Mánh lới của môi giới đưa thực tập sinh sang Nhật

15/04/2019 06:44

Một số công ty môi giới đã tiến hành nhiều hành vi mang tính trục lợi trong quá trình đưa thực tập sinh VN sang Nhật Bản.

nguoiviet5chau_ntgg
Thực tập sinh Việt làm việc tại một công trình ở Tokyo.

Vấn đề nghiêm trọng

Một phụ nữ người Nhật không nêu tên làm việc tại một công ty môi giới ở Hà Nội đưa thực tập sinh kỹ năng Việt sang Nhật mới đây gửi thư điện tử cho nhóm trung gian ở vùng Kanto chuyên xem xét và phân bổ thực tập sinh khắp nước này. Trong thư, cô chỉ ra hàng loạt vấn đề mang tính trục lợi tại các công ty môi giới, như chi tiêu bất hợp pháp cho các sự kiện và kê khống chi phí giải trí để tính vào các phí thu từ thực tập sinh, theo Jiji Press. Cô này còn viết rằng quản lý tại công ty môi giới “không quan tâm tới tình cảnh của thực tập sinh, trong đó có quyết tâm của họ đi Nhật dù phải vay tiền và để lại gia đình ở phía sau”. Thư điện tử trên phản ánh đúng cảnh báo của giới chuyên gia về thực trạng trục lợi của những công ty môi giới lao động có thể vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng, theo Jiji Press.

Nhóm trung gian ở Kanto nói trên mới đây cũng nhận thư điện tử từ một người đàn ông Nhật làm việc tại một công ty môi giới khác ở Hà Nội. Thư điện tử thứ 2 đề cập sự tồn tại của một nhóm chuyên thu phí “hỗ trợ” để các thực tập sinh tiềm năng vượt qua cuộc phỏng vấn với công ty Nhật. “Nhiều người trẻ (ở VN) thường kiếm được khoảng 20.000 - 30.000 yen (4,1 - 6,2 triệu đồng)/tháng. Chúng ta đưa họ đến Nhật với khoản nợ lên tới 1 triệu yen”, người đàn ông Nhật viết trong thư, nhấn mạnh việc ép thực tập sinh chịu gánh nặng tài chính như vậy là “không thể chấp nhận”. Theo Jiji Press, những người môi giới bị cấm yêu cầu lấy tiền hoa hồng trên 3.600 USD (hơn 83 triệu đồng) từ thực tập sinh nhưng lệnh này dường như bị phớt lờ. Một quản lý tại nhóm trung gian ở Kanto cho hay bên phía Nhật cũng bất cập, trong đó có việc các nhân viên quản lý thuộc những tổ chức nhận thực tập sinh đòi các công ty môi giới “lại quả”, mời họ ăn uống tại những nhà hàng đắt tiền. Ông này nhận định những người muốn đến Nhật làm việc bị đặt trong thế yếu nhất. “Vấn đề là họ có thể bị ép chịu thêm phụ phí cùng với các khoản vay khác”, ông này cho hay.

Chính phủ Nhật vào cuộc

Những tiết lộ trên được đưa ra trong bối cảnh số người Việt đến Nhật làm việc có thể tăng mạnh sau khi luật mới cho phép nước này nhận thêm lao động nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1.4. Mặc dù chương trình thực tập sinh kỹ năng của Nhật, được áp dụng từ năm 1993, nhằm giúp người nước ngoài đạt các kỹ năng nghề nghiệp để về phục vụ cho đất nước, nhưng các nhà môi giới về thực tập sinh kỹ năng được cho là cũng sẽ cung cấp dịch vụ cho những ai muốn vào Nhật theo luật mới. Luật này cho phép các tổ chức nhận lao động tự tuyển dụng tại nước ngoài. Tuy nhiên, những tổ chức không có văn phòng ở quốc gia nhắm tới không còn lựa chọn nào khác là phải dựa vào các công ty môi giới tại nước đó.

Chính phủ Nhật đang làm việc để ký bản ghi nhớ (MOU) với 9 quốc gia châu Á để loại bỏ những công ty môi giới lao động thiếu tận tâm. Đây là kết quả của yêu cầu từ một số nước, trong đó có VN, nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân trong lúc làm việc ở Nhật, theo báo Nikkei Asian Review. Thông qua MOU, chính phủ Nhật muốn thiết lập khuôn khổ cho phép cảnh sát thu thập thông tin về những công ty môi giới lao động muốn trục lợi từ lao động nước ngoài đến Nhật. Tuy nhiên, theo MOU, chính phủ Nhật sẽ không thể giám sát các nhà môi giới ở quốc gia đối tác.

Cũng nhằm nâng cao việc bảo vệ lao động nước ngoài, từ tháng 4, Bộ Lao động Nhật đã soạn dự thảo kế hoạch đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các trung tâm việc làm ở Nhật có hợp tác với công ty môi giới nước ngoài. Theo đó, các trung tâm việc làm ở Nhật có thể bị tước giấy phép nếu các nhà môi giới liên quan ở nước ngoài thu tiền đặt cọc từ lao động, buộc lao động ký hợp đồng phải trả tiền phạt nếu bỏ việc giữa chừng hoặc cho họ vay tiền để đi lại hay thanh toán những phí khác.

Ý kiến của bạn

Bình luận