Lý giải nguyên nhân giải ngân nguồn vốn TPCP chưa đạt kế hoạch giao?

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 10/01/2017 10:29

Do nhiều nguyên nhân, tỉ lệ giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm 2016 không đạt so với kế hoạch được giao.

kontum
Riêng phần vốn 1.883 tỷ đồng mới điều hòa kế hoạch cho các dự án vốn dư Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào cuối tháng 10/2016 phải kéo dài giải ngân sang năm 2017.

Không đạt kế hoạch

Trên cơ sở kế hoạch vốn đã được giao, thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Đến hết tháng 12/2016, kết quả giải ngân ước đạt 63.684 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch . Dự kiến đến hết tháng 01/2017, giải ngân được 69.044 tỷ đồng, đạt 90,4% kế hoạch.

Cụ thể, về nguồn vốn NSNN, đến hết tháng 12/2016, ước giải ngân được 20.242 tỷ đồng, đạt 88,6% kế hoạch. Trong đó: kế hoạch năm 2016 giải ngân được 20.032 tỷ đồng, đạt 88,5% (kế hoạch vốn nước ngoài mới được bổ sung 811 tỷ đồng ngày 29/12/2016); kế hoạch năm 2015 kéo dài giải ngân được 210 tỷ đồng, đạt 100%. Dự kiến đến hết tháng 01/2017, giải ngân được 22.830 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch, phần vốn còn lại (khoảng 12 tỷ đồng nguồn vốn NSNN của khối khác mới được giao đợt 3), đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân sang năm 2017.

Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đến hết tháng 12/2016, ước giải ngân được 13.144 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch; trong đó: kế hoạch năm 2016 giải ngân được 6.858 tỷ đồng, đạt 58,9%; kế hoạch năm 2015 kéo dài giải ngân được 6.286 tỷ đồng, đạt 63,7%. Dự kiến đến hết tháng 01/2017, giải ngân được 16.532 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch, riêng phần vốn 1.883 tỷ đồng mới điều hòa kế hoạch cho các dự án vốn dư Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào cuối  tháng 10/2016 phải kéo dài giải ngân sang năm 2017. Nguồn vốn huy động ngoài NSNN ước tính giải ngân 29.681 tỷ đồng, đạt 92,75% kế hoạch năm 2016.

Mặc dù công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 được Chính phủ và Bộ GTVT đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhưng do nhiều nguyên nhân, tỉ lệ giải ngân nguồn vốn TPCP trong năm 2016 không đạt so với kế hoạch được giao. Để phù hợp với thực tế, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn TPCP năm 2016.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã nghiêm túc kiểm điểm, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án quyết liệt đẩy nhanh giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP và rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch cũng như phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bảo đảm nguồn vốn được giao hàng năm được kịp thời và phù hợp với yêu cầu thực tế.

Vì sao không đạt?

Nhìn lại kết quả giải ngân kế hoạch năm 2016 vừa qua có thể thấy ngoài nguyên nhân khách quan do các dự án sử dụng TPCP ở vào năm cuối của kế hoạch vốn giai đoạn nên đã được giao mức vốn kế hoạch cao hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế thì cũng còn có những nguyên nhân chủ quan khiến kết quả giải ngân kế hoạch vốn TPCP năm 2016 đạt thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, một trong những nguyên nhân lớn nhất đó là các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư của các dự án dẫn tới việc lập kế hoạch giải ngân không sát với thực tế; lúng túng, thiếu chủ động trong việc việc xác định vốn dư trong quá trình thực hiện dự án.

Ngay từ giữa năm 2015, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án rà soát, xác định số vốn không còn nhu cầu sử dụng của các dự án sử dụng vốn TPCP. Căn cứ báo cáo rà soát của các đơn vị, cuối năm 2015, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hòa kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 và báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng vốn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, qua rà soát lại tiếp tục xác định các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư vốn (dư lần 2) và đến cuối năm 2016, nhiều Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tiếp tục báo cáo có dư vốn sau khi thực hiện các dự án khiến cho việc điều hành kế hoạch của Bộ gặp rất nhiều khó khăn.

“Việc xử lý các thủ tục phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án (xử lý đền bù lún nứt nhà dân trong quá trình thi công, chủ trương đầu tư các công trình hoàn trả, phê duyệt dự toán các khối lượng phát sinh, xử lý trượt giá ở các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; theo dõi, xử lý biến động về giá cả nguyên, vật liệu ở dự án Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu; phê duyệt lại phương án tài chính dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả...) thiếu sát sao, tốn rất nhiều thời gian nhưng không xử lý được dứt điểm cũng là một trong những nguyên nhân khiến kết quả giải ngân kế hoạch đạt thấp”, Thứ trưởng cho biết.

Đồng thời, công tác phê duyệt kết quả thanh toán cuối cùng, quyết toán các dự án cũng còn chậm trễ. Tới nay, nhiều dự án sử dụng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 cũng chưa phê duyệt được quyết toán để làm cơ sở xác định chính xác chi phí vốn đầu tư thực hiện, xác định kinh phí còn dư hoặc còn thiếu so với mức vốn giai đoạn được bố trí.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2017, các tồn tại nêu trên cần được rút kinh nghiệm, xử lý dứt điểm từ những ngày đầu, tháng đầu ngay sau khi được giao kế hoạch trung hạn và kế hoạch năm.

Ý kiến của bạn

Bình luận