Lương bình quân ngành GTVT năm 2015 đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng

Lao động việc làm 07/01/2016 14:52

Theo đánh giá trong năm 2015 tỷ lệ người lao động thiếu việc làm chỉ còn 1,5%, giảm 0,8% so với năm 2014. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm lao động không có việc làm và bị nợ lương, thậm chí là BHXH…

Theo báo cáo chuyên đề của Bộ Giao thông vận tải, năm 2015 được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, nhiều dự án xây dựng công trình giao thông đã được khởi công nên đã tạo thêm việc làm cho các doanh nghiệp; các cấp công đoàn trong ngành đã tích cực phối hợp với cơ quan quản lý đồng cấp, tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, đã bảo đảm được việc làm cho người lao động.

Lương bình quân ngành GTVT năm 2015 đạt 5,7
Theo báo cáo, ngành Giao thông vẫn còn hàng trăm lao động thiếu việc làm.

Trong năm tỷ lệ người lao động thiếu việc làm chỉ còn 1,5%, giảm 0,8% so với năm 2014. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được tình trạng nợ lương kéo dài; thu nhập bình quân của người lao động toàn ngành đạt 5,85 triệu đồng/người/tháng (tăng 6,4% so với năm 2014). Các doanh nghiệp Hàng không, Hàng hải, dịch vụ có thu nhập cao hơn, bình quân đạt hơn 7 triệu đống/người/tháng.

Một số đơn vị có thu nhập đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng, như: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Công ty Cổ phần Du lịch và tiếp thị GTVT- Vietravel…

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp được đảm bảo có việc làm và đời sống ổn định, bình quân thu nhập đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng. Một số đơn vị có thu nhập cao như: Cục Hàng hải Việt Nam đạt 7 triệu đồng/người/tháng, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đạt 8,8 triệu đồng/người/tháng, Ban Quản lý dự án An toàn giao thông đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng. Các đơn vị có thu nhập thấp như: Trường Cao đẳng nghề GTVT TW II đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng, Nhà xuất bản GTVT đạt 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Khối công nghiệp, mặc dù đã giải quyết được một số lượng phải nghỉ việc thường xuyên có việc làm, việc trả lương được kịp thời. Tuy nhiên, việc làm của người lao động vẫn còn khó khăn, thu nhập của người lao động thấp hơn bình quân trung toàn ngành: Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, lao động thiếu việc làm không thường xuyên là 150 người; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy đạt 5,8 triệu đồng/người/tháng, lao động thiếu việc làm không thường xuyên là 300 người.

Khối vận tải, dịch vụ về cơ bản các đơn vị đã đảm bảo được việc làm, thu nhập ổn định, việc trả lương kịp thời, nhiều đơn vị có thu nhập của người lao động bình quân cao hơn mức thu nhập của ngành: Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT đạt 7 triệu đồng/người/tháng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng…

Tuy nhiên, đối với một số ít doanh nghiệp quá khó khăn từ nhiều năm trước thì việc làm, đời sống của người lao động chưa có chuyển biến tích cực. Điển hình như: một số doanh nghiệp thuộc Tổng công ty XDCTGT 8 – CTCP lao động thiếu việc làm không thường xuyên là 442 người.

Các đơn vị khó khăn như: Công ty cổ phần 810, 820, 829, 873, 874, 875, Việt Lào: Tổng công ty XDCTGT 5 – CTCP lao động thiếu việc làm thường xuyên là 72 người…..

Theo Bộ GTVT, trong năm qua, công đoàn các cấp đã chủ động tham gia công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, phối hợp với chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đã tiến hành rà soát lại lực lượng lao động, bố trí sắp xếp lại bộ máy gián tiếp, trực tiếp sản xuất theo hướng tinh gọn. Sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy phù hợp với mô hình hoạt động mới, khắc phục các khó khăn phát sinh, phát huy ngành nghề truyền thống của đơn vị.

Công đoàn các cấp cũng đã phối hợp với chuyên môn bố trí, sắp xếp việc làm cho hàng nghìn lao động, giải quyết được chế độ cho 314 lao động dôi dư kéo dài từ nhiều năm qua, giải quyết cho 344 lao động nghỉ hưu trước tuổi do mất sức lao động 61% trở lên…

Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp có khó khăn từ nhiều năm qua hoặc đang giải quyết thủ tục để phá sản doanh nghiệp nên vẫn nợ lương, BHXH của người lao động.

Qua báo cáo của các đơn vị, tổng số nợ lương toàn ngành là 296 tỷ đồng. Một số đơn vị nợ lương lớn: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 62,5 tỷ đồng; Tỏng công ty Công nghiệp tàu thủy hơn 80 tỷ đồng; Tổng công ty XDCT Giao thông 1 –CTCP 60 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng thăng Long – CTCP 22 tỷ đồng. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là hơn 435 tỷ đồng.

“Do việc nợ BHXH nên một số người lao động không chốt được sổ BHXH để giải quyết chế độ, chính sách. Đến nay vẫn còn 822 trường hợp người lao động chưa được giải quyết chế độ chính sách”, Bộ GTVT cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận