Liên kết xe buýt với Grab để thu hút khách đi xe

Doanh nghiệp 22/01/2020 05:09

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, năm 2019, lượng hành khách đi xe buýt tại thành phố tiếp tục giảm hơn 12% so với 1 năm trước đó. Người dân vẫn chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân hoặc đi lại bằng loại hình xe Grab đã khiến tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông tại thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp.

 

thumb_660_b13b74b9-11ff-4f5d-808e-583e74fa18cd
Hơn 2/3 số đầu xe buýt của TP Hồ Chí Minh được đầu tư mới nhưng lượng khách đi xe vẫn giảm.

Hệ thống đường xá, hạ tầng giao thông càng quá tải khi tỉ lệ đất dành cho giao thông tại TP Hồ Chí Minh đến cuối năm nay mới chiếm 12% so với diện tích đất xây dựng đô thị và mỗi km2 đô thị chỉ có 2,2km đường giao thông. 

Người dân, nhất là những người có lộ trình, giờ giấc đi lại ổn định như học sinh, sinh viên, viên chức Nhà nước, công nhân và những người làm công việc hành chính… không sử dụng phương tiện công cộng để đi lại đã khiến các giải pháp kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố không đạt kết quả như mong muốn.

Càng về dịp cuối năm, khi nhu cầu đi lại và nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hành khách liên tỉnh tăng cao, tình trạng ùn tắc, quá tải phương tiện trên đường càng trở lên căng thẳng.

Ông Lâm cho biết, nguyên nhân khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sụt giảm đã được Sở GTVT nhận diện gồm những tồn tại như cấu trúc đô thị; trợ giá cho hoạt động của xe buýt; khả năng tiếp cận với hành khách và công tác quản lý giao thông. 

Nhằm thu hút người dân đi xe buýt, giảm xe cá nhân, giảm áp lực cho đường bộ, Sở GTVT tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới tuyến xe buýt và triển khai thực hiện đề án phát trển vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 nhằm hình thành lên mạng lưới xe buýt liên thông và phủ khắp địa bàn.

Đồng thời đầu tư một loạt công trình trạm dừng, nhà chờ, ga đón trả khách và đầu tư hệ thống trang thiết bị giám sát điều hành để nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt… 

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã điều chỉnh một loạt tuyến xe buýt như tuyến số 38 kết nối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng; tuyến số 31 kết nối với Trường Đại học Văn Lang; tuyến số 77 kết nối với hoạt động vận tải khách bằng đường thủy; kết nối liên thông giữa xe buýt với các loại hình vận tải đường không, đường sắt, đường bộ. 

Đặc biệt, Sở GTVT đã dự thảo đề án “Tổ chức HTX kiểu mới, tiên tiến tham gia cung ứng sản phẩm vận tải hành khách công cộng tại TP Hồ Chí Minh”. Sở GTVT cũng đã hướng dẫn các DN kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe máy như Be, Go-Viet, FastGo, Vận Thông thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách. trọng tâm của giải pháp này là chỉ cần khách lên xe, tài xế Grab bike sẽ hướng dẫn và chở đến đúng điểm đón xe buýt. 

Ngoài ra, Sở GTVT cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là làm việc với Công an thành phố, Sở Giáo dục - Đào tạo, Ban An toàn giao thông các quận, huyện để tăng cường vận động, tuyên truyền công nhân, học sinh, sinh viên đi xe buýt. Để thu hút người dân đi xe buýt, hiện đề án xây dựng tuyến buýt xanh vận chuyển khối lượng lớn nối từ Bến xe Miền Tây mới về Bến xe Miền Đông mới cũng đang được sở GTVT đẩy mạnh triển khai.

Đến nay, số lượng xe buýt mới được các DN vận tải thay thế đã đạt số lượng 1.185 đầu xe, đạt hơn 71% với 352 xe buýt chạy khí gas. Để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, hiện mỗi xe đã được gắn ít nhất 2 camera phục vụ việc giám sát từ xa. 

Nhằm tạo thuận lợi cho khách đi xe buýt, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đã tiên phong thí điểm ứng dụng thành công loại hình vé điện tử đối với khách đi xe buýt. Hiện Sở GTVT cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, ứng dụng mô hình mini buýt để tăng thêm khả năng tiếp cận giữa xe buýt với người dân. 

Ông Lâm chia sẻ, hiện Sở GTVT đã hoàn thành đề án và sẽ trình Thành ủy, UBND thành phố ngay trong tháng 1 này để triển khai các giải pháp kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó có giải pháp giảm xe cá nhân. 

Theo ông Lâm, với một thành phố lớn, đông dân như TP Hồ Chí Minh, về lâu dài phương tiện giao thông công cộng sẽ là metro và xe buýt chứ không phải là xe cá nhân. Khi tuyến metro số 1 hoàn thành, các tuyến xe buýt sẽ tiếp tục được điều chỉnh để tăng khả năng kết nối, phục vụ hành khách giữa 2 loại hình vận chuyển hành khách công cộng khối lượng lớn này.  

Ý kiến của bạn

Bình luận