Lý giải việc Tổng công ty Đường sắt xin ứng 471 tỷ đồng trả nợ

Doanh nhân 25/09/2016 04:03

TCT Đường sắt vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ GTVT ứng trước hơn 471 tỷ đồng hoặc bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách TƯ để trả nợ.

Lý giải việc Tổng công ty Đường sắt xin ứng 471 tỷ
(Ảnh minh họa: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước hơn 471 tỷ đồng hoặc bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 để giao cho VNR thanh toán với các nhà thầu xây dựng các công trình khẩn cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết về kiến nghị của VNR, Bộ Giao thông Vận tải đã nắm được việc này.

Sở dĩ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản kiến nghị trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ về việc này là do trước năm 2016, VNR là một hộ kế hoạch (nghĩa là VNR có dòng kế hoạch độc lập với dòng kế hoạch Bộ Giao thông Vận tải).

Vì vậy trước năm 2016, vốn ngân sách được cấp thẳng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đặc biệt là 3 công trình cầu khẩn cấp là cầu Đồng Nai, Tam Bạc và Thị Cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm VNR có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vì: “Hồi đó Chính phủ cấp vốn chưa đủ cho VNR, mới cấp trên 700 tỷ trên tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư 3 dự án trên, nhưng do tình hình cấp bách nên VNR phải thực hiện trước, do đó mới có chuyện hiện nay chưa có tiền thanh toán cho nhà thầu. Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn phải làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ về vấn đề này vì đây thuộc việc tồn đọng cũ của VNR.”

Trước đó, với vai trò là chủ đầu tư các công trình xây dựng theo yêu cầu khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, VNR đã đề nghị nhà thầu triển khai hoàn thành công trình đúng theo tiến độ nên 3 công trình xây dựng mới là cầu Đồng Nai, Tam Bạc và Thị Cầu đã cơ bản hoàn thành vào năm 2013.

Theo VNR, việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nợ hơn 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu, đặc biệt việc này đã kéo theo các nhà thầu đã nợ lương công nhân, tiền vật tư, chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm gần 50 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn

Bình luận