Luật mới, coi chừng phải trả lương thêm cho 12.600 người

Tác giả: Phương Vũ (TH)

saosaosaosaosao
Chính trị 02/06/2015 11:01

Ngày 1-6, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương.


phantrungly-1433131050
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý 

Luật tổ chức chính phủ nên quy định rõ số lượng cấp phó

Sáng 1-6, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Do Luật hiện hành không quy số lượng cấp phó nên đã tạo ra kẽ hở khiến có bộ lên đến 7-8-9 cấp phó. 

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5, trong đó Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là không quá 6. 

Số lượng cấp phó của tổng cục không quá 4, số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3.

Luật tổ chức chính quyền địa phương mới tăng thêm gánh nặng cho Nhà nước

Trong phiên thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương tại Quốc hội chiều 1-6, ĐB Phạm Xuân Thường phân tích theo dự thảo luật ở cấp tỉnh HĐND sẽ tăng thêm 3 - 7 biên chế, cả nước sẽ tăng thêm 200 người.

phamxuanthuong-thaibinh-1433160615
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình)

HĐND huyện sẽ thành lập thêm 2 đến 3 ban, như vậy mỗi huyện tăng ít nhất 2 đại biểu chuyên trách, cả nước có 700 huyện tăng thêm ít nhất 1.400 người.

Ở cấp xã, sẽ bố trí ít nhất một phó chủ tịch HĐND chuyên trách, cả nước hiện có 11.000 xã. Như vậy số biên chế tăng thêm theo Luật tổ chức chính quyền địa phương ít nhất là 12.600 người. Đó là chưa kể thêm các ban đô thị, ban dân tộc với những địa phương đặc thù và việc chia tách địa giới hành chính mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua.

Đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị không cần thiết phải bố trí HĐND cấp xã vì đã thành lập thêm các ban ở HĐND cấp xã theo dự luật, đủ để HĐND cấp xã hoạt động.

huynh-nghia-1433143247
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ĐB Huỳnh Nghĩa cho biết: “Thời gian qua, đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm bên khối chính quyền, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, hoạt động còn mang tính hình thức”.

Ông Nghĩa cho rằng Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi lần này đã điều chỉnh theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Nhưng trong dự thảo Luật, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không thay đổi.

Để tránh tình trạng này, theo ĐB Huỳnh Nghĩa phải quy định ngay trong luật tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ở mỗi cấp, ít nhất 30% đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện và 15% ở cấp xã.

Đồng thời, quy định hạn chế thấp nhất số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Sớm thông qua Luật bầu cử đại biểu QH và HĐND

ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng tuy mỗi cử tri có đến 4 cấp đại diện ở các cơ quan dân cử nhưng “ở đâu đó” tình trạng người dân có những việc oan trái vẫn cứ xảy ra.

Do đó, theo ông Nghĩa, bên cạnh Luật tổ chức chính quyền địa phươngcần sớm thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, tạo cơ chế giới thiệu người ra ứng cử thật sự dân chủ, chọn lựa người có đức, có tài, có tâm, có tầm vào cơ quan dân cử để đại biểu gần dân một cách thực chất.

Ý kiến của bạn

Bình luận