Luật sư sẽ phải tố giác thân chủ từ 2018

Chính trị 21/06/2017 05:20

434/457 đại biểu có mặt tại hội trường Quốc hội chiều 20-6 đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Có 19 đại biểu không tán thành, 4 người không biểu quyết.

 

19402300-10155332846007278-4868349-o-1497948338
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 - Ảnh: Lê Kiên

Như vậy, với 88,39% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung, toàn bộ các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.

Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung dự thảo luật.

Chỉ xử hình sự trẻ em phạm tội rất và đặc biệt nghiêm trọng

Đối với quy định trách nhiệm của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, bà Nga khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà nước thể hiện trong Bộ luật Hình sự 1985 và 1999 là chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người ở độ tuổi này phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Do yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên trong độ tuổi này cả trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và phạm tội nghiêm trọng đối với các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong lần sửa đổi này, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm ở người chưa thành niên, cũng như theo đề nghị của nhiều cơ quan, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đảm bảo tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước LHQ về quyền trẻ em mà VN là thành viên.

Không miễn trừ hoàn toàn việc luật sư không tố giác thân chủ

Đối với quy định về trách nhiệm của người không tố giác tội phạm, liên quan đến hoạt động của luật sư, báo cáo giải trình khẳng định: “Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa”.

Kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha... cho thấy: các nước đều quy định trong những trường hợp nhất định, luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, cộng đồng, nhằm ngăn chặn hậu quả của tội phạm.

Vẫn bồi thường oan sai dù không có hóa đơn, chứng từ

Hôm nay, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) với tỉ lệ 92,46% tán thành.

Luật quy định cụ thể về các thiệt hại, chi phí được bồi thường và việc xác định thiệt hại, chi phí, đặc biệt trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí được bồi thường.

Cụ thể như chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.

Khi đó, các chi phí được bồi thường sẽ tính dựa trên lương cơ sở, cước phí bưu chính...

Luật cũng quy định người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Ý kiến của bạn

Bình luận