Lên máy bay còn bị 'lôi' xuống vì mua vé bằng thẻ tín dụng giả?

Ý kiến 02/03/2018 15:22

Hàng loạt khách hàng mất tiền mua vé mà không bay được vì vé bị thanh toán bằng thẻ tín dụng của người khác. Thậm chí lên máy bay rồi còn bị "lôi" xuống.

 

Lên máy bay còn bị 'lôi' xuống vì mua vé bằng thẻ
Làm thủ tục lên máy bay của Vietjet Air vẫn có thể không được bay nếu mua lại vé của người khác - Ảnh: CÔNG TRUNG

Lên máy bay còn bị "lôi" xuống

Chị N.M. cho biết tối 16-2 (mùng 1 tết), chị đặt hai vé máy bay đi từ TP.HCM đến Nha Trang thông qua trang web của Hãng hàng không Vietjet tại địa chỉ www.vietjetair.com để bay vào mùng 2 tết. 

Chọn hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng, mất hơn một tiếng đồng hồ, hệ thống của Vietjet luôn báo "giao dịch không thành công, đề nghị thử lại".

Cho rằng thẻ Visa có vấn đề, chị M. đổi sang một thẻ tín dụng khác (Amex). 

Hệ thống vẫn báo "giao dịch không thành công, đề nghị thử lại". Làm theo, sau đó chị M. giật mình khi phát hiện thẻ tín dụng Amex đã bị Vietjet thu tới hai lần tiền mà hãng... không chịu xuất vé. 

Gọi lên tổng đài nhiều lần mới được nghe máy, chị M. chỉ nhận được thông tin: qua tết hãng mới có thể giải quyết. 

Không những không mua được vé, tiền bị trừ vô lý, chị M. bức xúc khi phải đi xe khách đường dài khiến con nhỏ vô cùng mệt mỏi dịp tết.

Chị M. không phải trường hợp duy nhất mà còn nhiều vụ việc khác. Như ông Nguyễn Văn Đích ở TP.HCM cho biết vì gia đình có người ốm nặng cần bay ra Hà Nội gấp nên ông nhờ người nhà mua vé hành trình TP.HCM - Hà Nội cho 3 người. 

Nhưng trước ngày bay, con dâu ông lên trang web của Hãng Vietjet kiểm tra thì phát hiện vé đã bị hủy (từ chối) do thanh toán bằng thẻ tín dụng giả. 

Vấn đề là ông Đích đã trót thanh toán tiền cho 3 vé đó, mỗi vé 1,3 triệu đồng. Sau đó, ông phải đặt vé khác với giá 1,9 triệu đồng.

Khổ hơn ông Đích là trường hợp của chị Trương Thị Bảo Trinh. Chị Trinh nhờ chị Chu Hải Yến, đại lý vé máy bay ở Lạng Sơn, đặt vé gấp chuyến Sài Gòn - Hà Nội chiều 4-8-2017. 

Theo chị Yến, để tiết kiệm cho khách, chị đăng tin lên mạng, ở hội chuyên bán vé máy bay và có một người tên Phạm Thị Trang (quận Bình Tân, TP.HCM) có vé Vietjet nhượng lại với giá chỉ 1,65 triệu đồng.

"Tôi yêu cầu người bán xuất vé và cung cấp thông tin vé đầy đủ mới thanh toán. Người bán còn nhiệt tình checkin online trước" - chị Yến cho biết. 

Nhưng khi chị Trinh ra sân bay, qua hết các thủ tục an ninh soi chiếu, qua hết các cửa, lên máy bay ngồi rồi, nhân viên Vietjet mới yêu cầu chị xuống máy bay, từ chối vận chuyển. 

Lý do là vé của chị Trinh đã thanh toán bằng thẻ visa bị hack từ nước ngoài.

Ngoài những trường hợp trên, báo Tuổi Trẻ còn có mã code của 8 khách hàng khác cũng mua vé của Vietjet, sau khi thanh toán đã kiểm tra lại trên trang chủ Vietjet, thông tin đầy đủ, hành trình đầy đủ, vé đã thanh toán... 

