Lợi ích người lao động trong các công ty cổ phần

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
27/07/2018 05:54

Hài hòa lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động là bài toán không hề đơn giản, đặc biệt trong các doanh nghiệp cổ phần hóa. Giải quyết tốt mối quan hệ này là yếu tố then chốt để doanh nghiệp phát triển.

 

IMG_3304

Tổng Giám đốc Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh tặng quà cho cán bộ, đoàn viên, người lao động nhân dịp Tháng Công nhân

Người lao động là trung tâm

Giai đoạn 2011 - 2016, Chính phủ giao Bộ GTVT cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty còn lại là công ty thành viên. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã nỗ lực cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, vượt kế hoạch được giao 67 doanh nghiệp. Trong 137 doanh nghiệp này có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các doanh nghiệp trực thuộc tổng công ty. Việc cổ phần hóa 12 tổng công ty đã mang lại 2.785 tỷ đồng (tăng 632 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra), còn 133 doanh nghiệp thuộc tổng công ty mà không cần nắm giữ đã cổ phần hóa và giá trị thu về 4.184 tỷ đồng, tăng 1.280 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bảo đảm việc làm, tâm tư người lao động, sự ổn định của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa được Bộ GTVT, Công đoàn GTVT hết sức quan tâm. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phan Đức Hữu - Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Cienco 4 cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sự cạnh tranh gay gắt trong cơ chế thị trường về tìm kiếm việc làm, khó khăn về giải quyết các chế độ, chính sách nhưng vẫn phải giữ được sự ổn định đời sống người lao động khi từ một tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty cổ phần nhà nước chi phối rồi sang mô hình công ty cổ phần không có vốn nhà nước.

Từ thực tế đặt ra, Công đoàn Tập đoàn Cienco 4 luôn lấy người lao động là trung tâm để phát triển doanh nghiệp và tổ chức tốt các hoạt động công đoàn. Vì thế, Công đoàn Tập đoàn đã chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn để ký kết quy định giữa Ban Thường vụ Công đoàn với Tổng giám đốc về xây dựng nhà ở công nhân, công tác tiền lương, công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh công nghiệp trên các công trình nhằm từng bước nâng cao đời sống công nhân lao động trên các công trường. Đồng thời, Tập đoàn đưa ra nhiều biện pháp tối ưu nhất để giải quyết việc làm cho người lao động, thông qua các gói thầu lớn mà Tập đoàn trúng thầu để phân chia công việc cho các đơn vị, tạo việc làm cho người lao động một cách phù hợp và hiệu quả. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng đời sống người lao động của Tập đoàn cơ bản được đảm bảo, thu nhập bình quân đạt trên 10,5 triệu đồng/người/tháng. 100% người lao động được cấp giường nằm (thay cho phản nằm trước đây), nhà ở công nhân được trang bị đầy đủ tiện nghi như: Quạt điện, ti vi, tủ lạnh; hầu hết các đơn vị đã trang bị máy điều hòa nhiệt độ, bình tắm nóng lạnh, máy giặt quần áo… Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động của Tập đoàn được cấp chứng chỉ quốc tế theo Tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Tâm - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) cho biết, tháng 8/2016 TEDI trở thành công ty cổ phần 100%, đây là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của đơn vị, một sự thay đổi lớn về chất trong quan hệ sở hữu. Theo đó, người chủ doanh nghiệp giờ đây là các cổ đông với những mục tiêu khác nhau khi đầu tư vốn vào TEDI. Vậy làm thế nào để tiếp tục phát triển bền vững, giữ được thương hiệu TEDI?

Giải pháp đầu tiên mà TEDI thực hiện mang tính quyết định đó là đảm bảo sự tăng trưởng cao về sản xuất kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, đảm bảo thu nhập cho người lao động và cổ tức cao cho cổ đông. Giải pháp thứ hai mang tính then chốt là không ngừng phát triển khoa học công nghệ, tiếp tục dẫn đầu trong công tác ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến và các ý tưởng sáng tạo vào các công trình, khẳng định vị thế tư vấn hàng đầu ứng dụng khoa học công nghệ trong cả nước. Giải pháp thứ ba mang tính sống còn đối với doanh nghiệp tư vấn đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp, đảm bảo cho các tổ chức chính trị tiếp tục hoạt động hiệu quả. Nhân lực là tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp tư vấn, do đó quy chế tiền lương, chính sách ưu đãi, lương, thưởng… phải đảm bảo thu nhập cho nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mọi điều kiện để người lao động cống hiến, thăng tiến về chuyên môn, quản lý…

 Hài hòa lợi ích

Cienco4
Công đoàn cần thật sự đi sâu, chia sẻ với người lao động

Qua trao đổi, chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp cổ phần đều khẳng định, cho dù tổ chức Công đoàn trong điều kiện nào cũng phải là người đồng hành cùng doanh nghiệp, phấn đấu vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển doanh nghiệp vững mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích lâu dài của người lao động. Thực tế cho thấy, ở đâu Công đoàn chủ động đổi mới tổ chức, nội dung hoạt động, coi sự phát triển của doanh nghiệp là mục tiêu sống còn để thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, lợi ích của người lao động thì ở đó hoạt động Công đoàn thật sự có hiệu quả. Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) đã tiến hành xong công tác cổ phần hóa vào tháng 6/2014 và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất thành công. Trong hoạt động, Công đoàn Tổng công ty luôn bám sát mục tiêu định hướng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ðảng bộ, HĐQT để xây dựng các giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, gắn với điều kiện thực tế công việc của người lao động, đặc biệt là tham gia tháo gỡ, giải quyết những vấn đề thiết thực mà người lao động và doanh nghiệp đang quan tâm.

Qua số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011 - 2016, một số công ty đã cổ phần có doanh thu tăng khoảng 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế do quản trị, điều hành tốt đã tăng tới 194%, thu nhập của người lao động tăng 32% trong vòng 4 năm. Những doanh nghiệp giao thông cổ phần hóa giai đoạn này hiện nay đa số hoạt động hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động, đảm đương nhiệm vụ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm.

Đánh giá về hoạt động Công đoàn của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam cho rằng, thời điểm trước khi cổ phần hóa, công đoàn tổng công ty và công đoàn cơ sở hoạt động thống nhất, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của công đoàn cấp trên. Mô hình mới, tất yếu phương thức hoạt động phải mới nhằm phù hợp mô hình tổ chức mới của doanh nghiệp cổ phần. Giờ đây, Công đoàn không chỉ dừng lại ở việc chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động mà phải biết cân đối hài hòa lợi ích của lực lượng này. Ðể làm được điều đó, Công đoàn cần thật sự đi sâu, chia sẻ, tham gia cùng chủ doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực: Tìm kiếm việc làm, tham gia quản lý doanh nghiệp, tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có lợi ích của người lao động

Ý kiến của bạn

Bình luận