Lát gỗ lim làm đường đi bộ: Thương mại hóa sông Hương?

Ý kiến phản biện 29/04/2016 14:48

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị ĐN cho rằng việc xây dựng đường đi bộ lát gỗ lim, bến thuyền, kiot... sẽ phá vỡ cảnh quan sông Hương thơ mộng.

 

Lát gỗ lim làm đường đi bộ- Thương mại
Ảnh minh họa.

Phá vỡ cảnh quan sông Hương thơ mộng

Mới đây Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ tổ chức trưng bày dự án thí điểm “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương” tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP Huế) để người dân cho ý kiến. Theo dự án này thành phố sẽ xây dựng con đường đi bộ lát bằng gỗ lim cũng như các tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự kiện, ki ốt... nhằm tạo cảnh quan ven bờ sông Hương.

Trước thông tin này, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Cửu Loan - Chánh văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng đứng ở góc độ kiến trúc, quy hoạch sông Hương như vậy là chưa hợp lý.

“Bây giờ tài nguyên gỗ không có nhiều, các cơ quan ban ngành đang kêu gọi tiết kiệm. Tôi nghĩ Huế nên làm điều gì khác hay hơn là lát gỗ. Nó rất lãng phí tài nguyên. Bây giờ lấy gỗ lim ở đâu ra để thực hiện chủ trương đó. Việc lát gỗ lim ở Huế cũng giống như việc lát gạch ở phố Nguyễn Huệ - TP.HCM nhìn tổng thể nó rất vô bổ, vô nghĩa. Dòng sông Hương vốn đã đẹp, thơ mộng rồi, Huế lại là di sản được UNESCO công  nhận rồi nên tôi cho rằng vấn đề quan trọng ở đây là văn hóa ứng xử của con người địa phương thôi.

Thứ hai là Huế dự tính đem du thuyền, khu quảng trường vào phục vụ, như vậy sẽ phá đi cái mác rêu phong cổ kính thì cũng uổng lắm. Đưa du thuyền vào khu vực đó là hiện đại rồi. Những công trình này sẽ phá vỡ cảnh quan của sông Hương.

Khách du lịch đến Việt Nam và tới Huế là muốn xem vẻ cổ kính của nó. Vì thế thay vì xây dựng những công trình kia Huế nên  đầu tư xây dựng các khu nhà vườn để lôi kéo khách về thăm quan khu du lịch sinh thái hơn là phá vỡ không gian quy hoạch kiến trúc của sông Hương”, ông Loan nhấn mạnh.

Theo Chánh văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng việc tác động lên quy hoạch sông Hương nói riêng, khu cảnh quan di tích ở Huế nói chung phải rất thận trọng, nếu không sẽ vấp phải sự phản đối từ phía những người dân.

“Nếu Huế quyết làm công trình này tôi nghĩ người dân sẽ phản ứng. Cách đây gần 10 năm, một khu nhà cao tầng khi xây dựng không đồng bộ với kiến trúc Huế thì đã bị phản đối kịch liệt rồi. Giờ người ta lại có ý tưởng như vậy để phát triển du lịch sông Hương. Tôi nghĩ những công trình đó chỉ là vẻ đẹp tức thời thôi không lâu dài, bền vững được.

Tôi nghĩ các nhà kiến trúc sư, các nhà quy hoạch khi được hỏi họ sẽ đưa ra phản biện rồi những người mến yêu Huế không chỉ ở địa phương mà ở tại Sài Gòn, Đà Nẵng hay Hà Nội tất cả họ sẽ phản ứng hết thôi. Vì thế phải hết sức thận trọng”, ông Loan khẳng định.

Với nhiều năm làm trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, vị cán bộ cho rằng chủ đầu tư bao giờ cũng vì lợi ích mà vẽ ra một chân dung đẹp, mỹ miều hết nhưng vấn đề lâu dài và cái sự bền bỉ của công trình thì tạm thời chưa thể trả lời được.

“Tôi hi vọng rằng các nhà quản trị sẽ xem xét thật kỹ lưỡng, không thể thương  mại hóa dòng sông Hương để mà buôn bán, kinh doanh được. Nó không đem nhiều giá trị về văn hóa. Không thể quyết định vội vàng được, cần phải tham khảo ý kiến của các hội nghề nghiệp rồi mới tính toán”, ông Loan cho biết thêm.

Phục vụ bất động sản là không hợp lý

Cũng đưa ra nhận định về công trình này, KTS Đỗ Thị Như Mai, Hội KTS Đà Nẵng cho rằng, có nhiều điểm chưa hợp lý khi Huế muốn đem gỗ lim để lát một đoạn dài tuyến đường đi bộ.

“Chuyện đem gỗ lim ra để lát trên tuyến đường đi bộ thì thực sự chưa ổn nhất là trong điều kiện mưa gió, nước nhiều. Gỗ ở trong môi trường ẩm như vậy là không được, sẽ rất trơn, gây khó khăn cho việc đi lại”, KTS  Mai nhận định.

Vị KTS thừa nhận, nhiều công trình trước khi xây dựng không lấy ý kiến rộng rãi của người dân nên gặp phải sự phản đối, không đồng tình từ dư luận. Vì thế việc tổ chức trưng bày của Thừa Thiên Huế để nhân dân quan sát, đánh giá là việc nên làm.

Trong khi đó, Thạc sĩ, KTS Huỳnh Quốc Hội – Phó Chủ tịch hội KTS Quảng Nam cho rằng cần phải hài hòa giữa việc bảo tồn với việc phát triển để tạo ra những khu vực vui chơi, tham quan cho người dân và du khách nước ngoài khi đến hai bờ sông Hương.

“Huế cổ kính thơ mộng và rất đẹp. Tôi đồng ý phải giữ gìn, bảo vệ, nhưng vẫn cần cho phát triển để du khách lấy chỗ mà chơi chứ. Chứ thăm quan sông Hương không thể ngắm bờ cỏ mãi được. Quan trọng là phát triển đến đâu, như thế nào?

Tôi nghĩ khi xem hồ sơ nếu cơ quan nhà nước thấy hợp lý thì cho người ta phát triển. Đặc biệt phải lấy ý kiến của các bên Hội đồng quy hoạch kiến trúc Thừa Thiên – Huế, nếu họ cảm thấy chấp nhận được thì rất tốt, còn nếu không thì phải dừng lại chứ biết làm sao”, KTS Hội thẳng thắn.

Theo Phó Chủ tịch hội KTS Quảng Nam, khi xây dựng và triển khai các công trình thì nhiều người cũng đề cập đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và cần phải hết sức tránh việc này.

“Những công trình kia phát triển dịch vụ để phục vụ du khách thì có thể nói đồng ý hoặc không đồng ý. Nếu mà dùng những dự án trên để phục vụ mục đích bất động sản thì tôi hoàn toàn không đồng ý”, KTS Hội nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận