Lo ngại việc hợp thức hóa xe lậu

Ý kiến phản biện 14/12/2019 06:54

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói có tình trạng xe lậu, xe không giấy phép cố tình vi phạm để bị tạm giữ, chờ thời điểm thanh lý thì tìm cách mua lại.

 

nguyen-sy-cuong1-3396-1576170738
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Ngọc Thắng

Trong phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ do Ủy ban Pháp luật tổ chức chiều 12/12 ở Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Cương (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) đề nghị Bộ Công an quan tâm thông tin ở tỉnh khó khăn có việc lợi dụng tạm giữ xe vi phạm để tiêu thụ xe gian.

"Anh em phát hiện ra có trường hợp xe lậu, giá trị rất cao nhưng cố tình vi phạm để bị bắt, đợi đến khi xe thanh lý thì tìm cách mua bằng được", ông Cương nói và cho rằng kẻ đầu nậu chỉ cần một quyết định thanh lý của Hội đồng xử lý, trong đó có số khung số máy, sau khi mua sẽ đăng ký lại.

"Giá bán thanh lý thì vô cùng lắm. Với cách làm đó, từ xe gian sẽ thành xe hợp pháp", ông nói và đề nghị Bộ Công an cho biết biện pháp giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Phó đoàn Lâm Đồng) cũng nêu thực tế xe gian, xe không giấy tờ bị tạm giữ khá lớn và đề nghị bán sắt vụn, "dứt khoát không bán lại trong nội bộ để tránh tiêu cực".

"Xe vi phạm pháp luật mà tận dụng cũng là vi phạm pháp luật. Trường hợp này phải xử lý nghiêm gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Nếu nhất quán như thế thì sẽ giải quyết được các bãi tồn đọng, còn buông lỏng, tạm giữ rồi tuồn ra thì lại tiếp tục vi phạm pháp luật", ông Tạo nói.

Khẳng định những vi phạm như ông Nguyễn Sỹ Cương nêu thì phải truy tố, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị đại biểu nếu có thông tin cụ thể vi phạm thì cung cấp cho Bộ Công an để chỉ đạo xác minh.

Đại diện Bộ Tài chính thông tin, việc xử lý tài sản đã tịch thu theo phương án bán đấu giá thực hiện theo quy định pháp luật. Quy trình xác định giá sẽ được thực hiện bởi các công ty định giá, "nếu vi phạm pháp luật thì cần xử lý". 

Đại biểu cũng nêu thực trạng khó khăn của các địa phương, đơn vị khi số lượng xe tạm giữ quá lớn. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, đây chủ yếu là xe không có giấy tờ đăng ký, xe được "độ", "chế" và đục lại số khung, số máy. Những xe này nếu không xử lý nhanh thì Nhà nước phải bỏ ngân sách ra để trả tiền lưu bãi.

"Mỗi xe tiêu tốn tiền kho bãi 16.000 đồng mỗi ngày, tạm giữ 30 ngày đến khi bán đấu giá chỉ được 500.000-700.000 đồng một xe. Như vậy Nhà nước phải bỏ thêm ngân sách cho thời gian lưu kho bãi", ông nói và đề nghị xe cũ, nát phải có phương án rút ngắn thời hạn tạm giữ và đơn giản hóa thủ tục xử lý.

Theo báo cáo của Bộ Công an, nhiều trường hợp xe tịch thu có giá trị thấp, sau khi bán đấu giá thì số tiền thu được không đủ trừ chi phí giám định, định giá, thuê vận chuyển, bảo quản và chi phí cho việc tiêu hủy khi không thanh lý được hoặc không có giá trị sử dụng. 

Ý kiến của bạn

Bình luận