Mãn nhãn với vườn rau xanh, cây trái trĩu trịt trên các đảo Trường Sa

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
11/05/2018 17:09

Ở đất liền, chuyện người Mông ở cao nguyên Hà Giang phải gánh đất cho vào hốc đá để trồng ngô quả thực đã kỳ công. Thế nhưng so với việc trồng rau, trồng cây trên các đảo ở Trường Sa trong một điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều là cả một “kỳ tích”.


Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) thường khắc nghiệt. Có lúc nắng như đổ lửa, khi mùa mưa bão thì sóng, gió cuồn cuộn, mịt mù. Bởi vậy, ở Trường Sa có ba thứ được coi là quý như vàng, đó là: đất, nước và rau xanh.

Việc lãng phí nước ngọt là... có tội. Rau xanh cũng vậy. Lương thực, thực phẩm ở các đảo không thiếu, và có thể dễ dàng tiếp tế được từ đất liền, nhưng rau xanh thì rất khó, trong khi để trồng được rau xanh ở các đảo thì phải có nước còn phải có đất. Một nắm đất gửi từ đất liền ra cũng quý như vàng.

Để trồng được rau, cán bộ, chiến sĩ và những người công nhân gác đèn phải tận dụng triệt để, không để “lọt lưới” bất kỳ một chút chất thải hữu cơ hay giọt nước ngọt nào. Để có màu xanh trong... bữa cơm, những ngọn rau ấy được chăm sóc không khác gì “nuôi con nhỏ”.

Do đất trên đảo chỉ có cát san hô (phong hóa từ san hô cổ) rất nghèo dinh dưỡng nên để trồng rau, phải nhờ tới nguồn đất màu và các loại giá thể chuyển từ đất liền ra.

Việc vận chuyển đất ra đảo rất khó khăn nên các đảo chẳng được thả phanh sử dụng đất, mà chỉ được phủ một lớp mỏng trên mặt, còn lại phía dưới đều phải trộn thêm cát san hô để canh tác. Để có nguồn dinh dưỡng, cán bộ, chiến sỹ phải tận dụng triệt để các chất thải hữu cơ để chăm bón cho từng gốc cây, luống rau. Toàn bộ nguồn lá cây xanh trên đảo rụng xuống phải thu dọn không bỏ một lá nào rồi băm nhỏ, ủ thành phân để bón cho vườn rau.

Nguồn nước tưới rau không phải được lấy từ bể nước mưa, mà phải tận dụng từ nước thải sinh hoạt. Theo đó, chiến sỹ, công nhân nhà đèn trên đảo khi tắm sẽ phải xuống biển tắm trước, sau đó chỉ được dội một lượt nước ngọt. Nước ngọt tắm xong sẽ phải gom lại ở một bể lớn để tưới rau hoặc cho vật nuôi uống.

Thiếu nước, thiếu phân, thiếu giống đã đành, trồng rau trên các đảo ở Trường Sa còn luôn phải hứng chịu mưa dập gió vùi.

Ngoại trừ khoảng tháng 3 tới tháng 6 hàng năm thời tiết khá thuận lợi vì mưa nhiều, gió lặng, còn lại các tháng trong năm đều là thử thách. Nếu như từ tháng 1 tới tháng 5 hàng năm là mùa gió Tây nam, nắng đổ lửa từ 6h sáng cho tới 6h chiều thì từ tháng 9 tới tháng 1 năm sau sẽ là khoảng thời gian khốc liệt nhất trong năm khi gió đổi chiều sang Đông bắc, mang theo cái mặn chát của nước biển. Mùa gió Đông bắc, đến bàng vuông và phong ba là những loại cây chịu đựng nhất cũng phải trút lá vì hơi mặn táp vào.

Bởi vậy, để tránh gió và hơi mặn, những mầm xanh trên các đảo ở Trường Sa  luôn được “khoác áo” bằng tôn kín mít.

Khó khăn là vậy, nhưng điều đáng ngạc nhiên đối với chúng tôi là khi tới đảo nào, ấn tượng đầu tiên vẫn là những vườn rau xanh mơn mởn. Ấn tượng nhất phải kể tới đảo Đá Tây, Đá Lát An Bang và Tiên Nữ. Mặc dù là hai đảo nổi không có giếng nước ngọt, tuy nhiên ở các đảo này lại luôn dẫn đầu trong ở đơn vị đảo ở Trường Sa về phong trào tăng gia sản xuất, rau xanh thậm chí còn tốt hơn cả nông dân trong đất liền trồng, thoải mái phục vụ cho nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ, công nhân gác đèn biển và người dân trên đảo.

Những ngày đi qua các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, ấn tượng không thể phai mờ trong chúng tôi chính là hình ảnh các chiến sĩ, công nhân gác đèn biển yêu rau như yêu con, quý rau như máu của mình.

unnamed (8)
Vườn rau thanh niên trên đảo An Bang

 

unnamed (12)
Một góc vườn tại đảo Song Tử Tây

 

unnamed (7)
Công nhân trạm đèn Song Tử Tây chăm chút từng trái chuối

 

unnamed (2)
Tận dụng mọi khoảng trống để trồng rau

 

unnamed (1)
Với bàn tay khéo léo, công nhân nhà đèn An Bang uốn nắn cây mồng tơi theo dáng bon sai, kết hợp chơi cây cảnh và có rau xanh cải thiện bữa ăn

 

unnamed (15)
Những trái ớt đang đơm hoa, kết trái

 

unnamed (4)
Để rau xanh chống chọi được với thiện nhiên khắc nghiệt tại Trường Sa, những khóm rau đều được chăm chút cẩn thận.

 

IMG_9596
Các thùng xốp, can nhựa đều được tận dụng để trồng rau.

 

unnamed (3)
Nguồn phân bón cho cây được tận dụng từ phế thải trong chăn nuôi.

 

unnamed (11)

Nước ngọt tắm xong sẽ phải gom lại ở một bể lớn để tưới rau hoặc cho vật nuôi uống.

 

unnamed (5)
So với các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Đá Đông thì đảo An Bang, Song Tử Tây, Trường Sa lớn có diện tích rộng nên khu tăng gia sản xuất cũng xanh tốt hơn.

 

unnamed (13)

Việc trồng rau ở các đảo chìm rất công phu, các anh phải chắt chiu từng nhúm đất, ca nước, từng hạt phân vi sinh để cho rau sinh trưởng, phát triển bình thường. 

 

unnamed (14)

Các chiến sĩ chia sẻ, rau ở đất liền có thể không quý, người ta thường nói “rẻ như mua bó rau ngoài chợ”; nhưng đối với dân đảo, lính đảo thì rau xanh còn quý hơn cả cơm thịt. 

 

unnamed
Vườn rau mơn mởn trên đảo Sơn Ca

 

unnamed (9)
Màu xanh phủ kín đảo Song Tử Tây nhờ có sức người, bàn tay khối óc của những người lính thầm lặng
Ý kiến của bạn

Bình luận