Lành mạnh hóa tài chính DN: “Gốc” để VEC hướng tới mục tiêu xa hơn

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Doanh nhân 03/02/2017 10:46

Là những hình ảnh đẹp trên bản đồ giao thông nước nhà, các tuyến đường cao tốc đã tạo nên diện mạo mới với sự thuận tiện trong lưu thông, giao thương kết nối hiệu quả giữa các vùng miền, từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông. Trực tiếp quản lý, vận hành nhiều tuyến đường cao tốc từ Bắc vào Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đề xuất nhiều phương án để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất, làm tiền đề cho kế hoạch, chiến lược phát triển trong tương lai.

 

Cau_Long_Thanh_Dep
Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Sự ra đời của VEC là một thử nghiệm mới mẻ của Chính phủ và ngành GTVT về mô hình doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt trong đầu tư xây dựng phát triển đường bộ cao tốc. Qua từng công trình, từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai rồi đến TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và nay là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành…, tất cả là minh chứng rõ nét nhất cho sự trưởng thành của một tên tuổi còn non trẻ so với các doanh nghiệp “đàn anh, đàn chị” của ngành GTVT. Qua triển khai các dự án, VEC lại rút ra cho mình nhiều bài học quý báu, qua đó bổ sung vào kho kiến thức về đường cao tốc để tiếp tục hoàn thiện và từng bước chuyên nghiệp hóa.

Nói thì dễ nhưng làm là cả quá trình. Liên tục gặp khó về nguốn vốn đầu tư, nhiều lúc VEC phải “chạy đôn chạy đáo” để tìm cách tháo gỡ nhằm đưa công trình, dự án về đích đúng tiến độ. Tuy nhiên, đó là cái khó chung của toàn Ngành trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp và muốn vượt lên không cách nào khác là phải tự vận động để khẳng định mình.

Hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc: Lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp

Để tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân, VEC đã xây dựng phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư. Cùng với đề xuất tăng vốn điều lệ, VEC đã cập nhật số liệu tài chính của 5 dự án và đã báo cáo Bộ GTVT phương án tài chính 5 dự án trên nguyên tắc VEC được chủ động thu xếp bù đắp trên cơ sở hòa chung dòng tiền 5 dự án để hỗ trợ cho nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời theo phương án tài chính được duyệt. Do đó, Nhà nước sẽ không phải bù đắp khoản thiếu hụt của các dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành. Ngày 23/11/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Quyết định số 3789/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

Phương án tài chính 5 dự án của VEC được phê duyệt góp phần làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp nòng cốt - điều quan trọng số 1 trong đầu tư phát triển, quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc ở Việt Nam, khẳng định các dự án đường cao tốc của VEC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn mang lại hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư.

Theo phương án này, mức thu phí các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, khai thác dao động từ 1.000 - 2.000đ/km/PCU; thời gian thu phí hoàn vốn (phần vốn VEC huy động) sẽ khoảng 21 - 27 năm.

Đầu tư, nối dài những tuyến đường cao tốc mới

Không khó để hình dung một bức tranh tổng thể về mạng lưới đường cao tốc Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo. Cùng với các loại hình giao thông khác, đường cao tốc được xem là hình thức hiệu quả trong giao thương kết nối và là sự tất yếu trong tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước.

Nhận thức được nhiệm vụ nặng nề phía trước, CB, CNV toàn Tổng công ty luôn nỗ lực hết mình, tập trung hoàn thành công việc đang thực hiện, đồng thời hoạch định, xây dựng chiến lược và thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.

Về mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2020, ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC cho biết, từ nay đến năm 2020 VEC tiếp tục xây dựng doanh nghiệp trở thành đơn vị nòng cốt trong đầu tư phát triển và quản lý vận hành khai thác đường cao tốc tại Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020 đầu tư xây dựng 1.000km đường cao tốc và đến năm 2030 thực hiện đầu tư thêm 1.000km đường cao tốc.

Trong nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020, VEC xác định tái cơ cấu mô hình tổ chức và hoạt động là trọng tâm. Theo đó, VEC xác định vốn điều lệ khoảng 72.602 tỷ đồng, được Nhà nước giao trong các năm từ 2016 đến 2019, trong đó vốn điều lệ của VEC đến cuối năm 2016 dự kiến là 10.000 tỷ đồng.

VEC sẽ triển khai các bước cổ phần hóa Tổng công ty (Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ), phấn đấu hoàn thành việc cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ; liên danh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thành lập các công ty cổ phần dự án, có đủ năng lực quản lý khai thác các tuyến đường và mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Ngoài các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, VEC tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai để hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, tiến độ và đạt được các mục tiêu đề ra, đảm bảo đến năm 2020 VEC sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 580km đường cao tốc tại các dự án đang triển khai.

Về hướng đầu tư các dự án cao tốc mới thuộc trục Bắc - Nam giai đoạn 2016 - 2020, VEC sẽ tập trung nguồn lực để xúc tiến đầu tư và dự kiến đầu tư vào một số tuyến cao tốc quan trọng kết nối các vùng kinh tế trọng điểm và các tuyến cao tốc tiếp nối vào các dự án đường cao tốc của VEC: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Ninh Bình - QL45, QL45 - Nghi Sơn; đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang, Quảng Ngãi - Bình Định với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 117.433 tỷ đồng.

Năm 2016, đã có 30 triệu lượt phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc của VEC, tăng 33,3% so với năm trước.

Các tuyến cao tốc của VEC sau khi đưa vào khai thác đã góp phần mang lại diện mạo mới cho GTVT nước nhà, kết nối thông thương thuận lợi các vùng miền, tạo ra những giá trị to lớn về mặt kinh tế cho các địa phương dọc tuyến, tiết giảm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và giảm đáng kể số vụ tai nạn, sự cố giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ lân cận. "Văn hóa cao tốc" cũng đã được hình thành từ khi các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, vận hành được mở ra.

Ý kiến của bạn

Bình luận