Mặc cô lập phong tỏa, Qatar bất chấp “vững như kiềng 3 chân”

Tác giả: vnreview

saosaosaosaosao
Thị trường 15/06/2017 06:11

Các thị trường tài chính của Qatar vẫn ổn định khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của các nước láng giềng.

qatar1_uxoc
Các thị trường tài chính của Qatar vẫn ổn định khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của các nước láng giềng. Ảnh: CCO

 Thị trường ổn định

Bộ trưởng tài chính Qatar cho biết, chính phủ nước này vẫn cảm thấy khá thoải mái về thị trường tài chính trước sức ép cô lập của các quốc gia vùng Vịnh.

Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao và giao thông với Qatar cách đây 1 tuần khi cho rằng, nước này bảo trợ khủng bố và có quan hệ gần gũi với Iran.

Việc rạn nứt ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh đã làm gián đoạn chu trình nhập khẩu lương thực và các nguyên liệu khác của Doha.

Theo Reuters, việc cô lập có thể khiến cho kinh tế Doha bị ảnh hưởng trầm trọng. Các nhà máy của nước này đang tăng cường tiến trình nhập khẩu thực phẩm từ các nước ngoài vùng Vịnh. Các chuyến tàu trở hàng thông qua Oman thay vì Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE)- một trong các nước cắt đứt quan hệ với Qatar.

Các biện pháp khắc phục của Qatar có thể rơi vào tình trạng trì hoãn và chi phí đắt đỏ. Nhiều chuyên gia kinh tế từng nhận định, những bất đồng ngoại giao mới có thể đẩy các quốc gia Vùng Vịnh này lâm vào một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và điều này cản trở phát triển kinh tế đất nước.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Qatar có thể là phép thử đối với Hoa Kỳ - đồng minh thân thiết với Doha. Qatar hiện có đặt trụ sở bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Trung Đông và Bahrain là nơi đặt căn cứ của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, Reuters cho biết.

Là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, Qatar đã khẳng định vị thế giàu có với nhiều tòa nhà chọc trời tại bán đảo vùng Vịnh.  Vai trò của chính phủ Qatar luôn đứng đầu giải quyết các vấn đề khu vực, hậu thuẫn các lực lượng nổi dậy, là yếu tố chủ chốt gây ra các cuộc nội chiến hay phá vỡ các hiệp định hòa bình tại Trung Đông. Các nước láng giềng đã tỏ ra “không hài lòng” với vấn đề này trong nhiều năm này.

“Bỏ đói quái vật”

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như tỏ ra ủng hộ các quốc gia vùng Vịnh áp các lệnh trừng phạt mạnh lên Qatar mặc dù Lầu Năm Góc và Bộ  ngoại giao Mỹ luôn tỏ ra ở lập trường trung lập.

“Một trong số các điều quan trọng là chúng ta cần phải hành động và bạn đang nhìn thấy những gì ở Qatar và tất cả những điều này sẽ mang đến hiệu quả tích cực. Chúng ta phải chấm dứt mọi hành động liên quan đến khủng bố. Chúng ta hãy bỏ đói con quái vật ấy”, ông Trump nhấn mạnh trong cuộc họp với các quan chức nội các Mỹ.

Bộ trưởng ngoại giao Qatar Sheikh Abdulrahman al-Thani nói trong cuộc họp báo tại Pháp rằng, Qatar vẫn không hiểu được lý do các quốc gia láng giềng cắt đứt mọi quan hệ với Doha. Ông Sheikh Abdulrahman al-Thani cũng từ chối các cáo buộc Qatar hỗ trợ các nhóm khủng bố và có quan hệ thân thiết với Iran – kẻ thù của các quốc gia vùng Vịnh.

Các biện pháp cô lập không hề ảnh hưởng tới việc cung ứng thực phẩm tại Doha. Một vài người còn nói đùa rằng “Doha đang bị bao vây” và sẵn sàng cho cuộc tẩu thoát.

Tuy nhiên, việc suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Qatar, đặc biệt là những người lao động nước ngoài. Lao động di cư hiện đang chiếm khoảng 90% dân số Qatar và phần lớn là hạn chế năng lực. Các đối tượng lao động này đang làm việc cho các dự án xây dựng bao gồm dự án xây dựng sân vận động World Cup 2022.

Trong một bài phỏng vấn trên CNBS, Bộ trưởng tài chính Ali Sherif al-Emadi cho biết, chính phủ Qatar vẫn hoàn toàn thoải mái về tình hình tài chính của mình với các nguồn lực được dự trữ từ trước. Ông Al-Emadi cũng đưa ra cảnh báo, các nước áp đặt trừng phạt Qatar sẽ bị tổn thất về tài chính do các tác động ngược từ lệnh trừng phạt thương mại trong khu vực.  

“Ngành năng lượng và kinh tế của Doha vẫn hoạt động bình thường và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng thực phẩm hay các mặt hàng khác. Qatar có thể nhập khẩu  hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Âu, đồng thời sẽ đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa nhằm đối phó với khủng hoảng”, ông Ali Sherif al-Emadi nói.

“Các quỹ đầu tư và dự trữ chiếm hơn 250% tổng sản phẩm quốc nội. Vì thế, tôi nghĩ, không có bất kỳ lý do gì khiến người dân Qatar phải lo lắng về tình hình khủng hoảng ngoại giao hiện tại giữa Doha với các quốc gia vùng Vịnh.

Ông Jason Tuvey, một nhà kinh tế Trung Đông tại London-based Capital Economics cho biết, miễn là các quốc gia khác không can thiệp vào việc xuất khẩu khí gas của Qatar thì sẽ không có vấn đề gì ảnh hưởng đến Qatar.

“Qatar có thể phải chịu thế cô lập trong một thời gian dài, tuy nhiên, việc tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ không bị ảnh hưởng”, ông Jason Tuvey cho biết.

Trong khi đó, nhiều Tập đoàn lớn tại Qatar cũng đẩy mạnh sản lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Chủ tịch Tập đoàn phát triển các dự án quốc tế của Qatar Ahmed Al Khalaf cho biết: “Do tình hình phát sinh trong tuần vừa qua nên chúng tôi đã bắt đầu tăng gấp đôi lượng sản xuất.Chúng tôi đã đưa ra hai thay đổi lớn, đó là gia tăng sản xuất và ngừng xuất khẩu. Chúng tôi sẽ sản xuất để phục vụ cho thị trường trong nước và đang triển khai kế hoạch nhằm tăng sản lượng”.

Ông Ahmed Al Khalaf cũng bày tỏ rất thất vọng với Tổng thống Trump. Washington nên đi  đầu trong nỗ lực phá bỏ các cô lập và không nên ngồi một chỗ “châm dầu vào lửa” như vậy.

Ý kiến của bạn

Bình luận