Logistics ở Singapore: “Vũ khí” phát triển kinh tế chiến lược

Tác giả: minh phương

saosaosaosaosao
26/06/2016 14:10

Toàn cầu hóa logistics là xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế. Nắm bắt được xu hướng này, Singapore đã tận dụng những lợi thế để vươn mình trở thành quốc gia có ngành logistics hàng đầu thế giới, đồng thời trở thành đất nước giàu nhất khối ASEAN.

1. Cang Singapore
Cảng Singapore là cảng biển lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau cảng Thượng Hải (Trung Quốc)

Lợi thế lớn về vị trí địa lý

Nằm ngay trên đường xích đạo và hầu như không bị thiên tai đe dọa, vị trí địa lý này cho phép bến cảng và sân bay của Singapore hoạt động gần như thông suốt trong cả năm, thuận lợi cho xếp dỡ hàng hóa. Mặt khác, vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Đông Nam Á đã giúp Singapore trở thành trung tâm thương mại toàn cầu, là nơi tụ hội của những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải và vận chuyển quốc tế.

Cảng Singapore được Chính phủ triển khai xây dựng và phát triển với kết cấu hạ tầng hiện đại, sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2013, cảng Singapore được xếp hạng là cảng lớn thứ hai thế giới, với thông lượng 32,6 triệu đơn vị container và lượng hàng hóa xử lý lên tới 537,6 triệu tấn. Cảng biển Singapore kết nối với 600 cảng biển lớn, nhỏ ở 123 quốc gia thông qua 200 hãng tàu biển. Ngoài ra, cảng Singapore còn quản lý 4 trung tâm phân phối hàng hóa trong khu vực và trên thế giới với sức chứa trên 600.000 m3 hàng hóa.

Bên cạnh cảng, sân bay Changi của Singapore cũng đóng góp không nhỏ vào ngành Công nghiệp logistics nước này với khả năng tiếp nhận khoảng 6.000 chuyến bay/tuần, kết nối với hơn 200 thành phố ở 60 quốc gia. Sân bay Changi được xếp hạng 10 trên thế giới về lượng hàng hóa xử lý, với 1,85 triệu tấn trong năm 2013. 

Hệ thống cơ sở hạ tầng khổng lồ và khả năng kết nối toàn cầu đã biến Singapore trở thành “ngôi nhà” của rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới như: Agility, DHL, FedEx, TNT, UPS, Nippon Express, NYK Logistics và Toll Logistics… Hiện tại, 25 nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL và 17 nhà cung cấp dịch vụ logistics LSP hàng đầu thế giới đang đặt trụ sở tại Singapore, trong đó nổi bật nhất là DHL với 30.000 nhân viên và DB Schender với 11.000 nhân viên. Singapore đang có tổng cộng hơn 7.000 công ty logistics, mang lại việc làm cho hơn 180.000 lao động, đóng góp 9% GDP toàn quốc gia.

Singapore cũng được công nhận là cảng có hệ thống hải quan làm việc đạt hiệu quả cao, thủ tục xuất - nhập khẩu thân thiện với doanh nghiệp. Hệ thống một cửa điện tử quốc gia Tradenet cho phép đơn giản hóa tất cả các thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa.

Với đội ngũ nhà cung cấp dịch vụ logistics hùng hậu và mạng lưới kết nối phủ khắp toàn cầu, Singapore trở thành trung tâm cung cấp và quản lý chuỗi logistics yêu thích của vô số thương hiệu hàng đầu các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, khoa học y sinh, điện tử viễn thông như: Avaya, Diageo, Dell, Hewlett Packard, Infineon, LVMH, Novartis, ON Semiconductor, Panasonic và Siemens Medical Instruments…

Vai trò của chính phủ singapore trong phát triển logistics

Chính phủ Singapore luôn coi logistics là “vũ khí” phát triển kinh tế chiến lược. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 3 - 5%/năm, Singapore đã vạch ra một lộ trình phát triển logistics dài hạn, với tổng số vốn 42 triệu SGD. “Lộ trình phát triển logistics và nâng cao sản lượng vận tải” được Hội đồng Phát triển kinh tế Singapore (EDB) và SPRING Singapore xây dựng, dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các công ty, đối tác và các hiệp hội công nghiệp; tập trung thúc đẩy năng suất dài hạn của ngành công nghiệp logistics và công nghiệp vận tải, qua đó nâng cao năng suất các ngành sản xuất, dịch vụ, tăng trưởng thu nhập bình quân của người lao động.

image0011
Cảng Singapore - Port of Singapore Authority

Lộ trình phát triển logistics chú trọng vào việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho logistics như: Ưu đãi thuế cho các công ty tàu biển quốc tế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Logistics và phát triển kinh doanh cho các công ty logistics Singapore thông qua Qũy Hàng hải; khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các công ty nước ngoài để tăng cường kết nối toàn cầu; kêu gọi các công ty đa quốc gia, các hãng dịch vụ logistics quốc tế đặt trụ sở tại nước mình; tăng cường đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng logistics quy mô lớn, hiện đại…

Trong đó, Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực cho ngành Logistics, mục đích là để vừa tạo ra được nguồn lao động phục vụ trong nước, vừa mời thêm được các chuyên gia từ nước ngoài về giảng dạy và phát triển hệ thống logistics nước nhà.

Bên cạnh đó, năm 2011, Singapore khai trương Trung tâm Đổi mới Quản lý chuỗi cung ứng (COI-SCM). Về cơ bản, COI-SCM có vai trò trung tâm một cửa hỗ trợ các doanh nghiệp logistics Singapore nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả kinh doanh thông qua việc đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý. COI-SCM đưa ra các giải pháp đổi mới trong mọi khâu hoạt động của doanh nghiệp, từ quản lý tài sản tồn kho, tối ưu hóa vận chuyển, quản lý nguồn lực doanh nghiệp, cải tiến quy trình, điều khiển và tự động hóa cho đến thiết kế và quản lý kho hàng. Ngoài ra, COI-SCM còn hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp bằng cách cung cấp các khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Những giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp logistics Singapore nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phân phối sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.

Với những sáng kiến và hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ, kết hợp với vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và mạng lưới kết nối toàn cầu xuất sắc, ngành Logistics của Singapore đang phát triển không ngừng, trở thành chủ lực kinh tế của “Đảo quốc sư tử” này.

MINH PHƯƠNG (tổng hợp)

 

Ý kiến của bạn

Bình luận