Loạn thị trường xe công nghệ, tài xế chiêu trò nhận tiền khuyến mãi

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 17/08/2018 09:23

Nhiều hãng xe công nghệ ra đời buông lỏng trong quản lý, không ràng buộc tài xế tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh và mất an toàn cho hành khách.

Nhiều hãng xe công nghệ ra đời buông lõng quản lý
Nhiều hãng xe công nghệ ra đời buông lõng quản lý tài xế.

Buông lỏng quản lý 

Liên tiếp các hãng xe công nghệ mới ra đời, với tham vọng lấp vào vị trí của Uber, cạnh tranh giành lại thị phần có phần “phủ xanh” của Grab khiến thị trường xe công nghệ sôi động hơn nhưng cũng đối diện với nhiều nguy cơ khi có nhiều dấu hiệu buông lỏng trong quản lý, không ràng buộc các đối tác tài xế tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh và mất an toàn cho hành khách.

Cùng với sự gia tăng của người dùng là cơn sốt tài xế công nghệ ngày càng đông và quy trình tuyển dụng, giám sát cũng bắt đầu nơi lỏng. Các hãng xe công nghệ mới ra đời để điền vào chỗ trống Uber như: Go-Viet, Mai Linh, Vato… tìm mọi cách để tăng nhanh số lượng đầu xe nhưng quy trình quản lý còn thiếu rõ ràng và dễ bị các tài xế qua mặt, khiến thị trường “xe công nghệ” có phần đang trở nên bát nháo. 

Lợi dụng quy trình kiểm tra đầu vào lỏng lẻo, nhiều tài xế từng bị khoá tài khoản vì vi phạm các quy tắc an toàn, ứng xử của nhà cung cấp ứng dụng khác hay các đối tượng có tiền án, tiền sự... cũng dễ dàng đăng ký sang chạy app mới. Với hồ sơ tài xế không rõ ràng và kiểm tra qua loa, nguy cơ mất an toàn cho hành khách là điều đáng quan ngại. 

Tài xế chạy “đa” app

Vừa trả khách trước Bệnh viện đại học Y Dược ông Nguyễn Văn T. (56 tuổi, ngụ quận 6) cho biết: “Tôi chạy xe ôm công của hãng Mai Linh được 3 tháng rồi, nhưng thu nhập thấp vì ít khách đặt xe. Nghe bạn bè giới thiệu có hãng Go-Viet mới triển khai ứng dụng tại TP.HCM với chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thủ tục đăng ký đơn giản và quản lý dễ nên tôi đăng ký chạy song song 2 hãng Go-Viet và Mai Linh.

Hiện tại Go-Viet vừa triển khai, đang thử nghiệm nên khuyến mãi chiết khấu có 10% và dễ đăng ký, không quá khắt khe trong quản lý. Đặc biệt họ còn cho phép mình chạy nhiều hãng, chỉ khuyến cáo hạn chế bật app hãng khác chứ không quy định bắt buộc chạy một hãng. Nếu có nhu cầu chạy Go-Viet thì cứ tới 360 đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM đăng ký thủ tục rất đơn giản gồm: CMND, cà vẹt xe, bằng lái xe, bảo hiểm xe máy và chỉ mất 2 tiếng đồng hồ là hoàn tất, ông T. mách nước. 

ông Nguyễn Văn T. (56 tuổi, ngụ quận 6)
Ông Nguyễn Văn T. (56 tuổi, ngụ quận 6) chia sẻ về việc đăng ký chạy 2 hãng xe công nghệ.

 Lợi dụng khuyến mãi, tài xế chơi chiêu! 

Nhiều hãng mới ra đời để quảng bá thương hiệu, thu hút hành khách và tài xế đã tung các chiêu trò khuyến mãi (dưới 8km chỉ trả 5.000 đồng) để kéo người dùng; hay cho tài xế của đối thủ, chấp nhận cạnh tranh không lành mạnh để kéo đối tác. 

Kể từ khi thị trường xe công nghệ trở nên sôi động, PV liên tục nhận được phản ánh bày tỏ sự phiền hà, bức xúc của hành khách đi xe. Nguyên nhân là do nhiều tài xế xe công nghệ lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo đã phát sinh nhiều mánh khóe kiếm tiền thưởng.

Nguyễn Ngọc T. (24 tuổi) vừa đăng ký chạy xe Go-Viet được 1 tuần bật mí: “Hiện nay đa phần các tài xế sẵn sàng đăng ký chạy Go-Viet phụ thêm để “bào khuyến mãi”. Giai đoạn đầu, app mới cho chạy miễn phí chiết khấu hoặc mức chiết khấu thấp 10%, rất dễ kiếm tiền thưởng từ công ty, chạy cuốc ngắn cũng được 30.000 đồng. Gặp khách hàng dễ, nhờ đặt một cuốc khác không chạy vẫn nhận được tiền khuyến mãi 25.000 đồng. Trung bình mỗi ngày tôi chạy Go-Viet được 500.000 đồng. Từ ngày đăng ký Go-Viet tôi gần như bỏ hẳn Vato”.

Phiền hà cho hành khách

Anh Trần Công Minh (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Bữa giờ, nghe mọi người nói Go-Viet khuyến mãi rất rẻ, tôi cũng đặt đi thử. Tài xế chạy cũng được nhưng đặt cuốc đi xe xong lại nhờ đặt thêm cuốc nữa để không chạy mà vẫn nhận được tiền khuyến mãi từ công ty. Lần đầu gặp một em sinh viên, tôi cũng giúp, nhưng sau này các tài xế khác cũng nhờ, không nhận lời thì kì kèo năn nỉ rất phiền”.

IMG_0887
Nhiều tài xế Go-Viet nhờ hành khách đặt xe để nhận tiền thưởng gây phiền hà.

Theo thu thập của PV, hiện có nhiều tài xế lợi dụng khuyến mãi để tăng thu nhập hơn là chạy thực lực. Điển hình như Go-Viet có khuyến mãi chạy dưới 8km, tài xế nhận lại 25.000 đồng từ công ty nên cánh tài xế tranh thủ vừa dùng app tài xế, vừa dùng tài khoản người dùng để tự đặt cuốc ảo, tranh thủ lấy tiền thưởng.

Sự gia tăng nhà cung cấp xe công nghệ đang đưa thị trường đến với những cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhìn từ góc độ tiêu dùng, dẫu là người cũ hay kẻ mới thì đều thấy rõ rằng, vận hành mà không có nền tảng ứng dụng đủ mạnh, đủ chuẩn để hiểu và giám sát hành trình, không có quy trình quản lý tài xế nghiêm túc sẽ dễ bị tài xế có những chiêu trò lấy tiền từ nhà cung cấp ứng dụng.

Thị trường xe công nghệ sẽ lại có nhiều “con sâu làm rầu nồi canh” và sẽ lại có nhiều câu hỏi, vấn đề đáng lo ngại cho chất lượng và sự an toàn khi di chuyển thời 4.0.

Ý kiến của bạn

Bình luận