Tuy nhiên, sau đó ra sân bay lại bị từ chối vận chuyển và yêu cầu mua vé mới.

Cẩn trọng khi mua lại vé trên mạng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vietjet xác nhận đã nhận được thông tin về trường hợp của chị M. bị trừ tiền hai lần nhưng vẫn không xuất được vé của hãng. 

Vị này cho biết theo đánh giá ban đầu là do hãng đã đầu tư nâng hệ thống an toàn nên những gì liên quan đến thanh toán, có nguy cơ giả mạo sẽ được hệ thống chặn lại, không cho xuất vé.

Vietjet cho rằng chị M. đã dùng một thẻ thanh toán 3 lần nhưng không được, trong hệ thống của hãng đã chặn, cảnh báo không cho thanh toán. 

Khi chị M. tiếp tục dùng thẻ thứ 2 để thanh toán, dù đã trừ tiền vào tài khoản nhưng trong hệ thống phát hiện số điện thoại, email mua vé trùng với thẻ trước, hệ thống báo giao dịch không thành công và hoàn lại tiền.

Đại diện Vietjet cho biết ngay sau khi nhận được phản ảnh, hãng đã kiểm tra xem khách nhận được tiền chưa, trên hệ thống báo đã hoàn tiền cho khách ngay lập tức khi giao dịch không thành công. 

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ cuối tháng 2-2018, chị M. cho biết vẫn chưa được hoàn lại tiền.

Về các trường hợp mua lại vé của người khác, theo các đại lý vé máy bay, đối tượng lừa đảo đã lợi dụng kẽ hở là Hãng Vietjet không yêu cầu xác thực chủ thẻ khi mua online trên mạng. 

Sau khi giữ chỗ trong khoảng thời gian từ 12-24 tiếng, đối tượng lừa đảo đã sử dụng thông tin thẻ ăn cắp để thanh toán vé cho nạn nhân. 

Nếu thẻ có nguồn gốc ở nước ngoài, trong vài ngày sau khi thanh toán, chủ thẻ ở nước ngoài khiếu nại, hãng sẽ xác minh và hủy vé thanh toán giả mạo, khiến người mua lại vé trên mạng mất tiền nhưng không được bay.

Một trường hợp nữa là nếu vé được thanh toán bằng thẻ visa ăn cắp mà khách bay gấp, khiến hệ thống chưa kịp từ chối thì hãng hàng không sẽ phải bỏ tiền túi ra đền cho chủ thẻ.

Được biết, các đối tượng ít sử dụng thẻ ăn cắp trong nước vì hầu hết khách hàng khi bị trừ tiền sẽ được báo qua tin nhắn điện thoại, thường họ sẽ khiếu nại ngay để phong tỏa số tiền này.

Các đại lý vé máy bay lâu năm cho biết nguyên nhân chính khiến cả hãng, đại lý và khách hàng bị thiệt là vì trang web Vietjet không hỗ trợ xác thực giao dịch trực tuyến như các hãng tiên tiến trên thế giới (3D Secure - khi nhập thông số thanh toán sẽ được gửi tin nhắn với mã xác thực, nhập đúng mới hoàn thành giao dịch). 

Trang web của Vietjet cũng không có mục kiểm tra và cảnh báo thẻ giả, chỉ có mục kiểm tra vé đã thanh toán hay chưa. Hãng không yêu cầu xác thực thẻ trước ngày bay với những vé thanh toán thẻ nhưng chưa qua xác thực trực tuyến.

Trả lời báo Tuổi Trẻ qua email, Hãng Vietjet thừa nhận các trường hợp báo nêu là đúng. Có trường hợp do nhận được thông tin từ Vietcombank xác nhận vé được thanh toán bằng thẻ giả nên hãng đã từ chối vận chuyển. 

Vietjet cũng chưa trả lời thẳng vào một số câu hỏi về khả năng thẻ giả vẫn thanh toán được trên trang web Vietjet và khả năng ngăn chặn...

Theo các chuyên gia, để tránh những rắc rối, khách hàng nên tránh mua lại vé được rao bán trên các mạng xã hội với giá rẻ bất ngờ.

Ý kiến của bạn

Bình luận