Luật Mỹ buộc lắp còi cảnh báo trên xe để tránh bỏ quên học sinh

09/08/2019 05:53

Khi xe tới ngôi trường ở California, Lee vẫn ngồi yên cuối xe để chờ lời nhắc "xuống đi" từ tài xế nhưng hôm đó câu này đã bị quên.

canhbao

Tài xế vì mải nói chuyện hẹn hò qua điện thoại đã bỏ quên Hun Joon Paul Lee (19 tuổi) trên xe vào ngày 11/9/2015. Sau 7 tiếng bị "nhốt" dưới trời nắng 35 độ C, Lee tử vong vì sốc nhiệt.

Lee không được may mắn như các bạn cùng trang lứa khi mắc chứng tự kỷ nghiêm trọng, mất khả năng nói năng và phải sống phụ thuộc người khác. Thông thường khi tới nơi, tài xế đều phải nhắc thì cậu mới ra khỏi xe.

Tài xế do thỏa thuận nhận tội với công tố viên nên bị phạt hai năm tù với cáo buộc Ngược đãi người trưởng thành phụ thuộc khiến tử vong. Trường hợp thương tâm của Lee không phải hiện tượng hy hữu tại bang California.

Để ngăn ngừa tình trạng học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón, tháng 9/2016 thống đốc bang ký ban hành Đạo luật An toàn xe buýt trường học Paul Lee, lấy theo tên nạn nhân.

Theo đó, trước năm học 2018-2019, các loại xe buýt chở học sinh của trường học hoặc cơ sở trông trẻ phải lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn trẻ em. Đây là thiết bị còi báo động được đặt ở phía sau của xe bus, nối với động cơ. Khi động cơ được ngắt, tài xế phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị, nếu không còi sẽ vang lên nhằm cảnh báo mọi người gần đó. Như vậy, tài xế không thể quên việc kiểm tra học sinh trên xe.

Bên cạnh bằng lái xe, tài xế muốn chở học sinh sẽ phải được cấp chứng chỉ riêng biệt. Để được cấp mới hoặc cấp lại chứng chỉ, tài xế phải trải qua ít nhất 10 tiếng đào tạo mỗi năm hành nghề về quy trình đón trả khách, xử lý trường hợp khẩn cấp, và phòng ngừa tai nạn.

Luật còn yêu cầu nhà trường phải đặt ra các quy trình kiểm tra để nhân viên trường không bỏ quên trẻ em trên xe, đồng thời phải cho người đi theo xe buýt để trông coi học sinh khi có hoạt động ngoại khóa, bên cạnh tài xế.

Các nhân viên nhà nước phải có trách nhiệm trình báo sai phạm của tài xế tới cơ quan quản lý bằng lái xe của bang. Qua đó, cơ quan này được phép không cấp hoặc tịch thu bằng lái của tài xế có vi phạm.

Không chỉ bang California, tại Mỹ còn có ba bang khác đặt ra quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng để quên trẻ em trên xe buýt trường học là Tennessee, Texas, và Wisconsin.

Ở Tennessee từ ngày 1/5/2005 ra quy định các loại phương tiện của trường học hoặc cơ sở trông trẻ có số ghế từ 6 người trở lên cần phải được trang bị thiết bị báo động ở cuối xe để buộc nhân viên nhà trường kiểm tra xe, tránh trường hợp các em bị bỏ quên. Đặc biệt, đạo luật đặt ra trách nhiệm cho chính quyền tiểu bang Tennessee phải có chương trình trợ phí lắp đặt thiết bị này.

Đạo luật của Texas có hiệu lực bắt đầu từ 31/12/2013 yêu cầu phương tiện 8 chỗ trở lên mà chở học sinh phải lắp đặt thiết bị báo động. Ngoài ra, nhà trẻ hoặc trường học có trách nhiệm bảo quản thiết bị báo động trên xe để đảm bảo khả năng hoạt động.

canhbao1

Từ ngày 1/8/2009, bang Wisconsin ban hành luật tương tự các tiểu bang trên, nhưng tiến xa hơn một bước nữa và quy định rõ hình phạt cho người vi phạm. Theo đó, người nào cố ý chở hoặc để học sinh ngồi trên xe không lắp đặt thiết bị báo động an toàn, hoặc có lắp đặt nhưng không hoạt động, có thể bị phạt tối đa 1.000 USD và một năm tù.

Người nào tháo dỡ, ngắt kết nối, phá hoại, hoặc ngăn chặn hoạt động của thiết bị, ngoài mục đích sửa chữa hoặc bảo trì, sẽ đối diện với mức phạt tiền tối đa 10.000 USD và ba năm 6 tháng tù. Ai tắt báo động mà không kiểm tra trẻ nhỏ trên xe cũng có thể bị phạt như trên.

Bên cạnh bốn bang ở trên, nhà lập pháp của hai bang khác là Florida và Michigan cũng đã và đang soạn thảo dự luật bắt buộc các phương tiện chuyên chở trẻ em và học sinh phải lắp đặt thiết bị báo động ở cuối xe.

Dù các bang khác ở Mỹ không có luật cụ thể, nhưng nhà trường và các cơ sở trông trẻ cũng đã và đang dần tích hợp hệ thống báo động an toàn trẻ em ở cuối xe để tránh những chết thương tâm.

Số liệu do Ủy ban An toàn Quốc gia Mỹ công bố đầu tháng 8 cho thấy trung bình mỗi năm có 38 trẻ em nước này thiệt mạng vì sốc nhiệt trong ôtô. Các nạn nhân thường bị bỏ quên trên xe, một số trường hợp trẻ vô tình tự nhốt mình trong ôtô hoặc bị người lớn cố tình bỏ lại. Từ năm 1998 đến nay, 818 trẻ em Mỹ chết vì sốc nhiệt khi bị bỏ quên trên ôtô.

Ý kiến của bạn

Bình luận