-196616-1541514977

Xe bị mất lái và mất phanh

Đây là điều tồi tệ nhất mà các tài xế không muốn gặp phải. Tuy nhiên nếu không may xảy đến với chiếc xe của mình, chủ nhân cần bình tĩnh và thực hiện một số thao tác như kéo phanh tay. Tiếp đến là cố gắng gạt cần số trở về vị trí số 1 để xe giảm tốc xuống mức chậm nhất.

Lưu ý, không gạt về số 0 (N) quá lâu, bởi khi xe đang xuống dốc mà đạp côn để về số 0 thì xe sẽ lao đi nhanh hơn và rất khó để vào lại được số do tốc độ của máy và tốc độ vòng quay của bánh xe không còn đồng tốc.

Ngoài ra, tài xế nên đạp nhồi chân phanh liên tục nhiều lần để có thể phục hồi tạm thời áp suất thủy lực trong đường ống bị rò rỉ....

Nếu như không thể dừng xe lại được thì tài xế cần phải chuẩn bị tâm lý cho các va chạm. Quan sát địa hình phía trước để từ đó đưa ra các quyết định như cho xe dừng hẳn bằng cách dựa vào các thanh hộ lan, lan can thép, bờ tường, lề đường, vách núi...

3. Cách phòng tránh và hạn chế trường hợp xe mất lái

Tài xế nên thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe để tránh các lỗi kỹ thuật dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Cần chú ý các thay đổi trong hệ thống lái và các chi tiết liên quan như vô lăng, rô-tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su, luôn kiểm tra áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe...

Khi lưu thông trên đường, chú ý không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các xe lưu thông trên đường. Ngoài ra, người lái cần phải thành thạo trong việc kiểm soát góc cua và kỹ thuật cua xe. Khi đi đường đồi núi có nhiều khúc cua tay áo thì phải lái xe áp vào bên núi, giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về phía bên vực.

Bên cạnh đó, khi xe phải di chuyển đường dài, tài xế nên kiểm tra hẹ thống lốp một cách kỹ càng. Không được để lốp quá mòn hoặc xuất hiện những vết nứt sẽ khiến xe gặp nguy hiểm. Cần xử lý ngay nếu hệ thống lốp gặp vấn đề.

Cuối cùng hạn chế lái xe trong điều kiện thời tiết xấu hoặc di chuyển vào những cung đường đường trơn trượt,đá sỏi nhỏ, bùn lầy…

Ý kiến của bạn

Bình luận