Làm rõ yếu kém để đưa ra giải pháp đảm bảo TTATGT thời gian tới

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/07/2018 09:50

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại Hội nghị Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2018 được tổ chức sáng nay 5/7.


1EF7B1DB-AE1F-46FB-BF3C-FADA7DF64E3C.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị.

Sáng nay (5/7), Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2018 bằng hình thức trực tuyến với 63 tỉnh thành. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá 6 tháng đầu năm là dịp Tết, Lễ hội xuân và cáo điểm mùa thi, mùa du lịch nên tình hình TTATGT có diễn biến phức tạp, mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, trong đó các ngành chức năng như: ngành GTVT, Công an và các bộ ngành, đoàn thể đã quyết liệt vào cuộc đảm bảo TTATGT vì vậy tình hình TTATGT có phần được đảm bảo, TNGT giảm 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm thương vong nhiều người. Và vừa qua đã liên tiếp xảy ra TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Cá biệt trong hơn 1 tháng, đoàn tàu SE19 xảy ra 2 lần tai nạn rất nghiêm trọng tại Thanh Hoá và Nghệ An; chưa xử lý triệt để các đường ngang dân sinh gây mất ATGT. Tình trạng xe dù bến cóc có xu hướng gia tăng, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe khách tuyến cố định. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng vẫn gia tăng trở lại. Vẫn còn tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ như phản ánh của người dân trong thời gian qua.

“Xảy ra nhiều sự vụ nêu trên nhưng Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt, vừa qua mới thấy Bộ GTVT xử lý trách nhiệm đối với các tập thể cá nhân liên quan đến các tai nạn đường sắt. Tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến nhất là việc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực trước mắt và cả lâu dài để chúng ta thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

TNGT tiếp tục kéo giảm cả 3 tiêu chí

Báo cáo tại Hội nghị, TS. Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, TNGT tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí, công tác vận tải trong các dịp cao điểm tiếp tục được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm, tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. 

Theo đó, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ TNGT, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. So với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 594 vụ (giảm 6,19%), số người chết giảm 31 người (giảm 0,75%), số người bị thương giảm 908 người (giảm 11,44%). Toàn quốc có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 09 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu, Yên Bái, An Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đắc Lắc. Đặc biệt, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu giảm trên 30% số người chết do TNGT.

Tuy nhiên, vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh, trong đó, có 04 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là: Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.

E5FCC2BD-8831-4853-9512-79FEDD04EEAD.
Phó chủ tịch chuyến trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng báo cáo tình hình TTATGT 6 tháng đầu năm 2018.

4 tồn tại ảnh hưởng ATGT

Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí trong 6 tháng đầu năm 2018 tuy nhiên hiện nay vẫn đang tồn tại 4 vấn đề gây ảnh hưởng đến ATGT trong thời gian qua.

Thứ nhất, tình hình TNGT diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0.75%. Ngoài ra, trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ TNGT đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 đã gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. 

Thứ hai, tình hình xe ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định sâu trong nội đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương (tình trạng xe dù, bến cóc) có xu hướng tăng mạnh chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. Hiện nay sau hơn 1,5 năm thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng về kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, tỷ lệ xe quá tải vẫn còn 10-12%, tiếp tục là nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT.

Thứ ba, là ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày hoặc khi có tai nạn hoặc sự cố phương tiện. Trong quý II/2018 đã xảy ra 44 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, tăng 08 vụ (53,33%). 

Và cuối cùng là hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới bảo đảm trật tự ATGT còn nhiều bất cập dẫn tới những rào cản, khó khăn lớn trong chỉ đạo, điều hành, giảm hiệu lực thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT, đặc biệt Luật Giao thông đường bộ 2008 cần được sớm sửa đổi bổ sung.

Chú trọng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Trước thực trạng này, ông Khuất Việt Hùng cho rằng để có thể tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trong quý III và 6 tháng cuối năm 2018, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và ứng phó với những đột biến về TTATGT; phối hợp với các cơ quan thành viên xây dựng dự thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT đợt nghỉ lễ 2/9 và triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT tháng cao điểm. 

Đồng thời, Uỷ ban sẽ đôn đốc việc thực hiện các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là chỉ đạo về nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với lái xe cơ giới đường bộ; Ban hành Quy chế quản lý tài chính và Quy chế báo cáo  đánh giá kết quả công tác bảo đảm TTATGT của Uỷ ban ATGT Quốc gia; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch năm ATGT 2018 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ…

Ý kiến của bạn

Bình luận