Lý do chân sưng khi đi máy bay

Bạn đọc 06/01/2020 18:01

Nếu đi chân trần trên chuyến bay dài, bạn có thể thấy khó khăn hơn khi xỏ lại giày.

hanh-khach-8977-1577785742
Tránh mặc quần kiểu cách bó chẽn hay giày cao gót khi đi máy bay. Ảnh: Get The Gloss.

Tình trạng chân và mắt cá sưng lên sau chuyến bay còn có tên là "chứng phù nề do trọng lực" (gravitational oedema). Thực tế, khi hành khách ngồi quá lâu trên máy bay, những chất lỏng của cơ thể, ví dụ như máu, sẽ dồn xuống chân. Tình trạng này thường không kéo dài, và sớm biến mất khi bạn rời khỏi máy bay.

Bạn có thể tránh chứng phù nề này, bằng cách mặc quần áo và giày dép thoải mái; uống nhiều nước và đứng dậy đi lại trên máy bay một lần mỗi giờ.

Nếu phải yên vị trên ghế với chiếc đai an toàn khóa chặt, bạn hãy thả lỏng cơ thể, co duỗi chân tay. Đặc biệt, hạn chế ngồi bắt chéo chân, tránh sử dụng thức uống có cồn hay các loại thuốc an thần.

Những hành khách thường xuyên tập luyện thể thao sẽ ít cảm thấy mệt mỏi trên chuyến bay, trong khi những người ít vận động có xu hướng bị sưng mỏi chân tay hơn. Nếu chân không hết sưng phù vài tiếng sau khi hạ cánh, hành khách có thể đang mắc những chứng bệnh nghiêm trọng hơn như huyết khối tĩnh mạch sâu. Một số dấu hiệu khác của tình trạng này bao gồm tình trạng sưng chỉ xảy ra ở một chân hoặc kèm theo cơn đau nhức. Hãy đi kiểm tra ngay nếu bạn phát hiện triệu chứng bất ổn kéo dài.

Một số hành khách mắc các chứng bệnh mãn tính, đặc biệt là nguy cơ hình thành cục máu đông, hãy xin lời khuyên của bác sĩ trước khi bay. Tất áp lực có thể giúp giảm thiểu chứng phù nề, hoặc bác sĩ có thể kê cho bạn đơn thuốc ngắn hạn có chất làm loãng máu để ngăn ngừa đông máu. Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định bạn không đi máy bay.

Ý kiến của bạn

Bình luận